Tính đến đầu giờ tối 29-12 (giờ Hàn Quốc), nhà chức trách xác định đã có 177 người chết, 2 người mất tích và 2 người sống sót trên chuyến bay mang số hiệu 7C2216 được Jeju Air khai thác bằng máy bay thân hẹp Boeing 737-800. Đây là tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ năm 1993, sau thảm kịch xảy ra với máy bay của Hãng Asiana Airlines.
Cơ quan cứu hỏa Hàn Quốc: Hầu hết 181 người trên máy bay gặp nạn đã thiệt mạng - Nguồn: CNA - AFP - MBCNEWS
Nghi vấn dồn vào chim trời
Trong cuộc họp báo tối 29-12, đại diện Bộ Đất đai - Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc (MOLIT) đã cung cấp thêm thông tin, đồng thời điều chỉnh một số mốc thời gian diễn biến sự việc đã công bố trước đó.
Sau khoảng bốn tiếng rưỡi cất cánh từ Bangkok (Thái Lan), chiếc máy bay đã đến điểm đến cuối cùng là sân bay Muan (Hàn Quốc).
Vào khoảng 8h54 sáng (giờ địa phương), đài kiểm soát không lưu cho phép máy bay hạ cánh.
Khoảng 2 phút sau đó, đài kiểm soát không lưu cảnh báo có hoạt động của chim trời gần sân bay.
Cơ trưởng nhận được thông báo nên cho máy bay lấy độ cao trở lại và bay vòng sân bay để hạ cánh theo hướng ngược lại với thông báo đầu tiên của đài kiểm soát không lưu.
Phát hiện có điều bất thường trên máy bay, cơ trưởng gửi tín hiệu khẩn nguy lúc 8h59 phút. Khoảng 9h, máy bay đáp xuống đường băng với càng đáp không thể bung ra. Đến 9h03, máy bay lao ra khỏi đường băng, đâm vào tường rào sân bay và bốc cháy.
Nhà chức trách Hàn Quốc xác nhận đài kiểm soát không lưu đã chấp nhận để máy bay hạ cánh theo hướng ngược lại sau khi có cảnh báo chim trời. Điều này làm dấy lên câu hỏi chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay xấu số.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, có hai suy đoán chính hiện thời là hoặc do động cơ bị hỏng vì va chạm với chim, hoặc càng đáp trên máy bay không thể bung ra.
Trả lời về vấn đề này, đại diện MOLIT cho biết trong trường hợp thông thường, các sự cố liên quan đến động cơ máy bay đều liên quan đến bộ phận hạ cánh. Tuy nhiên ngay cả khi bộ phận hạ cánh không thể tự động bung ra, phi công vẫn có thể điều khiển chúng bằng tay.
Hai phi công điều khiển máy bay gặp sự cố có 6.823 giờ kinh nghiệm bay đối với cơ trưởng (45 tuổi) và 1.650 giờ kinh nghiệm bay đối với cơ phó (35 tuổi). Tất cả đều là công dân Hàn Quốc.
Bác bỏ chuyện đường băng ngắn
Cũng tại họp báo, đại diện MOLIT bác bỏ thông tin cho rằng "đường băng ngắn" tại sân bay Muan là nguyên nhân gây ra tai nạn.
Đường băng của sân bay này dài khoảng 2.800m, nhưng khoảng 300m không thể sử dụng được do đang xây dựng mở rộng. Chiều dài này khá ngắn so với các sân bay quốc tế khác của Hàn Quốc như Incheon hay Gimpo.
Tuy nhiên, một quan chức của MOLIT khẳng định đường băng tại sân bay Muan đủ sức tiếp nhận các mẫu máy bay như Boeing 737-800.
"Mẫu máy bay gặp nạn có khả năng hạ cánh trên đường băng từ 1.500 - 1.600m và nhiều loại máy bay khác đã hoạt động mà không gặp vấn đề gì", vị này khẳng định và nói không thể coi chiều dài đường băng là nguyên nhân gây tai nạn.
Một số chuyên gia nhất trí rằng rất khó để một thảm họa quy mô lớn như vậy xảy ra chỉ từ việc động cơ bị hỏng do va chạm với chim.
Ông Choi Ki Young, giáo sư hàng không tại Đại học Inha (Hàn Quốc), cho biết ngay cả khi một động cơ bị hỏng vì va chạm với chim, bộ phận hạ cánh của máy bay vẫn có thể hoạt động nhờ năng lượng từ động cơ còn lại.
"Dựa trên đoạn video, có thể thấy các cánh hãm tốc của máy bay đều không hoạt động khi máy bay hạ cánh xuống bằng bụng.
Có vẻ như đã xảy ra sự cố với cả hai động cơ trên máy bay. Khi động cơ ngừng hoạt động, máy bay cũng bị tê liệt bởi các lệnh điều khiển của phi công sẽ không được chuyển tiếp", ông Choi nói với Yonhap.
Tiến sĩ Ahn Oh Seong của Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc khẳng định máy bay sẽ không thể rơi chỉ vì một vụ va chạm với chim.
"Ngay cả khi một động cơ không hoạt động do tác động vật lý như va chạm với chim, năng lượng vẫn được cung cấp cho bộ phận hạ cánh từ động cơ còn lại. Nếu cả động cơ này cũng không hoạt động, vẫn có một thiết bị gọi là bộ tích lũy năng lượng, nhưng tôi không hiểu vì sao cả ba đều bị hỏng", ông này nói thêm.
Do đó theo ý các chuyên gia, sẽ cần phải tiến hành phân tích kỹ lưỡng để xác định xem nguyên nhân vụ tai nạn có phải là do va chạm với chim, hay việc bảo trì, kiểm tra kỹ thuật trước chuyến bay có vấn đề.
Dự kiến phải mất nhiều thời gian mới có thể làm rõ nguyên nhân chính xác của thảm kịch. Trong vụ tai nạn chết người gần đây nhất liên quan một hãng hàng không của Hàn Quốc là Asiana Airlines tại sân bay San Francisco (Mỹ) vào tháng 7-2013, phải mất 11 tháng báo cáo điều tra về nguyên nhân mới được công bố.
Đại diện MOLIT không đưa ra ước tính tai nạn lần này mất bao lâu nhưng cho biết khung thời gian dự kiến là từ 6 tháng đến 3 năm. Hiện cả hai "hộp đen" của máy bay gặp nạn đã được tìm thấy, song sẽ cần thời gian để phân tích để hiểu rõ những gì đã xảy ra trên máy bay trong những phút cuối cùng.
Sân bay Muan được khai trương năm 2007, nằm gần một vùng biển kín và có một đường băng với hai đầu cho việc cất/hạ cánh.
Theo Yonhap, một số người đã đặt câu hỏi vì sao phi công không cho máy bay hạ cánh bằng bụng xuống mặt biển tương tự như sự cố với chuyến bay 1549 của US Airways năm 2009. Trong sự việc tại Mỹ, cơ trưởng đã cho hạ cánh xuống sông Hudson (New York) sau khi máy bay va chạm với chim.
Việt Nam gửi điện thăm hỏi
Được tin vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không Jeju Air khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, ngày 29-12 Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện thăm hỏi tới quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi điện thăm hỏi tới Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Shik.
Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae Yul.
Thở dài và khóc nấc
Khoảng 13h (giờ địa phương), gần 4 tiếng sau khi vụ tai nạn xảy ra, hơn 100 người đã tập trung tại phòng họp khi nhà chức trách cung cấp thông tin về nguyên nhân và hoàn cảnh xảy ra vụ tai nạn cho gia đình hành khách.
Ngay khi ông Lee Jeong Hyeon, người đứng đầu Sở cứu hỏa Muan, nói dứt câu: "Hầu hết trong số 181 người trên máy bay được cho là đã chết", phòng họp ngay lập tức tràn ngập những tiếng nức nở, theo mô tả của Yonhap.
"Không có cơ hội sống sót một chút nào sao?", một thân nhân người gặp nạn cố níu chút hy vọng. Đáp lại, ông Lee chỉ cúi đầu và thừa nhận: "Rất tiếc, nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi đánh giá đến giờ phút này".
Một bà mẹ đang chờ con gái trở về lập tức khụy xuống sau câu nói đó, trong khi một người đàn ông khác ôm đầu, miệng lắp bắp: "Làm sao có thể như vậy được?".
Gia đình các hành khách đã tập trung tại sân bay sau khi hay tin và yêu cầu được trực tiếp vào nơi xảy ra tai nạn để xác định xem người thân còn sống hay đã chết song không được đáp ứng. Họ chỉ còn cách đứng ngoài hàng rào của cảnh sát, nước mắt lưng tròng vì lo lắng trong tiếng thở dài của cảnh sát.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok, người đến sân bay Muan không lâu sau thảm kịch, đã chỉ định Muan là vùng thảm họa đặc biệt.
"Chúng ta sẽ điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân vụ tai nạn và đưa ra các biện pháp phòng ngừa để tránh xảy ra những vụ tai nạn tương tự trong tương lai", ông Choi khẳng định, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan huy động mọi thiết bị, nhân sự và cơ sở hạ tầng sẵn có để hỗ trợ khắc phục thiệt hại.
"Tôi biết sẽ không lời an ủi nào có thể đủ cho những gia đình phải chịu đựng thảm kịch như vậy. Chính phủ sẽ dốc hết sức để hỗ trợ các tang quyến", ông Choi nhấn mạnh.
Những vụ tai nạn do máy bay va phải chim gây chấn động ngành hàng không - Nguồn: TIME - THE SUN - SBC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận