04/02/2019 12:38 GMT+7

Thăm hỏi nhau chút riêng tư, có đến mức phải ‘lên án’ không?

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO
NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO

TTO - Mấy ngày cận tết năm nay, nhiều ảnh chế “ăn tết văn minh không hỏi linh tinh” như “có người yêu chưa?”, “bao giờ lấy chồng/vợ?”, “lương tháng bao nhiêu?”, “khi nào có con?”... được chia sẻ dày đặc, càng ngày càng thiếu ôn hòa.

Nhiều ảnh chế còn có phần "đốp chát" với ảnh dùng tay bịt miệng, bảo người hỏi là "không văn minh"….

Những câu hỏi mang tính cá nhân như vậy đúng là có thể gây khó chịu và thiếu tế nhị nếu không đủ thân thiết. Tuy nhiên có đến mức phải "lên án" gay gắt và tuyệt đối "đả đảo" như thế không?

Nói đến khái niệm "văn minh", Wikipedia định nghĩa: "Văn minh, văn là sự sáng tạo, minh là tốt đẹp, là sự kết hợp đầy đủ các yếu tố tiên tiến tại thời điểm xét đến để tạo nên, duy trì, vận hành và tiến hoá xã hội loài người. Các yếu tố của văn minh có thể hiểu gọn lại là di sản tích lũy tri thức, tinh thần và vật chất của con người kể từ khi loài người hình thành cho đến thời điểm xét đến."

Văn minh chưa bao giờ là việc phủ định hoàn toàn cái cũ.

Với tôi, văn minh trong tư duy và hành động còn là việc tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng và cảm thông với người khác.

Nếu như thế hệ những người trẻ hiện tại xem những câu hỏi mang tính cá nhân là điều khó chịu, thì đối với thế hệ ông bà, cô bác ngày trước đó là những câu hỏi rất bình thường, thể hiện sự quan tâm dành cho con cháu sau một thời gian dài xa cách.

Muốn biết một người có sống tốt hay không, còn trẻ thì hỏi học giỏi không, ăn uống, nơi ở thoải mái không, có đi làm thêm gì không, có bạn bè, người yêu chưa… lớn chút thì hỏi đã có việc làm chưa, môi trường làm việc thế nào, cơ hội thăng tiến ra sao, khi nào định cưới vợ, lấy chồng… lập gia đình rồi thì hỏi khi nào định sinh con….. Những câu hỏi đó nếu nhìn ở một góc độ ít gay gắt hơn thì là sự quan tâm đó chứ.

Người ta quan tâm mình theo cách của họ, mình có thể không cần, hoặc khó chịu, nhưng ít nhất đừng phủ nhận lòng tốt và đừng phản ứng theo cách xấu, nhất là với người thân trong gia đình.

Nếu như không hỏi những câu khó chịu như trên, chúng ta sẽ nói gì với nhau vào dịp sum họp mỗi năm một lần? Về tiến trình Brexit của Anh, về giá xăng trong nước, về xe điện Tesla, tình hình ở Venezuela, về thời tiết, thể thao hay K-pop?

Đó có thể là mối quan tâm của những người "bị hỏi khó", họ có thể nói với nhau hàng giờ mà không chán, không "xâm phạm đời tư" của nhau.

Nhưng ông bà, cô chú thì sao? Họ nói về mùa vụ, về giá lúa, giá heo, người này mới gả con, người kia vừa mua đất, người nọ vừa khỏi bệnh, người khác lại qua đời…

Thế thì điểm chung giữa các thế hệ là gì? Chúng ta sẽ nói gì với nhau? Đâu là sự liên kết, hay là gặp nhau cười một cái rồi… mạnh ai nấy nói?

Tất nhiên cũng có một số người xấu tính, chuyên hỏi những câu "khó" để soi mói, châm chọc… nhưng đó là con số nhỏ, chẳng đáng là gì so với người thật sự quan tâm mình.

Đa phần những câu hỏi như "học giỏi không cháu", "lương bổng khá hông", "có người yêu chưa?", theo tôi thấy, cũng tương tự như câu "how are you?" trong tiếng Anh vậy, chỉ là một câu xã giao, mở đầu câu chuyện và thường không mấy quan trọng đối với câu trả lời.

Bạn có thể trả lời kiểu vô thưởng vô phạt "Dạ cũng bình thường ạ", "Dạ con mới đi làm, lương đủ sống bác ơi", "Dạ, cháu làm gì đã có người yêu…"

Với những tình huống không mong muốn chia sẻ tiếp, thay vì tỏ ra khó chịu, bạn hoàn toàn có thể chủ động hỏi người ta một vấn đề mà họ sẵn sàng chia sẻ: "Anh X nhà bác mới cưới vợ ạ, chị người ở đâu vậy bác?", "Qua tết này nhà mình trồng đậu hay trồng dưa leo vậy chú?", "Chuồng heo nhà cô năm nay được bao nhiêu con, có kịp bán tết không cô?"... hoặc bất cứ câu hỏi nào mà bạn nghĩ ra được, chỉ là dăm ba câu chuyện thăm hỏi nhau thôi mà, có gì nghiêm trọng đâu.

"Đánh lạc hướng" như trên là phương án tốt nhất, còn như khó chịu hơn thì chỉ cần cười nhẹ rồi trả lời "Dạ, hiện nay các công ty ở thành phố lớn đều có điều khoản không cho tiết lộ mức lương đâu ạ".

Với những người thật sự quan tâm, thì như đã phân tích bên trên, những câu hỏi đó chỉ là để mở đầu câu chuyện, thích thì trả lời, không thì nói điều gì bạn có thể nói, kể một câu chuyện mà bạn sẵn sàng chia sẻ, hỏi một vấn đề bạn biết họ sẽ hứng thú, chủ yếu là để kết nối với nhau thôi. Những người quan tâm mình sẽ biết mình khó chịu và không hỏi nữa. Còn với những người không thật quan tâm, thì cười nhẹ rồi bỏ qua thôi.

Cách ứng xử thì nhiều lắm, vấn đề chủ yếu tôi muốn nói ở đây là những câu hỏi mang tính riêng tư không phải lúc nào cũng nhằm mục đích gây khó chịu cho những người "bị hỏi", đó chỉ đơn giản là sự khác biệt về cách quan tâm giữa hai thế hệ. Và sự kết nối trong những dịp sum họp gia đình sẽ tốt hơn nếu cả hai phía biết quan tâm và thấu hiểu lẫn nhau.

Hãy kiên nhẫn hơn, cảm thông và yêu thương nhiều hơn.

Thử thách ‘30 ngày dậy sớm’ - khởi đầu cho cả năm năng động

TTO - Nếu bạn muốn tìm cho mình một điều mới lạ trong dịp tết này, hãy thử thách chính mình: 30 ngày dậy sớm - thức dậy lúc 4h30 hoặc 5h00 sáng….

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp