Đây không phải là lần đầu tiên những kẻ lừa đảo lợi dụng mạng xã hội để tung các chiêu trò lừa đảo.
Đủ chiêu lừa trên mạng
Có thể thấy thủ đoạn nhắn tin thông báo trúng thưởng rồi yêu cầu người dùng chuyển các loại phí là rất phổ biến và đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có người dùng sập bẫy bởi sự cả tin.
Gần đây, những kẻ lừa đảo đã dùng tài khoản Facebook, Beetalk để nhắn tin thông báo trúng thưởng một chiếc xe máy Liberty hoặc các loại phiếu quà tặng trị giá 50 - 70 triệu đồng đến tài khoản mạng xã hội của người dùng. Người dùng muốn nhận thưởng phải đóng phí cược 1,5 triệu đồng thông qua việc cào card điện thoại. Có người đã mắc bẫy và bị chiếm đoạt gần 100 triệu đồng.
Trước đó, Công an TP.HCM đã thụ lý vụ án hai thanh niên dùng thủ đoạn nhắn tin thông báo trúng thưởng qua các mạng xã hội Zalo, Viber, Beetalk... để chiếm đoạt của người dùng hàng trăm triệu đồng thông qua các chi phí mà chúng “vẽ” ra như chi hồ sơ khách hàng, phí vận chuyển xe, phí đăng ký xe trước bạ, chi phí để trao thưởng…
Một chiêu lừa đảo khác được ghi nhận gần đây là việc một người đàn ông nước ngoài giả danh mình thành đạt, kinh tế vững vàng và dùng lời ngon ngọt để tán tỉnh phụ nữ trên mạng xã hội Facebook. Sau đó, hắn nói sẽ gửi những món quà có giá trị như lap top, máy ảnh, điện thoại… về Việt Nam để tặng và yêu cầu người nhận chuyển một khoản phí vận chuyển vào tài khoản mà hắn chỉ định. Dĩ nhiên, sau khi “con mồi” chuyển khoản thì tên này cũng lặn mất tăm.
Ngoài ra, trên mạng xã hội Facebook còn xuất hiện những đường dẫn, bài viết gây tò mò và dẫn dụ người dùng nhấp vào đọc. Khi truy cập những đường dẫn này, rất có thể tài khoản của người dùng sẽ bị đánh cắp và bị lợi dụng vào những mục đích xấu.
Cảnh báo nhiều lần, vẫn mắc bẫy
Nhiều bạn đọc có ý kiến rằng những kẻ lừa đảo bằng hình thức này đã có từ lâu trên nhiều trang mạng xã hội và đã được các kênh thông tin chính thức của các mạng xã hội và truyền thông cảnh báo nhiều lần.
Một loại tin nhắn lừa người sử dụng Facebook trúng xe Liberty - Ảnh chụp màn hình |
Tuy nhiên, “những chiêu lừa cứ lắng đi một thời gian lại rộ lên với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn”, chị Hồng Nhung (Q.10, TP.HCM) nói.
Anh Phong (TP.HCM) có cùng quan điểm: Zalo, FB đã thông báo rất nhiều lần về vấn đề lừa đảo, báo chí, truyền hình cũng đã đưa tin nhưng chỉ lắng xuống được vài ngày, sau đó thì vẫn nhan nhản.
“Tốt nhất là nên tự cảnh giác, thấy gì nghi ngờ thì đừng nhấp vào, thấy ai thông báo trúng thưởng cũng đừng vội tin”, anh Phong nói.
Bạn đọc Nguyễn Hoàng đề nghị nên có nhiều biện pháp tuyên truyền để báo cho người dân biết khi bị lừa đảo qua mạng xã hội thì báo cho ai, ở đâu.
Tự trang bị “tường lửa” cho mình
Chuyên gia bảo mật Trần Quang Chiến, giám đốc Công ty Vnist, cho biết có rất nhiều hình thức lừa đảo, chiếm tài khoản của người sử dụng Facebook và người dùng cần hết sức tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội, nhất là trong thời điểm những kẻ xấu lúc nào cũng chực chờ sơ hở của người dùng để lợi dụng.
“Khi chúng ta tham gia mạng xã hội sẽ gặp nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn. Những kẻ xấu có thể lợi dụng trang Facebook cá nhân của người khác vào mục đích phát tán mã độc, lừa đảo những người không hiểu biết nhiều về Internet”, ông Chiến nói.
>> Chuyên gia bảo mật Trần Quang Chiến
“Không nên vội vàng nhấp vào bất kỳ link nào được chia sẻ trên tường hoặc qua tin nhắn trên mạng xã hội”, đó là khuyến cáo của ông Trần Quang Chiến.
Thông tin chương trình trúng thưởng của trang mangxahoi2015 nhằm “tung hỏa mù” nạn nhân - Ảnh chụp từ màn hình |
Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo và an ninh mạng Athena, cho biết những kẻ lừa đảo lợi dụng sự cả tin và tâm lý thích trúng thưởng của nhiều người để trục lợi.
“Nhiều người không biết cứ nhấp vào những đường dẫn bất kỳ trên mạng xã hội mà không biết rằng đường dẫn này chứa mã độc. Mã độc này sẽ âm thầm lấy thông tin tài khoản, mật mã, dữ liệu máy tính… để gửi về cho hacker”, ông Võ Đỗ Thắng cảnh báo.
>> Ông Võ Đỗ Thắng
Theo ông Chiến, có trường hợp người dùng nhìn thấy nội dung mình muốn đọc trên một đường dẫn nào đó nhưng khi nhấp vào thì lại ra nội dung hoàn toàn khác và đó rất có thể là đường dẫn chứa mã độc.
>> Chuyên gia bảo mật Trần Quang Chiến
Việc lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức trúng thưởng cũng diễn ra thường xuyên và người mắc bẫy thường là những người ở các tỉnh xa thành phố lớn. Nguyên nhân đầu tiên là do thiếu thông tin, thứ hai là họ nghĩ rằng mình ở xa nên việc phải trả phí vận chuyển để nhận quà là điều dễ hiểu, ông Thắng chia sẻ thêm.
>> Ông Võ Đỗ Thắng
Đối tượng lừa đảo phụ nữ qua Facebook Eluma Francis Chukwubueze, người Nigeria, bị bắt tại một khách sạn ở Q.1 - Ảnh : Đại Việt |
Khi tham gia mạng xã hội, việc cần làm để bảo vệ tài khoản của mình, theo ông Chiến, là xác thực hai bước cho tài khoản và cả email đăng ký tài khoản để tăng cường các lớp bảo vệ.
Ngoài ra, người dùng cũng nên sử dụng tính năng báo cáo người lạ, máy lạ đang truy cập để kiểm soát tài khoản của mình. Các mạng xã hội cũng thường cung cấp tính năng này cho người dùng.
>> Chuyên gia bảo mật Trần Quang Chiến
“Phải tự trang bị tường lửa cho mình, đừng nhẹ dạ để bị lừa rằng mình trúng thưởng cái này, cái kia”, ông Võ Đỗ Thắng thẳng thắn chia sẻ.
>> Ông Võ Đỗ Thắng
“Về kỹ thuật, chúng ta có thể sử dụng các phần mềm diệt virút để ngăn chặn mã độc nhưng không có phần mềm nào ngăn chặn được hoạt động lừa đảo trúng thưởng của kẻ xấu. Người sử dụng hết sức cẩn thận, đề cao cảnh giác, không đưa thông tin cá nhân, hoặc chuyển tiền để tránh tình trạng mất tiền”, ông Thắng kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận