22/11/2013 18:15 GMT+7

Thẩm tra "chay" không tốt cho việc làm luật

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Ngày 22-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIII thông qua.

294ggTMn.jpgPhóng to
Đại biểu Chu Sơn Hà thẳng thắn nhận xét: “Quốc hội làm luật chạy theo thành tích, đưa vào đưa ra các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất dễ dàng. Những vấn đề không bảo đảm chất lượng cũng trình Quốc hội” - Ảnh: V.D.

Nhiều đại biểu tiếp tục “kêu" về tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn thi hành luật khiến luật không đi vào cuộc sống.

Chính sách từ trên trời, cuộc đời dưới đất

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) phản ánh một thực trạng khi ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh có sự dễ dãi của Quốc hội khi hồ sơ trình dự án luật không đủ, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo thời gian gửi đến các cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội theo quy định. Thế nhưng các dự án này vẫn được đưa vào chương trình kỳ họp gây khó khăn cho cơ quan thẩm tra.

Đại biểu Thụy bức xúc: “Có những dự án luật sáng đưa thì chiều thảo luận. Do đó không có điều kiện để lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Có những văn bản tồn tại rất ngắn, chẳng hạn như những văn bản chỉ tồn tại 12 ngày như thông tư 24 của Bộ Giáo dục - đào tạo hay thông tư 33 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ tồn tại 30 ngày đã phản ánh một điều luật và pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống”.

Bà Thụy còn nêu lên một thực tế đáng lo ngại: “Qua tiếp xúc cử tri thì cử tri cho rằng thời gian gần đây nhiều văn bản luật khi trình Quốc hội có biểu hiện của lợi ích ngành, ít phân cấp cho địa phương, ví dụ như pháp luật liên quan đến quản lý kinh tế, quản lý tài nguyên…".

Ngoài ra, một số luật còn để cho Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn quá nhiều đã dẫn đến việc lách luật, lạm quyền.

Có cùng lo ngại này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định: "Nhiều luật vẫn chứa đựng lợi ích ngành, lợi ích nhóm, thậm chí có nguy cơ làm tăng bộ máy, tăng biên chế, tăng kinh phí và điều đáng buồn là hiện nay chúng ta đang xuất hiện tình trạng các luật hình thành nhiều loại quỹ cá biệt và riêng biệt, sẽ gây khó khăn cho Luật ngân sách”.

Làm luật kiểu “chạy theo thành tích”

Đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) thẳng thắn nhận xét: “Quốc hội làm luật chạy theo thành tích, đưa vào đưa ra các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất dễ dàng. Những vấn đề không bảo đảm chất lượng cũng trình Quốc hội”.

Ông Hà dẫn chứng: Ngay trong kỳ họp này, chương trình Quốc hội có hai luật là luật liên quan đến Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam nhưng bây giờ lại đưa ra.

Một vấn đề khác khiến đại biểu Chu Sơn Hà băn khoăn là chất lượng thẩm tra luật. “Thời gian vừa qua chúng tôi thấy một số các ủy ban thường là thẩm tra chay. Báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội ăn chay rất tốt cho sức khỏe nhưng ngược lại thẩm tra chay không tốt cho việc thẩm tra các dự án luật” - ông Hà ví von.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi tán thành: “Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Chu Sơn Hà nếu chúng ta thẩm tra chay thì chất lượng luật kém”. Ông Lợi cũng phân tích thêm một nguyên nhân dẫn tới nợ đọng văn bản luật là do chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong suốt nhiệm kỳ khóa XIII của chúng ta là rất lớn, có 144 dự án mà đến nay mới xây dựng được 46/144 - đạt khoảng 31,9%. “Nếu chúng ta thông qua Hiến pháp thì số luật phải hoàn thành vào kỳ họp thứ 10 năm 2015 lại càng tăng thêm nhiều hơn nữa. Trong khi đó, hầu hết các luật đều giao cho Chính phủ, các bộ, ngành phải hướng dẫn. Tôi cho rằng Chính phủ ban hành không chậm mới là chuyện lạ” - ông Lợi nói.

Theo ông Hà, cũng có một số ủy ban, một số dự án luật được khảo sát trước khi tổ chức thẩm tra nhưng không phải là tất cả. Ông Hà đề nghị là quá trình thẩm tra phải có khảo sát, đánh giá, từ đó có thực tiễn để thẩm tra các dự án luật chất lượng hơn.

Phải giữ nghiêm kỷ cương pháp luật

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) mang đến diễn đàn Quốc hội một câu chuyện: “Có một thực tế thế này, gần đây các đoàn đi Trung Quốc về cho ra một nhận định chung là trước kia chúng ta đi Trung Quốc thì Trung Quốc chiêu đãi chúng ta rất hoành tráng. Nhưng bây giờ chúng ta đi Trung Quốc chiêu đãi xong về nhà ăn cơm thêm. Tôi hỏi thì các đồng chí nói là từ khi Trung Quốc thực hiện lệnh thực hành tiết kiệm thì tất cả các cấp đều nghiêm túc. Trong khi chúng ta thì Nhà nước, Đảng có đủ các loại thực hiện chỉ thị tiết kiệm, nhưng ở dưới thì nó không vào. Mong rằng chúng ta phải làm nghiêm vấn đề này thì nó mới giữ kỷ cương phép nước được.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp