Lúc này, trước ngôi nhà ba tầng khang trang ở đường số 3, Hoàng Diệu 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM các cụ ông, cụ bà thông thả đi bộ tập thể dục, trong khi các bạn trẻ chơi đá cầu dưới ánh đèn đường.
Thầy Liêm vừa đi dạy về. Ở tuổi 75, ông vẫn hăng say với nghiệp trồng người mà ông đã gắn bó suốt 36 năm. Trên bộ xalông tinh tươm ở phòng khách có một chậu phong lan trắng gắn tấm thiệp “Chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam” mà học trò vừa gửi tặng thầy.
Nấu nước pha trà mời khách, ông giáo già từ tốn kể hai học trò xây nhà tặng thầy chỉ muốn thầy vui. “Mà tôi vui thật - ông nói - Tôi vui không phải vì vật chất này, mà vui vì học trò của mình trưởng thành, nên người, thành đạt nhưng không quên những người khó khăn, nghèo khó. Đó là thành quả lớn nhất tôi nhận được trong đời dạy học”.
Dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà còn thoang thoảng mùi sơn, ông nói nó “ngoài sức tưởng tượng” của ông. “Cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có một ngôi nhà thế này. Với lại, mình già rồi nên nhu cầu cuộc sống cũng giản tiện” - ông nói thêm.
Xây nhà tặng thầy, hai cựu sinh viên lo tất cả mọi thứ từ động thổ, thiết kế, thuê người trông coi, trang bị nội thất trong nhà “để thầy không phải bận tâm nhiều”.
Ở tầng trệt, “phòng ngủ của hai ông bà già” (lời thầy Liêm) được trò chuẩn bị sẵn giường, nệm, chăn, tủ quần áo và nhà vệ sinh trong phòng. Gian bếp ở phía sau có bếp gas, tủ lạnh và những vật dụng làm bếp. Phòng làm việc của thầy ở tầng 1 được trò trang bị bàn ghế, tủ sách, tivi và một ghế bành dài để thầy nghỉ ngơi.
Tầng 2 là hai phòng dành cho hai con gái của thầy và tầng 3 để dự phòng khi có khách. Sân thượng có những chậu cây cảnh xanh tươi...
“Tôi cứ nói đến chuyện ơn nghĩa là các em lại rầy tôi. Các em nói thầy đừng bận tâm. Tấm lòng của các em đã tiếp cho tôi động lực. Tôi giảng bài hăng say hơn. Tôi mang những câu chuyện tấm lòng của học trò vào bài giảng của mình, để các em sinh viên ý thức việc làm giàu là bằng tri thức của mình chứ không phải mình giàu để người khác nghèo đi” - ông hồn hậu kể.
Xuyên suốt câu chuyện, thầy Liêm không nói gì về hoàn cảnh khốn khó của mình khi vợ bệnh tâm thần, hai cô con gái bị suy nhược thần kinh và con trai duy nhất của thầy chết đuối năm 13 tuổi. Ông chỉ nói về những điều học được từ tấm lòng của trò và muốn lan tỏa giá trị đó đến những lớp sinh viên, học viên cao học ông đang hướng dẫn.
Còn hai học trò (từ chối nêu tên) xây nhà tặng thầy Liêm cũng chỉ nói những gì họ có được hôm nay chính nhờ những bài học từ bục giảng cộng với nhân cách sống của thầy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận