Thậm chí, dù không dính líu gì dịch vụ thám tử, một số người một ngày đẹp trời được vị thám tử lạ hoắc gửi cho đoạn clip "mèo mỡ" ngoài luồng của mình kèm chiêu moi tiền.
Thám tử yếu nghề, làm lộ thông tin
Anh Lâm (công ty thám tử G.Đ., quận 1, TP.HCM) kể có trường hợp cha thuê thám tử theo dõi con trai đang học cuối cấp II. "Vừa thấy hình con hút shisa cùng đám bạn, ông này nổi trận lôi đình chửi mắng, khiến thằng nhỏ bỏ nhà đi bụi.
Ổng phải tốn thêm mớ tiền nhờ thám tử tìm con về. Nhiều đứa con biết mình đang bị bố mẹ thuê người giám sát thì hành xử theo kiểu "đã vậy tôi cho ông bà thấy"", anh nói.
Bi đát hơn, có người nghi ngờ chồng cặp bồ nên nhờ thám tử bắt ghen. Sắp có kết quả thì ông chồng nổi máu vũ phu. Anh Lâm lý giải: "Nguyên nhân là chị vợ để con trai táy máy mở kho ảnh mà thám tử gởi, thấy hình ba nó cùng cô bồ thân mật nhau. Nó đưa cho ba nó coi và chuyện gì đến đã đến".
Trục trặc trong hợp đồng mua bán đất, anh N.Tùng (36 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) thuê thám tử xác minh đối tác để giải quyết tranh chấp. Anh muốn lần ra mối quan hệ "thượng tầng" của đối tác. Để từ đó, anh nhờ cầu nối tác động người này trả lại tiền cọc đất.
Tréo ngoe, vị thám tử yếu tay nghề làm lộ thông tin. Chủ đất hô hoán có người muốn ám hại gia đình, vợ con ông. "Sự việc tồi tệ hơn khi ông này biết chủ mưu là người đang tranh chấp với mình.
Ông tuyên bố không có chuyện thương lượng, xin xỏ gì cả. Cứ theo luật mà làm. Đồng nghĩa tôi mất trắng gần 10 tỉ đồng!", anh Tùng kể lại.
Còn anh Thọ (công ty thám tử T.K.) cho biết nhân viên của anh không ít lần bị cảnh gậy ông đập lưng ông. Một số vụ do các thám tử này hấp tấp muốn ăn non nên bị lộ.
Hậu quả, thám tử bị dụ tới chỗ vắng "tạm ứng" một trận đòn tối tăm mặt mũi. "Hay như có trường hợp thám tử vừa theo dõi ông chồng, một mặt tranh thủ tán tỉnh bà vợ.
Dân trong nghề gọi là bị cháy giáo án. Hợp đồng vô hiệu khi chồng bắt quả tang vợ và tay thám tử hẹn hò riêng tư ở quán cà phê", anh kể.
Quy trình ngược: chủ động tìm thông tin, rao bán cho người cần mua
Thông thường, khách sẽ tìm đến thám tử. Từ nhu cầu khách, công ty thám tử thu thập chứng cứ cung cấp.
Thế nhưng gần đây, giới thám tử sáng kiến quy trình ngược: chủ động tìm thông tin rồi rao bán cho người cần mua.
Công ty thám tử K.H. (chủ yếu giao dịch qua mạng) chỉ có trên dưới 10 người, toàn dân có nghề, trang bị máy móc hiện đại. Hai người điều hành từng trong ngành bảo vệ pháp luật. Số còn lại có trình độ hẳn hoi.
Ngoài hợp đồng khách hàng tự tìm đến, hầu hết giao dịch của công ty này từ nguồn tin "tố giác tội phạm" mà nhóm thám tử chủ động tìm kiếm.
Để dễ bề hoạt động, thám tử của K.H. chia hai nhóm. Đầu tiên là nhóm hiện trường, chuyên dựng ăng ten nghe ngóng, lùng sục tìm con mồi. Họ phát hiện những hiện tượng, sự việc "sẽ có ích cho việc kiếm tiền" rồi đeo bám, thu thập chứng cứ.
Có hàng độc trong tay, họ tạo tình huống ngẫu nhiên tiếp cận đối tượng, gạ bán thông tin theo giá họ quyết định.
Chẳng hạn, nhóm này móc nối nhân viên khách sạn A. để lên danh sách những khách quen, có dấu hiệu ăn nem ăn chả (ngoại tình). Chỉ cần đoạn clip hai người ra vào khách sạn coi như xong. Tiếp theo xác minh tên tuổi, địa chỉ, chỗ làm.
Bất chợt một sáng đẹp trời, một trong hai người ăn nem ăn chả kia (thậm chí cả hai) nhận được đoạn phim trên. Họ chỉ biết vâng dạ làm theo yêu cầu của kẻ giấu mặt. Trường hợp không hợp tác thì thám tử dùng chiêu: chào hàng vợ hoặc chồng của họ.
Có thời điểm, nhóm này cài cắm người vào làm nhân viên bảo vệ khách sạn để dễ bề phối hợp. Táo bạo hơn, nhóm còn ghi hình sai phạm của các cá nhân sau đó "nhá" thông tin cho họ biết. Mồi này, thám tử không dám gạ gẫm bán buôn mà tự phía bên kia biết phải làm gì.
Nhóm thám tử còn lại chuyên tác chiến điện tử, tinh vi hơn. Họ lùng sục thông tin trên mạng để săn mồi. Phát hiện sai phạm cá nhân hoặc tổ chức nào đó, họ tung quân thu thập tài liệu, chứng cứ. Có hàng trong tay, việc còn lại cứ theo kịch bản soạn sẵn.
Cân nhắc kỹ trước khi thuê thám tử
Nhu cầu thông tin rất cần thiết, đặc biệt khi liên quan quyền lợi, uy tín, danh dự người trong cuộc. Nhưng người sử dụng dịch vụ thám tử đi quá giới hạn và không đúng mục đích sẽ lợi bất cập hại, thậm chí phạm pháp.
Nghề thám tử tư ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ. Người có nhu cầu thật sự còn nghi ngại về hiệu quả, giá cả và đặc biệt là tính bảo mật thông tin nên nhiều khi chưa yên tâm khi tìm đến dịch vụ này.
Theo luật gia Phạm Văn Chung, hiện chưa có khung pháp lý, hướng dẫn, quy định cụ thể đối với dịch vụ thám tử tư nhân. Các quy định pháp luật chưa có sự thống nhất nên ngành nghề chưa được cấp phép hoạt động.
Các công ty thám tử tư hiện nay đang hoạt động chui, không hợp pháp. Trong khi đó các dịch vụ điều tra, khai thác thông tin liên quan đến bí mật đời tư, quyền công dân là vi phạm pháp luật.
Từ căn cứ pháp lý trên, ông Chung đưa ra cảnh báo người dân nên cân nhắc kỹ trước khi thuê dịch vụ này. Trường hợp cần thiết xác minh thông tin, sự việc nào đó, phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ cụ thể, rõ ràng.
"Trong đó phải có điều khoản về giới hạn việc xác minh, điều tra, khai thác, cung cấp thông tin phù hợp quy định pháp luật, tránh trường hợp "vô tình" bị vướng vào các quy định pháp luật khác", ông Chung cho biết.
Cùng quan điểm, luật sư Lê Trung Phát (giám đốc hãng luật Lê Trung Phát) cho rằng người thuê dịch vụ thám tử sẽ chịu trách nhiệm liên đới khi thám tử có hành vi vi phạm pháp luật. Nếu đó là vi phạm hành chính, người trực tiếp vi phạm hoặc chính người sử dụng dịch vụ cũng có thể bị xử phạt.
Chẳng hạn, người nào thu thập, sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích, có thể bị xử phạt hành chính.
Nếu hành vi có dấu hiệu tội phạm hình sự, người thuê dịch vụ có thể bị xét đến vai trò đồng phạm, chủ mưu, người thực hành, người giúp sức...
"Hiện nay xã hội có nhu cầu sử dụng dịch vụ thám tử, nhưng đây là nhu cầu nhạy cảm và liên quan đến quyền nhân thân, hình ảnh, bí mật thư tín... Người dân trước khi sử dụng dịch vụ cần phải được tư vấn về mặt luật pháp, nếu không sẽ vô tình vi phạm", luật sư Phát đưa ra cảnh báo.
Thám tử tham gia chạy án
Ngày 18-9-2023, N.H.Sơn (ngụ Đồng Tháp) bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Biết tin Sơn bị bắt, các đối tượng liên quan gom tiền lo cho Sơn tại ngoại.
Nhóm này nhờ Đỗ Văn Đức (giám đốc một công ty thám tử) tìm kiếm thông tin, móc nối người "chạy án" cho Sơn.
Thông qua Đức, nhóm của Sơn đã đưa 4,9 tỉ đồng cho một đối tượng lo công việc nhưng sau đó Sơn vẫn bị tạm giam. Vụ việc bị phát hiện, Đức và đồng phạm bị khởi tố về tội môi giới hối lộ.
****
Thêm một lý do khiến nghề thám tử chưa được công nhận vì hiện nay hệ thống pháp lý chưa quy định cụ thể để quản lý ngành nghề kinh doanh này. Những dịch vụ mà họ khai thác đang bị xem là vi phạm pháp luật. Vì vậy, ranh giới giữa cung cấp thông tin và xâm phạm bí mật đời tư rất mong manh, khả năng vi phạm pháp luật của thám tử rất cao.
>> Kỳ tới: Đủ chiêu né luật, có nên thừa nhận thám tử tư?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận