21/09/2016 09:27 GMT+7

Tham nhũng “ổn định” nhưng phát hiện ngày càng giảm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Báo cáo của Ủy ban Tư pháp sáng 21-9 chỉ ra nhiều bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), các đánh giá về tham nhũng chung chung: “có lúc”, “có địa phương” "có cán bộ"…mà không có địa chỉ cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói rằng công tác bổ nhiệm cán bộ là vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân - Ảnh: H.L
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói rằng công tác bổ nhiệm cán bộ là vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân - Ảnh: H.L.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2016, được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21-9.

Tham nhũng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực

Ủy ban Tư pháp phát hiện: Chính phủ đánh giá vẫn cơ bản như các năm 2013, 2014, 2015 là “tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”.

Đáng lưu ý trong bốn năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước, trong khi đánh giá của Ban chấp hành trung ương Đảng cũng như phản ảnh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.

“Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2015 do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố thì điểm số của VN là 31/100 điểm (giữ nguyên từ năm 2012 trở lại đây), đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu” - báo cáo chỉ rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: “Báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền.

Trong nhiều năm các báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”… mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi”.

Ủy ban Tư pháp cho rằng tồn tại diễn ra nhiều năm qua chưa được khắc phục, đó là “tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn diễn ra; số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng…”.

Chưa được đẩy lùi nhưng phát hiện lại giảm

Qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp phát hiện một nghịch lý là trong khi Chính phủ nhận định tham nhũng vẫn phức tạp, tồn tại ở nhiều cấp, nhiều ngành và chưa bị đẩy lùi, nhưng công tác đấu tranh phát hiện tham nhũng lại giảm dần qua các năm.

Báo cáo chỉ rõ: “Công tác giải quyết tố giác, tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2015 và không đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội (Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố 128 vụ/272 bị can, giảm 39% về số vụ và 16,5 % số bị can; Viện kiểm sát truy tố 236 vụ/548 bị can, giảm 31% về số vụ và 27% số bị can; Tòa án xử sơ thẩm 159 vụ/402 bị cáo, giảm 63,5% về số vụ và 28,6% số bị cáo…)”.

“Trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít”.

Lạm dụng bảo mật để từ chối công khai

Theo nhận định của Ủy ban Tư pháp, “việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, triển khai chậm.

Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp vẫn diễn ra, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách nhà nước và giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị… gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”.

Ví dụ được báo cáo thẩm tra trích dẫn từ báo chí là: hằng năm TP Hà Nội chi khoảng 700 tỉ đồng cho việc cắt tỉa cây xanh trên địa bàn, chỉ đến khi Chủ tịch UBND TP nhận ra sự bất hợp lý và thẳng thắn công bố thì người dân mới được biết về thông tin này.

“Qua vụ việc này, nhiều người dân muốn chính quyền công khai các thông tin khác về chi phí các dịch vụ công cộng như điện chiếu sáng; cấp thoát nước; panô, ápphích tuyên truyền, cổ động… của các thành phố lớn” - bà Nga nói.

Bức xúc vấn đề bổ nhiệm cán bộ

“Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân;

Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước” - bà Nga cho rằng đây là vấn đề khiến đông đảo đại biểu Quốc hội, người dân, dư luận nêu lên.

“Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ảnh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình  về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.  

Phân tích về tình trạng này, báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu: “Thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác cán bộ, công chức. Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu”.

“Với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ; mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, “dễ mình dễ ta”.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp