Vở Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam - Ảnh: LINH ĐOAN
Có tổng cộng 64 huy chương đã được trao. Trong đó, bốn huy chương vàng dành cho các vở Bpolar (Đoàn nghệ thuật Ayit - Israel), Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi Trẻ), Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và Sự sống (Nhà hát kịch Việt Nam).
Bpolar được xem là vở diễn hội tụ nhiều chất thử nghiệm hiệu quả. Vở dài khoảng 60 phút, như cuốn nhật ký về cuộc đời của một người bị bệnh tâm thần. Trong suốt 60 phút đó, người xem không thể rời mắt khỏi sân khấu bởi những gì đạo diễn đã biến hóa, xử lý.
Vở Bpolar của Đoàn nghệ thuật Ayit, Israel chinh phục nhiều khán giả yêu sân khấu - Ảnh: THANH HIỆP
Vở không lời thoại, sử dụng phối hợp máy chiếu, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, có cả màn đu dây, một chút ảo thuật, rối đen… khiến vở như những thước phim đầy xúc cảm để người xem trôi theo cuộc đời của nhân vật.
Vở rối Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam) lại gây ấn tượng với hình thức chủ yếu là rối mặt nạ. Kịch bản được chăm chút với những lời thoại ý nghĩa, thiết kế sân khấu đẹp, sang trọng; âm thanh, âm nhạc, ánh sáng hài hòa khiến khán giả hết sức thích thú với vở diễn nhiều cảm xúc, có đủ màu bi lẫn hài.
Còn vở kịch Cậu Vanya tạo cảm tình bởi cách xử lý hiệu quả các không gian trên sân khấu, đạo cụ, cấu trúc của vở diễn, diễn xuất của diễn viên. Đặc biệt, cát là một đạo cụ đắc địa để diễn viên tương tác, xới tung những cảm xúc.
Bụi mịt mù bao phủ sân khấu, lan xuống cả khán phòng khiến người xem cũng khó thở, ngột ngạt như đồng điệu với những gì các nhân vật đang trải qua trên sân khấu.
Sự sống gây chú ý với cách khai thác kịch hình thể, có nhiều xử lý hiệu quả trong âm nhạc, dàn đồng ca, diễn xuất của diễn viên…
Vở Sự sống của Nhà hát kịch Việt Nam đoạt huy chương vàng - Ảnh: THANH HIỆP
Bên cạnh đó, liên hoan còn trao 5 huy chương bạc cho các vở: Ngàn năm mây trắng (Đài Tiếng nói VN), Macbeth Mirror (đoàn Kalyani Lamandalam - Ấn Độ), Cánh đồng đẫm máu (Nhà hát Thessaly, Hy Lạp), Câu chuyện về bức tranh cổ (đoàn Shanghai Huaiju Opera Troupe, Trung Quốc) và Dưới cát là nước (Nhà hát Thế Giới Trẻ, Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM).
Ban giám khảo còn trao 55 huy chương cá nhân cho các nghệ sĩ, trong đó có 20 huy chương vàng và 35 huy chương bạc. Ngoài ra còn có các giải Đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng (vở Thân phận nàng Kiều), Họa sĩ tạo hình xuất sắc nhất thuộc về họa sĩ Lê Đình Nguyên (vở Thân phận nàng Kiều), Tác giả triển vọng dành cho NSƯT Đồng Thị Quế Anh (Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai), và giải thiết kế ánh sáng xuất sắc nhất dành cho cho vở Bpolar.
Các nghệ sĩ nhận huy chương vàng cho những vai diễn xuất sắc - Ảnh: LINH ĐOAN
Liên hoan năm nay có sự tham gia của 14 đơn vị nghệ thuật trong nước và 7 đoàn quốc tế. Các vở diễn có thời lượng từ 50-120 phút khá đa dạng các thể loại từ cải lương, kịch nói, chèo tới múa rối, xiếc…
Kể từ liên hoan lần 3 năm 2016, ban tổ chức đã ấn định liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế sẽ diễn ra 3 năm một lần tại Việt Nam. Liên hoan lần 5 dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào mùa thu năm 2022.
Giữa các buổi thi có những cuộc hội thảo nhỏ để người làm nghề gặp gỡ, trao đổi về những thử nghiệm mình đưa tới liên hoan. Đã xảy ra những cuộc tranh cãi về quan điểm nghệ thuật mà gần như không có hồi kết. Như thế cũng chẳng sao vì khi đã thử nghiệm phải chấp nhận có thể đúng có thể sai, có thể thành công có thể thất bại. Với thử nghiệm nên để cho nghệ sĩ tự do tung tẩy, sáng tạo, không nên gò bó, áp đặt, định kiến.
Có một số vở đem đến liên hoan những thử nghiệm gây ấn tượng và hứa hẹn có thể ứng dụng để làm tăng hiệu quả của một vở diễn sân khấu. Tuy nhiên, cũng có những vở như một vở diễn sân khấu bình thường, không có sáng tạo gì mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận