30/12/2024 13:44 GMT+7

Thảm họa hàng không Jeju Air, 179 người chết: Nỗi đau của người ở lại

Một chuyến bay định mệnh, 179 sinh mạng bị tước đoạt, để lại nỗi đau tột cùng cho những gia đình không bao giờ được nhìn thấy người thân trở về.

Thảm họa hàng không Jeju Air, 179 người chết: Nỗi đau của người ở lại - Ảnh 1.

Một người phụ nữ cầu nguyện tại bàn thờ tưởng niệm các nạn nhân ở sân bay Muan - Ảnh: REUTERS

Sáng ngày 29-12, chuyến bay mang số hiệu 7C2216 được Hãng hàng không Jeju Air khai thác bằng máy bay thân hẹp Boeing 737-800 khi trở về từ Thái Lan đã gặp nạn tại sân bay quốc tế Muan khi trượt khỏi đường băng và bốc cháy, khiến 179 người thiệt mạng.

Chỉ có hai tiếp viên ở đuôi máy bay may mắn sống sót sau thảm kịch này.

Tiếng khóc bi thương vang vọng khắp sân bay Muan. Từng cái tên của những nạn nhân xấu số lần lượt được công bố qua loa phát thanh, theo sau là những tiếng gào thét tuyệt vọng từ phía gia đình. Nhiều người ngã quỵ xuống đất, không thể khóc thành lời.

Một chuyến bay ngắn ngủi, nhưng lại cướp đi cơ hội được sống của 179 cuộc đời.

Những nỗi đau quá lớn

Thảm họa hàng không Jeju Air, 179 người chết: Nỗi đau của người ở lại - Ảnh 2.

Hiện trường vụ tai nạn cho thấy máy bay hoàn toàn bị phá hủy sau vụ nổ - Ảnh: REUTERS

Vài giờ sau thảm họa, các gia đình của những hành khách có mặt trên chuyến bay định mệnh ấy đã tập trung tại sân bay Muan.

Một số người khóc và ôm chầm lấy nhau. Những hàng dài người thân xếp hàng tại các bàn do cảnh sát phụ trách để lấy mẫu DNA.

Phần lớn các thi thể không thể xác định danh tính vì bị tổn hại nghiêm trọng. Chiếc máy bay đã bị phá hủy hoàn toàn sau khi va vào tường rào sân bay và bốc cháy.

Nhiều người tuyệt vọng - có người cố gắng đứng vững, người khác thì òa khóc.

Những tờ giấy được phát cho gia đình để ghi lại thông tin liên lạc của họ.

Một người thân đứng lên trước micro để yêu cầu thêm thông tin từ các cơ quan chức năng. "Anh trai tôi đã qua đời và tôi không biết chuyện gì đang xảy ra - anh nói - Tôi không biết chuyện gì cả".

"Chúng tôi không phải là những con khỉ trong sở thú, xin đừng quay phim chúng tôi nữa. Chúng tôi là tang quyến của nạn nhân", một người tuyệt vọng yêu cầu phóng viên ngừng quay phim họ.

Trước đó, bầu không khí căng thẳng và im lặng bao trùm khu vực chính của sân bay, khi mọi người vẫn bám víu vào hy vọng còn người sống sót.

Nhưng khi số lượng nạn nhân tăng lên từng giờ, tiếng khóc và gào thét của những gia đình mất người thân bắt đầu phá tan sự im lặng.

"Điều chúng tôi cần biết là tên những nạn nhân đã được xác định danh tính hoặc quy trình để gia đình xác minh danh tính, chứ không phải chỉ là số lượng người thiệt mạng", một người gào lên giữa tiếng thông báo.

Thảm họa hàng không Jeju Air, 179 người chết: Nỗi đau của người ở lại - Ảnh 3.

Nhiều gia đình nạn nhân ngã quỵ trước nỗi đau quá lớn và đột ngột mà họ phải đối diện - Ảnh: REUTERS

Dòng tin nhắn cuối cùng

Ông Kim Mo Sik (61 tuổi) ngã quỵ trước nỗi đau khi mất đi người con gái và con rể. Những dòng tin nhắn cuối cùng mà ông Kim nhận được từ con gái, cô đã nói về chuyến bay của mình vào tối ngày 28-12.

Cô nhắn: "Chắc sáng mai con bay, khoảng 3 giờ sáng". Và câu hỏi cuối cùng mà ông Kim gửi đi "Công chúa đã đến nơi chưa?" mãi mãi không có câu trả lời.

"Tôi gọi cho con gái hàng chục cuộc nhưng không có ai bắt máy. Trái tim tôi như vỡ vụn. Con gái tôi rất hiền lành và ngoan ngoãn", ông nói trong nước mắt.

Cũng trong bi kịch này, bà Choi (64 tuổi) đã mất đi cả con trai, con dâu và cháu trai 6 tuổi của mình.

Những tin nhắn cuối cùng giữa họ chứa đầy sự quan tâm, nhưng cũng là nỗi đau không thể nguôi ngoai. Bà Choi kể rằng con trai đã nhắn tin cho mình trước chuyến bay: "Mẹ ơi, con sẽ về sớm. Mẹ có về Hàn Quốc rồi không?" và những lời dặn dò an toàn từ gia đình.

"Con dâu tôi là tiếp viên hàng không của Jeju Air. Đây là chuyến đi hiếm hoi mà gia đình chúng có thể đi cùng nhau", bà Choi chia sẻ trong nước mắt.

Trong số những nạn nhân xấu số, có một gia đình đã phải gánh chịu mất mát khủng khiếp khi ba thế hệ cùng ra đi trên chuyến bay định mệnh.

Chia sẻ với Hãng tin Yonhap, một người đàn ông ngoài sáu mươi cho biết năm thành viên trong gia đình ông - bao gồm chị dâu, con gái, con rể và các cháu nhỏ, đều đã thiệt mạng.

Tình trạng của hai tiếp viên sống sót sau thảm kịch

Hai tiếp viên hàng không là những người duy nhất sống sót trong thảm họa máy bay ở Muan.

Anh Lee, 33 tuổi, đã được cứu và chuyển đến Bệnh viện Đại học Nữ Ewha ở Seoul.

Anh bị gãy nhiều xương và hiện đang được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt, theo dõi các di chứng có thể xảy ra, bao gồm liệt hoàn toàn. Tuy nhiên, anh vẫn có thể giao tiếp bình thường và không có dấu hiệu mất trí nhớ.

Tiếp viên còn lại, 25 tuổi, họ Koo, cũng được đưa đến Bệnh viện Asan ở Seoul. Cô bị thương ở mắt cá và đầu, nhưng tình trạng hiện tại của cô được cho là ổn định. Các bác sĩ từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về tình trạng của cô.

Thảm họa hàng không Jeju Air, 179 người chết: Nỗi đau của người ở lại - Ảnh 3.Thảm kịch 9 phút của ngành hàng không Hàn Quốc

Chỉ 9 phút sau khi được đài kiểm soát không lưu cho phép hạ cánh, chiếc Boeing 737-800 của Hãng Jeju Air đã trượt khỏi đường băng và bốc cháy, khiến 177 người thiệt mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp