17/11/2015 12:40 GMT+7

Thẩm quyền xử phạt "nhìn cái mặt kênh kiệu" thuộc về ai?

Luật sư HỒ NGUYÊN LỄ
Luật sư HỒ NGUYÊN LỄ

TTO - Luật sư Hồ Nguyên Lễ gửi đến TTO những ý kiến quanh vụ bị phạt 5 triệu đồng vì lên Facebook viết chủ tịch UBND tỉnh "nhìn cái mặt kênh kiệu".

Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 2).

Việc xử phạt vi phạm hành chính được đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính (Điều 3).

Tại điều 5 nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định cấm “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

Tại khoản 3 Điều 66 nghị định 174/2013 NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Với các quy định trên thì “người có thẩm quyền xử phạt” có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm hành chính của bà Trang và hậu quả của lời bình luận “nhìn cái mặt kênh kiệu” gây thiệt hại như thế nào đối với người chủ sở hữu “cái mặt kênh kiệu” đó.

Đồng thời người chủ sở hữu “cái mặt kênh kiệu” có thật sự bị đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình hay không?

Do đó “người có thẩm quyền xử phạt” cần phải xác minh, điều tra hoàn cảnh, động cơ nào bà Trang có bình luận như thế, ý thức chủ quan chê nhân vật chính ở khía cạnh nào, từ trước đến nay có nhiều lời bình luận như thế không, hành vi có tổ chức hay không?

Hay đó chỉ là lời bình luận vô thức, ngẫu hứng trên trang cá nhân của mình về một góc nhìn ảnh chụp mà không lường trước được hậu quả số lượng người vào comment (bình luận), like trên Facebook của bà Trang.  

Theo Đại từ điển tiếng Việt, từ “kênh kiệu” có nghĩa tỏ ra kiêu căng, cho mình hơn người (trang 879 - Nguyễn Như Ý chủ biên, do Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo phát hành).

Với thái độ của một người này bày tỏ về người khác có tính tình kiêu căng, cho mình hơn người thì liệu có đủ yếu tố cấu thành hành vi: đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, của người có tính tình kiêu căng hay không?

Hậu quả của bình luận “nhìn cái mặt kênh kiệu” có làm xấu đi, làm cho xã hội hiểu sai, đánh giá sai về người chủ sở hữu “cái mặt kênh kiệu” đó không?

Hiện nay pháp luật chưa có quy định chi tiết, cụ thể, định nghĩa, định lượng thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Việc bà Trang, ông Phúc bị xử phạt hành chính vì lý do vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác là chưa thuyết phục.

Mặt khác, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì có cá nhân còn bị xử lý kỷ luật về chính quyền như phê bình, khiển trách, cảnh cáo hoặc chuyển công tác khác! Tại sao các cơ quan xử phạt quá nhanh nhảu, quyết liệt trong xử lý vụ việc?

Một câu hỏi: Sở dĩ bị xử phạt, có phải vì người bị “hiểu nhầm” là một vị quan chức lãnh đạo hay không?

Cá nhân người bị “hiểu nhầm” có yêu cầu xử lý hay không? Căn cứ theo quy định hiện hành, cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính).

Luật sư HỒ NGUYÊN LỄ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp