Liên quan việc 3 ngôi nhà tại Quảng Bình được di chuyển gần trăm mét ra vị trí mới để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cao tốc Bắc - Nam, "thần đèn" Huỳnh Văn Tài (46 tuổi, trú TP.HCM) đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những "bí mật" về cách thực hiện điều không tưởng này.
Đây là những "bí mật" mà nếu không trực tiếp tận mắt nhìn thấy, nhiều người sẽ không dám tin.
Mỗi ngày di dời nhà đi 15-20 mét
Ba căn nhà tại thị trấn Nông Trường Việt Trung (Bố Trạch, Quảng Bình) chỉ là số ít trong số hàng trăm căn nhà mà ông Tài đã di dời trong những năm qua.
Nhưng đây là lần đầu tiên ông làm công việc này ở Quảng Bình, và càng ý nghĩa hơn khi việc di dời này giúp đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng thi công cao tốc Bắc - Nam.
Theo hợp đồng ban đầu, trong 3 căn nhà thì có một căn phải kéo lùi hơn 90 mét, nâng móng lên hơn 3 mét, xoay hướng 90 độ.
Hai căn còn lại cũng di dời ra vị trí mới cách 50-70 mét, cũng nâng móng. Ông Tài cam kết di dời 3 căn nhà đến vị trí mới đảm bảo nguyên kết cấu đến 98%.
Ông Tài kể để thống nhất những điều kiện như trên, ông phải nhiều lần ra khảo sát thực tế. Khi đưa ra các phương án di dời, phía gia chủ thống nhất thì mới đưa nhân lực, máy móc ra triển khai.
"Bước đầu tiên là phải định vị nhà, làm móng mới khớp đến từng centimet với móng của ngôi nhà đang có. Sau đó, thợ sẽ tập trung lấy đất trong nhà cũ ra, để lộ hết phần móng rồi cho thiết bị cắt ngang cổ móng", ông Tài chia sẻ.
Bước di chuyển căn nhà theo ông Tài là khâu khó nhất. Các kích thủy lực được bố trí dày đặc dưới chân ngôi nhà đủ mạnh để nâng khối lượng toàn bộ nhà hàng trăm tấn lên.
"Một hệ thống ray trượt được đội nhân công lắp đặt bên dưới. Nếu nhà một trệt một lầu thì ray trượt bằng gỗ. Nếu nhà lớn hơn thì ray trượt được đổ bằng bê tông", "thần đèn" tiếp tục tiết lộ.
Khi đã hoàn thành hệ thống ray trượt và đường trượt từ vị trí cũ đến vị trí mới, một chuỗi các con lăn bằng ống sắt được đặt đều trên thanh trượt bên dưới ngôi nhà. Mỗi con lăn được làm bằng ống sắt dày chịu lực.
Cùng thời điểm, hệ thống kéo thủy lực cũng được gắn vào hệ thống dây cáp phía trước ngôi nhà dọc theo đường di chuyển cũng được lắp đặt.
"Chỉ cần bật thiết bị kích hoạt hệ thống kéo này, ngôi nhà sẽ từ từ trượt theo con lăn hướng đến vị trí mới. Mỗi ngày tốc độ trượt cũng được từ 15-20 mét", ông Tài nói kéo như thế cho đến khi đến vị trí mới rồi mới xoay theo hướng chủ nhà muốn.
Bước cuối cùng khi đã ổn định vị trí, hướng nhà thì mới bắt tay vào cố định hệ thống móng ở vị trí mới vào ngôi nhà bên trên.
Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí
Ông Tài tiết lộ mình được "sư phụ" truyền nghề này từ gần 30 năm trước khi ông còn là một thanh niên 18 tuổi.
Ban đầu việc di dời nhà được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. Sau khi nâng nhà lên thì phải huy động nhiều người "hò dô ta" kéo bằng tay đến vị trí định sẵn.
Đến những năm 2008 thì ông bắt đầu đầu tư máy móc hiện đại, máy kích thủy lực, máy kéo thủy lợi nên nhân công sử dụng chỉ cần từ 5 - 10 người cho việc di chuyển một căn nhà.
"Ở Việt Nam hiện người nâng nhà, chỉnh nhà thì nhiều, nhưng người di dời nhà thì ít. Mà di chuyển nhà nguyên căn mới là việc khó", ông Tài nói.
Theo ông Tài, ba căn nhà ở Quảng Bình ngoài di chuyển đến địa điểm mới thì chủ nhà còn yêu cầu nâng móng nhà lên, có nhà đến gần 3 mét.
Ngoài ra còn phải xoay hướng nhà theo ý gia chủ nên mất nhiều thời gian. Nếu chỉ di dời nhà thì công việc thực hiện rất nhanh với sự hỗ trợ của máy móc.
"Nếu di chuyển tới vị trí mới cách khoảng 100m, và nâng lên 2m thì chỉ mất khoảng 35-40 ngày sẽ hoàn thiện.
Khoảng thời gian này chỉ bằng khoảng 1/5 thời gian xây lại hoàn thiện ngôi nhà mới. Chi phí cũng tiết kiệm hơn nhiều lần", ông Tài phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận