Một người đàn ông chụp hình trước bảng ghi nhiệt độ ở Trung tâm du khách Furnace Creek trong Thung lũng Chết tại bang California, Mỹ ngày 17-8-2020 - Ảnh: Reuters
Thống đốc Newsom nhấn mạnh California quá quen với những thách thức của một mùa cháy rừng bận rộn và chính quyền bang đang nỗ lực hết mình. Dù đã quen với thảm họa, tháng 8 vẫn là tháng khủng khiếp, theo báo New York Times.
Khủng hoảng vì thời tiết cực đoan
Hiện đang có 23 đám cháy lớn hoành hành trên khắp cả bang và hơn 300 đám cháy nhỏ khác. Chỉ riêng khu vực vịnh San Francisco đã có 15 đám cháy rừng lớn, hầu hết đều ngoài tầm kiểm soát.
Trong khi đó, hàng chục ngàn cư dân phải sơ tán khỏi hai khu vực vịnh San Francisco và thành phố Vacaville trong ngày 19-8 do cháy rừng lan rộng. Các vụ cháy rừng đã thiêu rụi một phần rất lớn diện tích đất rừng, đe dọa hàng chục công viên, khu bảo tồn và công trình công cộng tại bang California.
Nguyên nhân của các đám cháy vẫn đang được điều tra nhưng, như báo New York Times đưa tin ngày 19-8, nhiều trong số các đám cháy này bắt nguồn từ các cơn "bão" sét bất thường trong tuần qua.
Một người phát ngôn của Sở Cứu hỏa California cho biết bang đã trải qua một trận sét đánh lịch sử trong 72 giờ trong tuần qua và ghi nhận được khoảng 11.000 tia sét, gây ra hơn 367 vụ cháy rừng mới.
Alexander Gershunov - nhà nghiên cứu khí tượng học tại Viện hải dương học Scripps, ĐH California, San Diego - cho biết biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt nắng nóng như thế này trở nên phổ biến hơn.
Trong khi đó, như Reuters đưa tin, các quan chức thời tiết Mỹ cho biết nhiệt độ thời tiết cao bất thường bắt đầu tại bang California từ cuối tuần qua, gây áp lực cho lưới điện của bang và dẫn đến mất điện nhiều khu vực, là do một vùng áp suất cao khổng lồ bao trùm bên trên vùng Tây Nam nước Mỹ.
"Những hiện tượng này xảy ra và khi chúng xảy ra vào thời điểm nhiệt độ mùa hè nóng nhất vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, chúng có thể gây ra các đợt nắng nóng nghiêm trọng" - nhà nghiên cứu khí tượng Gershunov lý giải thêm.
Đặc biệt, vùng áp suất cao khổng lồ này cùng với hơi ẩm từ tàn dư của một cơn bão nhiệt đới đã tan ở ngoài khơi Mexico đã tạo điều kiện cho những cơn dông và sét tấn công các khu vực của bang California.
Từ cháy theo mùa đến cháy quanh năm
Đợt nắng nóng này có thể khiến đại dịch COVID-19 lây lan trầm trọng hơn. Ví dụ, các máy điều hòa nhiệt độ trong nhà có thể góp phần vào sự lây lan virus corona trong trường hợp tụ tập đông người.
Những người mất việc hay kinh tế khó khăn trong thời buổi COVID-19 có thể hạn chế hoặc không mở máy điều hòa nhiệt độ do sợ không chi trả nổi hóa đơn tiền điện. Nắng nóng, cháy rừng, cũng như virus corona, đều tác động đến hệ hô hấp của con người.
Cơ quan thời tiết tại vùng vịnh San Francisco đã cảnh báo chất lượng không khí trong khu vực "sẽ rất kém trong những ngày sắp tới" khi ghi nhận chất lượng không khí kém ở nhiều nơi trong vùng vịnh trong ngày 19-8.
Vẫn còn quá sớm để nói liệu biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến đợt nắng nóng này hay không, nhưng sự ấm lên toàn cầu liên quan đến phát thải khí nhà kính do con người nhìn chung gây ra đã góp phần khiến cháy rừng tại California trở nên tồi tệ hơn. Biến đổi khí hậu cũng đã kéo dài thời gian của mùa cháy rừng, từng được giới hạn trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11, thành gần như quanh năm.
Việc cúp điện cũng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh California đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Ông Newsom cho rằng các cơ quan quản lý điện đã không lường trước được tình hình và có hành động cần thiết để đảm bảo nguồn điện ổn định cho người dân California. Hiện cư dân bang California vẫn được khuyến cáo xài tiết kiệm điện để tránh phải cúp điện vì quá tải.
55 độ C
Bảng nhiệt độ tại công viên quốc gia Thung lũng Chết ở bang California ngày 16-8 đã hiển thị con số 55oC - nhiệt độ cao nhất và "đáng tin" từng được ghi nhận trên Trái đất, theo Đài BBC ngày 19-8.
"Nắng nóng đến nỗi tôi phải mất một thời gian để quen với việc bạn không thể thật sự cảm thấy mồ hôi trên da của mình vì chúng gần như bốc hơi rất nhanh" - nhân viên văn phòng Stewart nhận xét.
Trước đây, có hai lần nhiệt độ cao kỷ lục từng được ghi nhận trên Trái đất. Một lần tại Furnace Creek vào năm 1913 là 134oF (56,6oC) và một lần khác tại Tunisia vào năm 1931 là 131oF (55oC). Tuy nhiên, các chuyên gia khí hậu đã tranh luận về những ghi nhận này.
Đài BBC cho biết các nhà khoa học và khí tượng học hiện đại cho rằng những ghi nhận trên là không chính xác. Tổ chức Khí tượng thế giới sẽ phải xem xét nhiều thông tin hơn để xác nhận kỷ lục này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận