31/07/2015 08:11 GMT+7

Thẩm phán ồ ạt tạm đình chỉ án để... chạy thi đua!

Q.KHẢI - A.NHÂN - M.HƯƠNG - M.HOA
Q.KHẢI - A.NHÂN - M.HƯƠNG - M.HOA

TT - Qua giám sát của HĐND TP.HCM, có thẩm phán tạm đình chỉ cấp tập, ồ ạt 7-8 vụ một ngày (cuối tháng 6-2014). Đến 7 ngày sau cũng chính thẩm phán này ra thêm 8 quyết định đình chỉ.

Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương - Ảnh: Quang Định

Bức xúc của người dân về tình trạng án bị kéo dài, có vụ tạm đình chỉ hơn 10 năm chưa xử xong đã được các đại biểu chất vấn Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương tại kỳ họp thứ 18 HĐND TP.HCM khóa VIII ngày 30-7.

Đại biểu Trần Trọng Dũng nói khi đi giám sát ở năm TAND quận, ông phát hiện nhiều vụ án bị tạm đình chỉ rơi vào tháng 8 và 9. Cá biệt như TAND quận Bình Tân đến hơn 90% án tạm đình chỉ vào thời gian trên.

Ồ ạt tạm đình chỉ án

 

“Trong số 65 vụ thì có 58 vụ tạm đình chỉ rơi vào tháng 8, 9. Cá biệt có thẩm phán một ngày tạm đình chỉ 7-8 vụ. Chánh án TAND quận Bình Tân trả lời đoàn giám sát rằng có lẽ do áp lực đến ngày 30-9 là hết hạn thi đua.

Tôi rất băn khoăn là người dân chịu rất nhiều thiệt thòi nếu thẩm phán cứ chạy thi đua như vậy. Đề nghị chánh án tòa Bình Tân nói rõ”, ông Dũng nói.

Tiếp lời, đại biểu Dương Văn Nhân chất vấn: “Tôi hỏi thẳng có chỉ đạo nào của TAND cấp trên hay không mà cuối tháng 8, 9 thì các quận, huyện gần như đồng loạt xuất hiện nhiều án tạm đình chỉ?”.

Ông Lê Quang Phong, phó chánh án TAND quận Bình Tân, khẳng định không có chỉ đạo nào cả. Vấn đề tạm đình chỉ thường rơi vào tháng 8, 9 là đến hạn thi đua.

Sau khi thụ lý, từ 4 - 8 tháng nếu chưa đưa vụ án ra xét xử được mà gặp khó khăn, trở ngại theo đúng quy định pháp luật là căn cứ để tạm đình chỉ thì thẩm phán sẽ tạm đình chỉ.

“Việc tạm đình chỉ còn chịu sự giám sát của viện kiểm sát cùng cấp và tòa cấp trên nữa. Đúng là cũng có áp lực nhưng chúng tôi tạm đình chỉ đúng luật chứ không sai” - ông Phong khẳng định.

Đại biểu Trần Trọng Dũng khẳng định phần trả lời của phó chánh án quận Bình Tân khó khiến đại biểu và người dân thỏa mãn.

Vì qua giám sát, thẩm phán tạm đình chỉ cấp tập, ồ ạt 7-8 vụ một ngày (vào ngày 28-6-2014). Đến bảy ngày sau thì cũng chính thẩm phán này ra thêm tám quyết định đình chỉ.

Trong khi xem xét thì thấy các vụ án này có thời gian thụ lý 1-4 năm chứ không phải những vụ mới thụ lý từ đầu năm, để tám tháng sau trùng hợp rơi vào cuối kỳ thi đua mà TAND ra quyết định tạm đình chỉ.

“Tạm đình chỉ ồ ạt như vậy thì thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi người dân. Đề nghị chánh án TAND TP tổ chức một đoàn kiểm tra đến TAND quận Bình Tân kiểm tra vấn đề này”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM, chủ tọa kỳ họp - bày tỏ băn khoăn tại sao có sự trùng hợp đó, vì đâu phải người dân đến nộp đơn cùng một lúc mà rải rác trong năm, không thể để người dân có cảm nhận không tốt, cho dù là đúng pháp luật.

Bà Tâm yêu cầu ông Phong phải báo cáo lại chánh án, trả lời bằng văn bản cho đại biểu.

Không chấp nhận đối phó thi đua

Bà Ung Thị Xuân Hương khẳng định: “Nếu tạm đình chỉ mà để đối phó thi đua thì chúng tôi không thể chấp nhận. Tôi sẽ cho kiểm tra xử lý các TAND quận, huyện có hiện tượng này”.

Với TAND quận Bình Tân, bà Hương nói đã cho kiểm tra, đang chờ kết luận, nếu kết luận chưa rõ theo phản ảnh của đại biểu sẽ tiếp tục tái kiểm tra và báo cáo lại. “Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc chính thức với tòa Bình Tân, kiên quyết không để tình trạng vì thi đua mà đối phó”.

Đại biểu Cao Thanh Bình băn khoăn trong khi việc giải quyết khiếu kiện của người dân còn nhiều tồn tại thì trong sáu tháng đầu năm, tòa đã giải quyết 82,1% đơn khiếu nại tố cáo, còn lại 124 đơn khiếu nại tố cáo chưa giải quyết.

“Thường trực HĐND đã chuyển 14 đơn thư khiếu nại tố cáo sang tòa, sau đó đã gửi văn bản nhắc lần thứ hai, thậm chí lần thứ ba mà vẫn chưa trả lời?”.

Trả lời chất vấn, bà Hương cho biết lượng án ở TP.HCM luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước 10%. Nhiều khiếu nại tố cáo của người dân chưa đúng, thiếu cơ sở, cần xác minh.

Bà Hương khẳng định án tạm đình chỉ, án quá hạn hầu hết là án phức tạp, quy định chưa rõ ràng, còn nhiều quan điểm khác nhau nên thẩm phán... ngại đưa ra xét xử vì nếu xử thì dễ bị hủy, sửa án, ảnh hưởng... tái bổ nhiệm. Vì vậy thẩm phán để đó nghiên cứu.

Đồng thời còn tình trạng thẩm phán chưa thật sự tận tâm, làm hết trách nhiệm của mình. Bản thân lãnh đạo tòa TP, quận, huyện đôi lúc chưa quyết liệt chế tài nghiêm khắc đối với những thẩm phán để án quá hạn, án tạm đình chỉ có vi phạm.

Tuy nhiên, bà Xuân Hương cho rằng do nguyên nhân khách quan là chính. Việc giải quyết án dân sự phức tạp, có nhiều người tham gia tố tụng, có người ở nước ngoài, khó khăn trong thu thập chứng cứ, định giá, xác định nguồn gốc đất...

Về vấn đề khắc phục án hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán mà đại biểu Huỳnh Quốc Cường đặt ra, bà Hương nói:

“Về chủ quan thì do thẩm phán sai về mặt tố tụng, do trình độ cũng chưa đồng đều. Ngành tòa án chúng tôi vẫn không ngừng tập huấn, nâng cao năng lực, chuyên môn cho cán bộ...”. Đối với án tạm đình chỉ thì coi như án đó đã được giải quyết, không tính xét thi đua.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết sau kỳ họp sẽ làm việc thêm với UBND TP, báo cáo với thường trực Thành ủy để hỗ trợ tăng năng lực cho TAND các cấp của TP.

Di dời cơ sở gây ô nhiễm: làm không xong sẽ chịu trách nhiệm

Dù dành khá nhiều thời gian trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến môi trường nhưng phần trình bày của giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đào Anh Kiệt chưa làm các đại biểu thỏa mãn.

Lý giải việc di dời cơ sở gây ô nhiễm xen cài trong khu dân cư trong 13 năm qua chưa xong, ông Kiệt nhận một phần trách nhiệm thiếu kiên quyết trong vấn đề xử lý, nhưng cũng nêu nhiều lý do khác như hạ tầng chưa đồng bộ, chính sách thay đổi.

“Đặc biệt trong sáu doanh nghiệp chưa di dời thì có tới năm doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này có sự ỷ lại, ù lì trong việc di dời” - ông Kiệt nhấn mạnh và cho biết UBND TP.HCM đã kết luận đến giữa năm 2016 phải dứt điểm di dời các cơ sở này.

Với lộ trình di dời như trên, đại biểu Huỳnh Công Hùng bày tỏ không tin tưởng sẽ thực hiện được. Bởi theo ông, trong khi công tác di dời thực hiện nhiều năm chưa xong thì nay còn phát sinh mới 698 cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch.

“Việc di dời chậm thời gian qua đã làm cử tri mất niềm tin trong vấn đề di dời cơ sở gây ô nhiễm” - ông Hùng nhận định và đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường có văn bản báo cáo cụ thể về vấn đề này bởi ông Kiệt trả lời chung chung chưa rõ.

Đáp lại, ông Kiệt cho rằng lộ trình di dời đã được UBND TP.HCM chốt đến giữa năm 2016 nên phải cố gắng làm, nếu không làm xong thì sẽ chịu trách nhiệm trước dân và lãnh đạo TP.HCM.

Ông Hứa Ngọc Thuận - Ảnh: Quang Định

UBND TP.HCM nhận trách nhiệm về những hạn chế

Cuối phiên chất vấn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận thay mặt thường trực UBND TP nhận trách nhiệm trước đồng bào cử tri TP.HCM về những hạn chế, yếu kém cần khắc phục như: ngập nước nội thị, quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, tai nạn giao thông...

Về chỉ tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch hoặc hợp vệ sinh trong năm 2015, ông Thuận cho rằng thời gian không còn nhiều nhưng không vì tiến độ mà cẩu thả, làm công trình chất lượng kém để tốn tiền của của Nhà nước.

Trong việc lắp đặt thiết bị lọc nước đến từng hộ dân sẽ công khai minh bạch, đấu thầu rộng rãi, không để chạy thầu hay làm lợi cho bất kỳ nhóm doanh nghiệp nào.

Ông Thuận cho biết cá nhân ông chưa hài lòng về phần trả lời của Sở Tài nguyên - môi trường và nhận một phần trách nhiệm, đồng thời sẽ tổ chức cuộc họp chuyên đề để làm rõ những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.

Q.KHẢI - A.NHÂN - M.HƯƠNG - M.HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp