Chiều 4-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Báo cáo tình hình sau hơn 3 năm hoạt động, ông Vũ Quốc Huy - giám đốc NIC - cho hay trung tâm đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan.
Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Trong đó, trung tâm đã hỗ trợ, ươm tạo, xây dựng mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính. Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được hình thành với gần 1.600 chuyên gia, trí thức ở khắp thế giới, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...
Định hướng của trung tâm là hoàn thiện các cơ chế, chính sách để vận hành hiệu quả, tự chủ về tài chính, tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Tận dụng tối đa cơ hội thị trường và công nghệ trong lĩnh vực như hydrogen xanh, sản xuất chip bán dẫn, xây dựng mạng lưới nhân tài, nhà đầu tư...
Do đó, trung tâm kiến nghị hoàn thiện các chính sách, quy định ưu đãi đặc biệt. Tập trung vào các cơ chế ưu đãi đặc thù, vượt trội như: các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công từ nguồn viện trợ, tài trợ ngoài ngân sách.
Được đánh giá là "mô hình duy nhất của thế giới" khi Việt Nam là nước đầu tiên có trung tâm đổi mới của quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay việc xây dựng trung tâm là nhằm tạo ra hệ sinh thái để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đến nay hầu như "tự túc", chưa có cơ chế chính sách để thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực của mạng lưới hơn 1.600 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới.
Với 8 lĩnh vực trọng tâm, gồm thành phố thông minh, nhà máy thông minh, công nghệ môi trường, digital media, an ninh mạng, bán dẫn, y tế, hydrogen xanh…, ông Dũng cho biết đã nhận được sự ủng hộ từ các bộ ngành để hình thành nên hệ sinh thái, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.
Hội tụ và lan tỏa trí tuệ
Trực tiếp đi thăm các hoạt động tại trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng nhưng cũng trăn trở về những điều chưa làm được.
Gợi ý slogan "hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam", Thủ tướng cho rằng trung tâm cần hội tụ trí tuệ người Việt Nam để tạo sự lan tỏa, phát triển.
Thủ tướng đồng ý việc sửa đổi nghị định 94 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia theo hình thức rút gọn. Trường hợp nếu việc sửa kéo dài thời gian thì ban hành ngay nghị quyết để thực hiện và hoàn thiện tiếp.
Thu hút nguồn lực tài chính để thực hiện, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quỹ hoạt động cho trung tâm, gồm một phần nguồn lực của Nhà nước. Việc thực hiện sử dụng quỹ đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Bên cạnh đó là hội tụ nguồn lực con người, tạo ra hệ sinh thái phát triển. Theo Thủ tướng, muốn có trí tuệ nhân tạo phải có cơ sở dữ liệu lớn. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với Bộ Công an khai thác hiệu quả dữ liệu về dân cư.
Thủ tướng cũng nhất trí về việc hỗ trợ các nhà đổi mới sáng tạo (start-up), các tổ chức, vườn ươm công nghệ, gắn với chế độ chính sách. Trực tiếp trao đổi với nhiều start-up đến từ nhiều tỉnh thành, ở vùng sâu vùng xa, Thủ tướng cho rằng việc hỗ trợ ban đầu là rất quan trọng nên cần hoàn thiện cơ chế chính sách về vấn đề này.
Ngay sau buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp thị sát công trình của trung tâm đang xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thủ tướng yêu cầu quan trọng nhất là bảo đảm tiến độ, chất lượng, các yếu tố kỹ mỹ thuật; quy hoạch phải tổng thể, bài bản, tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, bảo đảm công năng phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận