Căn phòng tại Bàn Môn Điếm, nơi diễn ra lễ ký hiệp định đình chiến - Ảnh: T.LỘC |
Hướng dẫn viên Choe vẻ mặt nghiêm nghị, cảnh báo chúng tôi, cho dù khoảng hơn 50 cây số nữa mới tới vĩ tuyến 38 phân cách với Hàn Quốc...
Địch thua ta thắng
Điểm canh gác đầu tiên nằm giữa đoạn đường rất nhiều hầm, cách Bàn Môn Điếm hơn 50 cây số.
Đồng chí lái xe Yun Hyok Chol chỉ cần ngồi trên xe chìa tờ giấy có dấu mộc là người lính đeo súng kéo barie cho xe chạy qua.
Tiếp theo, đến khoảng cách hơn 20km cũng có một điểm canh gác khác, Yun phải cầm giấy xuống xe trình diện.
Rồi một trạm gác có đông quân lính khác nữa ở đoạn gần TP Khai Thành thì Yun vào chốt canh gác lâu hơn... Xe không vào TP Khai Thành mà đi thẳng đến biên giới cách đó chừng 10 cây số để thăm ngôi “làng đình chiến” Bàn Môn Điếm.
Xe tiếp tục dừng ở một cổng bêtông lớn, chúng tôi được ra hiệu xuống xe, cấm chụp hình và đi vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm lớn cạnh đó.
Từ quầy lưu niệm bước ra, mọi người xếp hàng rồi đi qua một cánh cổng hẹp có hai người lính kiểm soát theo danh sách trên tay. Tiếp tục lên xe, cùng đoàn lần này có thêm một đồng chí thượng úy quân đội đi cùng.
Vị thượng úy mỉm cười chào cả xe, không giới thiệu tên mà chỉ nói rằng sẽ hướng dẫn mọi người tại những điểm được phép đến. Vị thượng úy này không biểu lộ vui buồn, nhưng khuôn mặt có chút gì đó hơi khắc khổ, chỉ nở nụ cười khi chúng tôi cố gắng bắt chuyện.
Con đường ngoằn ngoèo đi qua mấy cây cầu thép, hai bên là tường bêtông cao, trên tường là những cuộn kẽm gai chạy dài.
Điểm dừng đầu tiên được giới thiệu là khu vực đàm phán đình chiến, nơi có khá nhiều lính đeo súng canh gác.
Vừa qua khỏi cổng, vị thượng úy giới thiệu, đại ý: khu vực này vào ngày 19-7-1972 đồng chí lãnh đạo Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) đã đến, và sau đó ngày 3-3-2012 đồng chí sĩ quan cao cấp Kim Jong Un đã đến và có lời chỉ dạy.
Rằng, đây là một địa điểm lịch sử, là nơi mà quân xâm lược Mỹ đã quỳ gối đầu hàng trước nhân dân Triều Tiên và là nơi đóng con dấu đình chiến.
Khu vực này cần bảo vệ và quản lý tốt để còn được giữ cho con cháu đời sau, những người được sống trong thời đại đất nước thống nhất.
Ngay phía bên phải là căn nhà trệt lợp tôn, phía trước dựng tấm bia: “Nơi họp đàm phán đình chiến 1951-1953”.
Trong nhà khá trống với một bàn gỗ lớn tương đương bàn chơi bóng bàn đặt ở giữa. “Bàn đàm phán ở đây, mọi người có thể ngồi hai bên!” - vị thượng úy ra hiệu. Không khí ở đây thoải mái hẳn vì mọi người được tự do quay phim, chụp hình...
Tiếp theo, chúng tôi được dẫn sang một ngôi nhà trệt rộng lớn hơn cách đó chừng 50m, bên trong có ba chiếc bàn vuông. Bàn giữa để trống. Bàn bên trái có lá cờ Triều Tiên và một văn bản bìa đỏ nằm trong lồng kính. Bàn bên phải thì có cờ Liên Hiệp Quốc và mấy văn bản nằm trong hai lồng kính.
Xung quanh các bức tường treo rất nhiều tranh ảnh về cuộc đàm phán, về cuộc chiến tranh Triều Tiên, về lãnh tụ và về cuộc chiến thắng của phe ta và thất bại thảm hại của quân địch...
Vị thượng úy tiếp tục giới thiệu: Đây là nơi lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ ngồi với nhau để đàm phán. Tuy nhiên, Mỹ sử dụng cờ của Liên Hiệp Quốc chứ không dùng cờ Mỹ.
Và Triều Tiên coi đó là một sự xúc phạm. Đàm phán bất thành, Mỹ bỏ về, và hành động bỏ về ấy chính là sự thất bại của Mỹ; thắng lợi thuộc về nhân dân Triều Tiên...
Từ bên kia biên giới, du khách được phép chụp hình cơ sở quân đội của Hàn Quốc - Ảnh: T.LỘC |
Chỉ được chụp hình một phía
Cả đoàn tiếp tục lên xe tiến về khu vực biên giới liên Triều, còn gọi là khu phi quân sự mỗi bên 2km tính từ vĩ tuyến 38. Xe tiếp tục quanh co trên con đường nhựa khá hẹp, băng qua một số cầu sắt nhiều tường thành bêtông trên có kẽm gai.
Ở đây có những mảnh vườn rộng, chỗ thì loang lổ hầm hố, chỗ thì cây bụi lác đác, một số nơi được trồng rau màu.
Thỉnh thoảng cũng bắt gặp một vài người đạp xe trên con đường đất hay chăn bò bên mấy triền đồi. Những người này được giới thiệu “là người nhà của những người lính ở đây”...
Xe đỗ ở sân một tòa nhà cao ba tầng khá hoành tráng và được giới thiệu đó là “cửa khẩu” nằm trên một khu đồi khá cao.
Chúng tôi được dẫn đi ngược xuống con dốc rồi dừng lại trước một bảng bêtông rất lớn, trên đó có khắc chữ ký của lãnh đạo Kim Nhật Thành ngày 7-7-1994.
Ông đến đây một ngày trước khi mất (8-7-1994). Vị thượng úy nói: “Đến giây phút cuối cùng của mình, chủ tịch vẫn luôn nghĩ đến sự nghiệp thống nhất đất nước!”.
Chúng tôi được dẫn ra phía đường biên giới, nơi có hai căn nhà cửa khẩu phía Hàn Quốc, rồi đi song song cách một dãy nhà nằm giữa đường biên giới chừng 20m chứ không được tiến sát.
Nghe nói dãy nhà đó dành cho cuộc gặp gỡ người thân từ hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, hiện bị đóng băng không biết bao giờ mới nối lại được.
Một vài vị cán bộ dẫn đoàn khách du lịch lên bancông tầng ba tòa nhà bên phía Triều Tiên để chúng tôi quay phim, chụp hình về phía bên kia biên giới.
Vị thượng úy hướng dẫn tiếp tục giới thiệu về khu vực cửa khẩu, về cuộc chiến tranh, về sự chia cắt và về những nỗ lực để cho hai miền thống nhất...
Tuy nhiên, tất cả mọi người đều rất ít lắng nghe mà chỉ tập trung chụp hình những tòa nhà của... “đối phương” bên kia biên giới. Và chúng tôi cũng chỉ được phép chụp một hướng về phía “đối phương” mà thôi.
Trong đoàn chỉ cần có người giơ máy ảnh hay điện thoại về hướng tòa nhà của Triều Tiên là bị nhắc nhở hoặc bị đồng chí cán bộ lấy tay che ống kính. Kể cả trong cầu thang dẫn lên tòa nhà cũng không được phép chụp...
Trên đường rời khỏi cửa khẩu để về Khai Thành, Choe gần như im lặng trước một số thắc mắc của chúng tôi. Dường như Choe cũng đang có nhiều cảm xúc sau khi chứng kiến “vết cắt” của đất nước mình. Thật ra, trong ngày đi thăm khu vực phi quân sự này, điều chúng tôi mong chờ nhất, ngoài biên giới, đó là đi thăm một bảo tàng, nơi viết những ước nguyện gặp gỡ đoàn tụ Nam - Bắc như trong tour có giới thiệu. Tôi nêu thắc mắc vì sao không đến nơi đó, Choe trả lời: “Đi chừng này thôi, chừa chỗ đó lần sau có cái để mà các bạn ghé lại nữa...”. |
_________
Kỳ tới: Đồng won kỳ lạ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận