Bác sĩ mổ thẩm mỹ gương mặt cho một người dân Ảnh minh họa: HỮU KHOA |
Tiêm chất làm đầy để làm đẹp là phương thức được nhiều người chọn thay vì phẫu thuật. Tuy nhiên, có những biến chứng mà không phải ai cũng lường hết được.
Đột quỵ, mù mắt khi tiêm chất làm đầy
Những trường hợp bị tai biến như chị L. không hiếm. Chị L. học việc tại một cơ sở thẩm mỹ ở Q.6, sau khi học xong thì nhờ người tiêm chất làm đầy vào mũi. Sau khi tiêm thấy mắt trái mờ, tay chân bên phải yếu dần.
Nhiều cơ sở thẩm mỹ thực hiện cách làm đẹp này để làm căng mọng môi, nâng cao mũi, độn cằm, làm đầy đặn vùng da ngực, làm đầy nếp nhăn, nâng cao cung mày, vùng xương gò má...
Chất làm đầy được quảng cáo có tác dụng trẻ hóa làn da và nâng các mô như collagen dạng lỏng. Thực tế có phải như vậy?
TS.BS Lê Thái Vân Thanh - phòng khám chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết trường hợp người bệnh bị mù mắt như vậy là bị vĩnh viễn, không hồi phục.
Đây là tai biến đáng sợ nhất khi tiêm chất làm đầy. Tai biến này không phải bây giờ mới xảy ra. Ở các nước tiếp cận với dịch vụ làm đẹp kiểu này nhiều thì đã có nhiều ca bị biến chứng.
Nguy cơ gây tắc mạch và hoại tử
Bác sĩ Tấn Hùng cho biết nguy cơ có thể xảy ra khi tiêm chất làm đầy là gây tắc mạch và làm căng vùng tiêm. Ví dụ như tiêm vùng mắt, gây tắc mạch có thể dẫn đến bị mù mắt, tiêm vùng má, mũi gây tắc mạch thì gây hoại tử mũi hoặc một phần mũi, hay tắc những tĩnh mạch dẫn lên não có thể làm liệt một phần cơ thể.
Khi tiêm quá nhiều chất làm đầy vào một vùng trên cơ thể, hoặc ở những bộ phận đã từng phẫu thuật tạo hình thì dễ xảy ra nguy cơ làm căng vùng đó, mạch máu không đi vào để nuôi dưỡng được, dẫn đến hoại tử vùng đó. Ngoài ra, còn có nguy cơ bị nhiễm trùng. Theo báo cáo, ở Hàn Quốc hậu quả hoại tử do tiêm chất làm đầy rất nhiều, đặc biệt là tiêm mũi và môi.
BS Vân Thanh giải thích: “Trên mặt có những hệ mạch máu chằng chịt từ tim đi qua cổ và tỏa ra, có những mạch máu chui qua sàn sọ vào trong não, hay mạch đi nuôi da và những cơ quan phía ngoài sọ. Trường hợp biến chứng khi tiêm ở vùng mạch máu phía ngoài sọ, vùng da tại chỗ tiêm sẽ tái xám do không được nuôi máu”.
Không nên lạm dụng tiêm chất làm đầy
Trong y khoa, sản phẩm chất làm đầy có thể chiết xuất từ collagen của da, mô động vật. Do những collagen đó dễ gây dị ứng với người nên người ta dùng chất hyaluronic acid. Đó là một cơ chất cho lớp trung bì của da, không gây dị ứng. Trên thị trường có thể thấy có nhiều nhãn hàng khác nhau, có thể là khác nhau ở nồng độ đậm đặc hay loãng, nên có loại dùng tiêm nông, dùng tiêm sâu.
Khi hyaluronic acid xuất hiện, sau vài ca không gây biến chứng, người tiêm sẽ dạn tay, nhưng chính sự chủ quan đã gây ra tai biến nghiêm trọng. BS Vân Thanh cho biết hiện nay, số người được đào tạo chính quy về tiêm chất này ở Việt Nam là không nhiều. Nhiều bác sĩ không chuyên khoa cũng thực hiện kỹ thuật làm đẹp này, thậm chí là kỹ thuật viên, người đi học tiêm cũng làm.
BS Tấn Hùng cho biết mục đích tiêm chất làm đầy để điều chỉnh những khuyết điểm trên cơ thể, đặc biệt trên khuôn mặt là nhu cầu chính đáng, nhưng không nên lạm dụng.
Ví dụ những người sợ phẫu thuật tạo hình vĩnh viễn không hợp khuôn mặt khó chỉnh sửa, hoặc muốn làm tạm, thay đổi từ từ. Đặc biệt những người có khuyết điểm trên khuôn mặt như bị các bệnh lý teo mô mỡ do bẩm sinh, do bệnh tự miễn hay vô căn.
Mất mô mỡ khiến mặt hốc hác, xương gồ lên, dẫn đến không tự tin, có thể tiêm chất làm đầy.
Tuy nhiên, không xem nhẹ việc tiêm chích này như đã từng xảy ra với chích dạo silicon, rất nguy hiểm.
BS Tấn Hùng lưu ý những vùng lõm, trũng xuống có thể làm đầy, hay mũi thấp có thể làm cho cao nhưng chỉ cao trong giới hạn nhất định. Khi cố tiêm thêm, chất làm đầy sẽ dàn trải ra chứ không làm cho mũi cao thêm. Tiêm chất làm đầy cũng chỉ mang tính tạm thời, có tác dụng trong vòng 1-2 năm. Và tai biến luôn có thể xảy ra, nên các bạn muốn làm đẹp bằng phương pháp này nên tìm hiểu kỹ và thận trọng tối đa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận