04/04/2016 09:06 GMT+7

Thăm dò dời hay không ga Sài Gòn: người trong cuộc nói gì?

TTO (giới thiệu)
TTO (giới thiệu)

TTO - Xung quanh việc thăm dò Dời hay không dời ga Sài Gòn, Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) đã nhận được văn bản trao đổi của ông PHẠM VĂN SƠN - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn.

Kết quả thăm dò trên TTO (tính đến 8g30 ngày 4-4). Tỉ lệ này có sự thay đổi ngoạn mục so với bốn ngày đầu khi có đến 70,2% lượt bạn đọc ủng hộ phương án không dời ga (trước đó có 76,5% bạn đọc ủng hộ dời ga Sài Gòn).

Để rộng đường dư luận, đồng thời tôn trọng ý kiến của người trong cuộc, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc ý kiến phản hồi này.

"Kính gửi: Tòa soạn báo Tuổi Trẻ Online và bạn đọc

Ngay sau tai nạn làm sập cầu Ghềnh (Biên Hòa) ngày 20-3-2016, trên Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) đã có cuộc thăm dò dư luận về việc nên hay không nên dời ga Sài Gòn, Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty VTSG) xin góp tiếng nói chung và chia sẻ thông tin về sự tồn tại và phát triển của ngành vận tải đường sắt nói chung và ga Sài Gòn nói riêng như sau:

Theo kết quả thăm dò của TTO đến ngày 24-3-2016, một số ý kiến chọn phương án di dời ga Sài Gòn với lý do: "Đường sắt đi qua thành phố với nhiều điểm giao cắt, là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe trong thành phố". 

Kẹt xe đang là một thực trạng hiện nay, trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập. Đường sắt là một trong những phương tiện vận tải có lợi nhất về định khối vận chuyển, cùng một lúc có thể vận chuyển số lượng lớn về hành khách và hàng hóa.

Ga Sài Gòn là địa điểm trung chuyển hành khách của tuyến đường Bắc - Nam ra vào thành phố có một số giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, chủ yếu từ ga Gò Vấp đến ga Sài Gòn.

Đường sắt không phải là nguyên nhân chính gây kẹt xe tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt mỗi khi có tàu hỏa chạy qua mà nguyên nhân chính là ý thức chấp hành luật lệ giao thông còn chưa tốt của một số người chen lấn giành đường sau khi tàu hỏa qua.

Nếu tố chức tốt thì tàu hỏa chính là phương tiện ít gây ùn tắc nhất; đảm bảo an toàn và đúng giờ nhất để vận chuyền hành khách và hàng hóa, góp phần tạo thuận lợi cho mọi hoạt động đi lại của người dân thành phố và các vùng lân cận.

Một đoàn tàu ra vào thành phố có thể chuyên chở gần 1.000 hành khách an toàn và đúng giờ, với số lượng đó sẽ phải cần rất nhiều xe ô tô để vận chuyển. Hiện nay người dân thành phố đi xe lửa rất thuận lợi khi đến ga Sài Gòn thay vì phải mất thời gian và chi phí để đi từ thành phố đến một ga ngoại ô hoặc ngược lại. Người dân của các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai... có thể lên tàu tại ga Biên Hòa, Dĩ An...

Chúng tôi rất tán đồng ý kiến của ông Hà Ngọc Trường - Ủy viên thường vụ Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM đăng trên TTO ngày 25-3-2016: "Hãy thử hình dung một đoàn tàu chở gần 1.000 hành khách đi từ ga Bình Triệu (Q. Thủ Đức) đến ga Sóng Thần (Bình Dương) thì phải tổ chức khoảng 30 chiếc xe buýt để đón khách từ các ga trên về trung tâm TP và đưa khách từ trung tâm TP ra ga. Khi đó, số lượng xe buýt sẽ tăng gấp 10 lần hoặc cao hơn khi mỗi ngày có 10 đoàn tàu hoặc nhiều hơn đến các ga trên. Như vậy sẽ phải dùng số lượng xe buýt khổng lồ để phục vụ đưa và đón khách, dẫn đến kẹt xe cho nhiều tuyến đường giữa nội ô và cửa ngõ TP."

Bên cạnh đó, đặt vấn đề dời ga Sài Gòn ra ga Dĩ An hoặc Biên Hòa thì không đơn giản chỉ dời ga là xong, mà còn phải di dời khối lượng lớn các công trình phục phụ trợ phục vụ vận tải như nhà xưởng, máy móc, thiết bị chạy tàu của 7 công ty, xí nghiệp đi kèm với lực lượng lao động gần 3.000 người làm công tác sửa chữa đầu máy, toa xe, thông tin, duy tu, bảo dưỡng đường sắt và làm việc trên các đoàn tàu.

Việc làm hiện nay trong khi chờ đợi xây dựng đường sắt trên cao từ Sài Gòn đến Trảng Bom theo quyết định đã được Thủ tướng phê duyệt thì cần xây dựng bổ sung các giải pháp để điều tiết giao thông hợp lý tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ.

Đối với thành phố là hoàn toàn có thể thực hiện được vì số lượng giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong nội ô thành phố là không nhiều.

Hiện nay Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đang xây dựng phương án trình UBND TP.HCM về việc tổ chức tàu khách chạy đường ngắn từ TP.HCM đi Bình Dương, Đồng Nai và ngược lại để phục vụ hành khách, giảm bớt ùn tắc giao thông đô thị.

Sự cố sập cầu Ghềnh đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành đường sắt và xã hội, nhu cầu đi lại của nhân dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngành đường sắt hiện nay đang tập trung toàn bộ sức lực để khắc phục sự cố, cố gắng hết sức để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại và vận chuyển của hàng hóa của người dân TP.HCM  và các tỉnh lân cận, hơn lúc nào hết chúng tôi rất cần được sự quan tâm, chia sẻ động viên của bạn đọc và báo TTO.

Hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới đều có tuyến đường sắt vào tận thủ đô và thành phố lớn, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân rất thuận lợi.

Bên cạnh việc thăm dò ý kiến trên TTO cũng cần đưa thêm một số ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc ủng hộ quy hoạch do Bộ GTVT lập và Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013 là đường sắt quốc gia phải được bố trí vào tận trung tâm thành phố; đề nghị Nhà nước sớm thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ ga Trảng Bom - ga Sài Gòn, giữ nguyên ga Sài Gòn như hiện nay là một nhà ga hành khách đầu mối thuộc tuyến đường sắt quốc gia.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi cùng TTO và bạn đọc, một lần nữa xin cảm ơn sự quan tâm của quý báo và bạn đọc đối với ngành đường sắt."

PHẠM VĂN SƠN

 (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn)

Mời bạn bày tỏ ý kiến của mình nên hay không dời ga Sài Gòn theo bảng thăm dò dưới đây:

[poll width="400px" height="274px"]206[/poll]

TTO (giới thiệu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp