16/08/2014 07:50 GMT+7

Thắng cảnh Mo So: Không ai dám đầu tư vì ngại mỏ đá vôi

K.NAM - H.T.DŨNG thực hiện
K.NAM - H.T.DŨNG thực hiện

TT - Xung quanh chuyện di tích và thắng cảnh hang động Mo So (ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) hoang phế gần 20 năm qua, Tuổi Trẻ đã có buổi trao đổi với người có trách nhiệm.

Ông Lê Minh Hoàng - Ảnh: H.T.D.
Ông Lê Minh Hoàng - Ảnh: H.T.D.

​Ông Lê Minh Hoàng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết:

- Phải nói rằng đây là điều mà bản thân tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cảm thấy hết sức xót xa. Nhưng nói “bỏ quên” là chưa thật chính xác. Thật ra tỉnh đã hai lần đề nghị trung ương hỗ trợ lập quy hoạch, tôi nhớ không lầm thì mỗi lần tốn 50-70 tỉ đồng gì đó, nhưng do không có kinh phí nên thôi.

* Tỉnh đã tính đến chuyện kêu gọi nhà đầu tư lập quy hoạch và quản lý, khai thác danh thắng Mo So chưa?

- Cái này cũng phải nói thật là kêu gọi nhiều lần rồi, người ta cứ đến rồi ra đi không trở lại. Theo tôi biết thì có nguyên nhân do hạn hẹp về tài chính, nhưng cái chính vẫn là họ ngán cái mỏ đá vôi cùng với nhà máy ximăng to tướng nằm ngay bên cạnh. Trở ngại này hiện tại vẫn chưa biết tính sao, nhà đầu tư lo ngại cũng có cái lý của họ. Bởi trên thực tế, ít có nơi nào trên thế giới mà du lịch lại “sống chung” được với công nghiệp nặng cả.

* Cụ thể thì công nghiệp ximăng đã và đang ảnh hưởng thế nào tới di tích - thắng cảnh Mo So?

- Nói ảnh hưởng cũng khó, vì trước khi được cấp phép hoạt động chắc chắn họ (các nhà máy ximăng - pv) đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hết rồi. Nhưng từ những gì mắt thấy tai nghe có thể khẳng định chắc chắn hoạt động khai thác đá vôi và sản xuất ximăng ảnh hưởng không tốt tới di tích Mo So, cụ thể là khói bụi, tiếng ồn, mất cảnh quan thiên nhiên và rung chấn mặt đất.

Để ngừng việc khai thác phần nổi của núi Mo So, tỉnh đã đề nghị và được Bộ Tài nguyên - môi trường chấp thuận cho Công ty Holcim khai thác tầng âm sâu 100m. Hi vọng điều này sẽ giảm tác động tới di tích, và sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho phép tiến hành khảo sát thực tế xem việc khai thác tầng sâu sẽ tác động ra sao đến Mo So.

* Câu hỏi cuối, liệu có tương lai nào tốt đẹp hơn cho di tích và thắng cảnh Mo So không, thưa ông?

- Chắc chắn sẽ có. Lần này tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt là phải khẩn trương lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Mo So. Để làm được điều này, trước hết theo tôi phải di dời toàn bộ số dân đang sinh sống quanh chân núi, bố trí nơi tái định cư và đảm bảo cuộc sống ổn định cho họ. Việc này huyện Kiên Lương sẽ có báo cáo trong tuần sau.

Sau đó sẽ phải tiến hành khảo sát, đánh giá đúng thực trạng để có cơ sở lập một quy hoạch tổng thể phù hợp, đáp ứng tầm nhìn phát triển nhiều chục năm tới. Tôi tin rằng rồi đây Mo So sẽ trở thành điểm dừng chân không thể bỏ qua với du khách trên hành trình du lịch khám phá chuỗi danh lam thắng cảnh Kiên Lương - Hà Tiên, mà cụ thể là các địa danh Hòn Đất - Mo So - chùa Hang - quần đảo Bà Lụa - Đá Dựng - Thạch Động...

K.NAM - H.T.DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp