16/09/2014 03:05 GMT+7

Thận trọng khi đập bỏ chợ truyền thống

LÊ NGỌC DUYÊN (nguyên giám đốc Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng thời kỳ 1988-2009)
LÊ NGỌC DUYÊN (nguyên giám đốc Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng thời kỳ 1988-2009)

TT - Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Biến chợ Cồn, chợ Hàn thành trung tâm mua sắm", một bạn đọc có trên 20 năm gắn bó với chợ ở Đà Nẵng đã gửi ý kiến.

Nhiều người Đà Nẵng muốn giữ lại chợ Cồn vì là chợ truyền thống và điểm đến của nhiều du khách - Ảnh: Đ.Nam
Nhiều người Đà Nẵng muốn giữ lại chợ Cồn vì là chợ truyền thống và điểm đến của nhiều du khách - Ảnh: Đ.Nam

Trước hết, chủ trương quy hoạch xây dựng để Đà Nẵng có một vài trung tâm thương mại tầm cỡ nhằm phục vụ khách du lịch và tạo điểm nhấn cho đô thị Đà Nẵng là chủ trương đúng và cần thiết.

Thế nhưng việc biến chợ Cồn và chợ Hàn thành trung tâm mua sắm tầm cỡ, hoành tráng, hiện đại thì cần tính toán một cách thận trọng và thấu đáo.

Còn nhiều câu hỏi

Năm 2008, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đã đưa ra hai phương án biến chợ Cồn thành khu phức hợp kết hợp chợ truyền thống 25-33 tầng, chợ Hàn thành trung tâm mua sắm kết hợp khách sạn và chợ truyền thồng 26 tầng. Điều này đã gây hoang mang, lo lắng, bức xúc cho không ít người dân Đà Nẵng và hàng ngàn hộ buôn bán ở hai chợ, cuối cùng phương án đã không thực hiện vào lúc ấy. 

Thực tế ở VN lẫn nước ngoài thì mô hình trung tâm thương mại hiện đại không thể gắn chung với chợ truyền thống, căn hộ cao cấp và khách sạn.

Bởi lẽ chợ truyền thống khác trung tâm thương mại, siêu thị là có hàng trăm, hàng ngàn tiểu thương buôn bán, tính chất nhỏ lẻ, nhiều ngành hàng, mặt hàng là sản phẩm của nền sản xuất nhỏ, thủ công, có giá trị kinh tế thấp, không có mã vạch, những mặt hàng như: tôm, cá, thịt, rau củ quả, dưa cà, mắm muối... chưa qua xử lý, chế biến, không bao bì, đóng gói... nên không thể đưa vào khu nhà hiện đại cửa kính, điều hòa.

Vậy nên một trung tâm hiện đại mà các tầng dưới là chợ, còn trên cao là văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp liệu có khả thi?

Với quy mô như phương án TP đưa ra, nhà đầu tư phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng công trình tầm cỡ (chợ Hàn 26 tầng, chợ Cồn từ 25-33 tầng), cho nên sẽ cho thuê mặt bằng từ 50-70 USD, thậm chí đến hàng trăm USD/m2/tháng, liệu các hộ tiểu thương có chịu nổi giá thuê đó?

Đà Nẵng đã có bài học khi giải tỏa chợ Vĩnh Trung xây siêu thị và trung tâm thương mại, các hộ kinh doanh chợ Vĩnh Trung cũ được mời vào nhưng với giá thuê trên tầng 2 đã từ 45 USD đến hàng trăm USD/m2 tùy vị trí nên hầu hết đứng xa mà nhìn, vài hộ lớn đăng ký vào cũng chỉ được một thời gian ngắn phải bỏ cuộc.

Ngay chợ siêu thị Đà Nẵng chỉ xây dựng chợ thôi mà tiền thuê mặt bằng đã gấp 4-5 lần các chợ khác, nên sau khi khai trương một thời gian nhiều hộ buôn bán bị chuyển từ chợ cũ qua đã “chết yểu” bỏ quầy hàng...

Ngoài ra, chợ Hàn, chợ Cồn không chỉ là nơi giải quyết công ăn việc làm cho 4.000-5.000 hộ buôn bán lớn nhỏ tại chợ, mà kéo theo sau đó là công ăn việc làm cho hàng mấy chục ngàn hộ ở khắp các xã, phường trên địa bàn, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động với nghề truyền thống như sản xuất bánh kẹo, giày, dép, chằm nón, may áo, quần, mũ...

Tìm cách thu hẹp chợ hay xóa chợ khi nền kinh tế địa phương còn là nền sản xuất nhỏ liệu có bóp chết nền sản xuất?

Cần giữ hệ thống chợ

Thiết nghĩ Đà Nẵng nếu cần có một số trung tâm thương mại hoành tráng để làm điểm nhấn, thu hút khách du lịch mua sắm hàng cao cấp thì cũng có thể quy hoạch xây dựng được tại một số địa điểm khác ngay trong nội thành Đà Nẵng... chứ sao lại phải xóa bỏ chợ Hàn, chợ Cồn mới xây dựng được trung tâm mua sắm?

TP.HCM, Hải Phòng... đất chật người đông nhưng vẫn bảo tồn hệ thống chợ. Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xã hội hóa chợ và biến chợ thành trung tâm thương mại, nhưng những năm gần đây chính quyền TP cũng đã cho dừng “xã hội hóa” một loạt chợ đã lên kế hoạch, đây là điều Đà Nẵng cũng cần tham khảo.

Theo tôi, việc xóa bỏ chợ Hàn, chợ Cồn để quy hoạch xây dựng thành khu phức hợp và trung tâm thương mại cần tính toán, cân nhắc kỹ.

Còn hiện tại, chợ Cồn đã xuống cấp nghiêm trọng, cần đầu tư xây lại với quy mô một tầng hầm và hai tầng nổi (tầng hầm dùng làm bãi đỗ đậu xe các loại, một phần dành bán hàng tươi sống, ban đêm sử dụng làm chợ đêm) theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm như trước đây đã làm chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Hòa Khánh, chợ đầu mối Hòa Cường...

Còn chợ Hàn đầu tư tiếp tục giai đoạn 2 để giải tỏa xây dựng phần diện tích còn lại phía giáp đường Bạch Đằng thành khu mua sắm hàng cao cấp, nhà hàng ăn nhanh, ẩm thực nhìn ra sông Hàn thơ mộng phục vụ khách du lịch.

LÊ NGỌC DUYÊN (nguyên giám đốc Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng thời kỳ 1988-2009)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp