Phóng to |
Hoàng Điệp (thứ ba từ trái sang) trên thảm đỏ Cannes 2012 - Ảnh: Điệp Phương |
Từ Pháp, Nguyễn Hoàng Ðiệp (đạo diễn của Bộ tứ 10A8, Chít và Pi, nhà sản xuất của Bi, đừng sợ!) đã chia sẻ chút hào hứng đầy bỡ ngỡ của mình sau những ngày ở Cannes...
* Khán giả Việt sẽ tò mò: một nhà sản xuất nữ đến từ VN xuất hiện trên thảm đỏ Cannes thế nào nhỉ?
- Chuyện đi trên thảm đỏ tại Cannes ngốn khá nhiều thời gian chuẩn bị, thậm chí nếu bạn chỉ là khán giả đến xem phim nằm trong hạng mục tranh giải chính thức vào buổi công chiếu đầu tiên ở rạp trung tâm thì bạn cũng sẽ mệt ra phết đấy.
Quy định về trang phục thì ai cũng rõ, cái này in trên vé mời rất cụ thể, quý ông là vest tuxedo với nơ chứ không được dùng cà vạt, quý bà là đầm dạ hội hoặc trang phục truyền thống. Vậy mà buổi chiếu ra mắt nào cũng có cả đống người đứng ngoài vì lỗi trang phục. Năm 2010, chính đạo diễn Phan Ðăng Di cũng suýt bị chặn lại vì dùng cà vạt thay cho nơ, rất may đã có người mua giúp một chiếc nơ với giá 5 euro để hành trình trên thảm đỏ không bị đứt đoạn. Còn nhà sản xuất người Ðức của tôi bị mời ra ngoài trong một nghi lễ thảm đỏ không chính thức (nghĩa là đơn giản chỉ đến xem phim như một khán giả bình thường). Lý do là vì... đôi giày, đôi giày ấy không phải giày tây và màu sáng hơn bộ vest. Nghi lễ thảm đỏ chính thức không dành cho các phim ngắn trong Góc phim ngắn (Cannes Court Métrage).
Năm nay, trên thảm đỏ của hạng mục Nhà sản xuất phim thế giới (Fabrique des Cinemas du Monde) có ba đạo diễn nữ, còn lại đều là đàn ông. Thảm đỏ rất ngắn nhưng hành trình đến đích lại rất dài. Thảm đỏ sẽ cực kỳ ồn, hàng trăm phóng viên gào thét xung quanh, gọi tên sao nào đó hoặc đơn giản ra hiệu để gây chú ý hòng có bức ảnh đẹp. Bạn có thể sẽ chả nghe thấy gì nhưng chắc chắn bạn sẽ nghe thấy tên bạn cùng dự án của bạn, và quốc gia của bạn nữa đang được xướng lên. Ðối với tôi, lúc nghe hai chữ Việt Nam là vui nhất.
* Sau Phan Ðăng Di, đến lượt chị có cơ hội trở thành khách mời chính thức của Cannes chứ không phải bước trên thảm đỏ Cannes từ lời mời của một hãng rượu nào đó. Chị vui chứ?
- Việc đi trên thảm đỏ có thể là vinh dự hiếm có nhưng đôi khi cũng là nét phù hoa cần thiết của điện ảnh. Tôi sẽ thấy buồn và chắc nhiều người nữa cũng buồn nếu trên thảm đỏ chỉ toàn đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên của hơn 20 bộ phim tranh giải.
Khi đứng trên thảm đỏ, các nghệ sĩ không PR cho hãng rượu hay trang sức nào đâu dù có thể đấy chính là nhà tài trợ cho tấm vé mời hoặc khoản thù lao giá trị. Lúc ấy, chính giây phút bạn thấy họ mỉm cười với đám đông công chúng: họ đang quảng bá cho điện ảnh, cho tình yêu và mơ ước. Tôi chắc chắn rằng điện ảnh, tình yêu và giấc mơ không hẹp hòi như diện tích tấm thảm ở dưới chân.
* Những bộ phim ngắn ở Góc phim ngắn tại Cannes có giá trị giống một tấm danh thiếp, tấm danh thiếp của chị điền gì?
- Nó điền: VIỆT NAM - HAI, TƯ, SÁU, Nguyễn Hoàng Ðiệp (theo đúng thứ tự như vậy).
Phim ngắn này tôi không trực tiếp gửi đến Cannes mà tôi gửi kèm hồ sơ của dự án Ðập cánh giữa không trung như một yêu cầu bắt buộc của ban tổ chức vì họ cần biết năng lực của đạo diễn. Và sau đó phim ngắn này được lựa vào Góc phim ngắn như một sự tình cờ đầy thú vị. Không khí ở Cannes với những người làm phim, khán giả đem lại cho tôi cảm giác thấy mình đang làm việc hăng say và không có gì cản trở mình cả. Và thế là tôi có một kịch bản mới cho phim truyện dài sau Ðập cánh... rồi.
Cát Khuê thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận