23/04/2024 13:17 GMT+7

Thăm bến tàu nô lệ cuối cùng ở Mỹ

Trong chuyến đi Mỹ lần này, tôi tới bằng được Africatown - một khu định cư bé nhỏ ở ngoại ô thành phố Mobile, tiểu bang Alabama. Đây là nơi sinh sống của những người nô lệ trên con tàu Clotilda cuối cùng chở họ từ châu Phi qua Mỹ vào thế kỷ 19.

Mô hình tàu Clotilda - Ảnh Alabamanewscenter

Mô hình tàu Clotilda - Ảnh Alabamanewscenter

Một phần trong trang sử buồn của Mỹ và nhân loại.

1. Africatown nằm ở phía bắc thành phố trên ngọn đồi bên sông Alabama trong khu vực được gọi là Plateau và Magazine Point. Đường tới Africatown, tôi chạy xe vượt cầu qua vịnh Mobile (Đại Tây Dương, cây cầu đôi dài 12,1km xây từ 1978 rất chắc chắn.

Vịnh biển đầy sóng và gió dưới chân chúng tôi. Khu dân cư bé nhỏ này hiện chỉ có khoảng 2.000 người ở đây. Những người nô lệ da đen cuối cùng bị bắt cóc từ châu Phi qua bán ở Mỹ đã từng sống tại đây.

Họ dựng lên những ngôi nhà này, tạo cho con cháu một trường học riêng, có tòa án riêng sử dụng luật lệ của họ. Tại đây có cả một nhà thờ và nghĩa trang riêng, dù tất cả đều rất nhỏ. Người đứng ra lập khu dân cư này chính là ông Cudjo Lewis, một trong 110 nô lệ trên tàu.

Theo cư dân địa phương, họ đã qua vài thế hệ. Và cha ông họ đã luôn truyền miệng về con tàu Clotilda.

Vào ngày chủ nhật 8-7-1860, sau khi Mỹ đã bãi bỏ hoạt động buôn bán nô lệ, tàu Clotilda của nhà đóng tàu William Foster làm thuyền trưởng đã vào vịnh Mobile cùng 110 đàn ông, phụ nữ và trẻ em châu Phi trong độ tuổi từ 5 - 23.

Ông ta đã chọn mua họ tại một barracoon (nhà tù giam giữ người châu Phi trước khi được đưa qua Đại Tây Dương) ở Ouidah, Benin, Tây Phi ngày nay.

Một số người trên tàu Clotilda là thương buôn dân tộc Yoruba bị bắt cóc ở miền đông Benin, những người khác đến từ vùng núi Atakora.

Trong số đó cũng có người Nupe và Dendi. Nhóm lớn nhất chủ yếu là người dân tộc Yoruba đã bị bắt trong một cuộc đột kích lúc bình minh do Ghezo, vua của Dahomey vùng Banté của Benin, chỉ huy. Ở trên tàu, họ bị lột trần, bị đánh đập và các cô gái bị xâm hại tình dục.

Tác giả và hậu duệ của những người nô lệ - Ảnh: N.N.D.

Tác giả và hậu duệ của những người nô lệ - Ảnh: N.N.D.

2. Sau khi họ bí mật đến Mỹ thì trước đó việc đưa người châu Phi vào Mỹ đã bị pháp luật coi là hành vi cướp biển có thể bị trừng phạt bằng cái chết.

Do đó chủ tàu đưa 110 nô lệ chuyển qua con tàu chạy bằng hơi nước, còn tàu Clotilda thì bị đốt và đánh đắm để phi tang.

Khoảng 25 thanh niên trong số đó bị bán ở thượng nguồn sông Alabama để đưa đi nơi khác. Còn phần lớn bị đem làm nô lệ ngay tại Mobile bao gồm cả ông Cudjo Lewis.

5 năm sau, họ được giải phóng khỏi kiếp nô lệ vào năm 1865. Họ hy vọng được trở lại châu Phi với gia đình nhưng không thể thực hiện được vì thiếu tiền và do đó quyết định ở lại Mỹ.

Năm 1866, họ thành lập khu định cư này. Đây là thị trấn đầu tiên được thành lập do người da đen làm chủ và kiểm soát ở Mỹ. Năm 1868, họ trở thành công dân Mỹ. Vào những năm 1890, Africatonw bao gồm khoảng 30 ngôi nhà nằm trên một khu đất trống trong rừng thông.

Khu thị trấn nhỏ bé từ từ thành nơi sinh sống của thế hệ thứ hai chưa từng đến châu Phi. Nhưng họ được cha mẹ dạy rằng quê hương họ rất trù phú và xinh đẹp. Họ sinh ra và được dạy cả tiếng Anh và tiếng quê gốc ở Phi châu.

Nhiều người trong số những cư dân thế hệ thứ hai này đã sống đến những năm 1950, và do đó một số người Mỹ gốc Phi có nguồn gốc từ buôn bán nô lệ đã nói tốt các ngôn ngữ châu Phi cho đến tận thế kỷ 20.

Từ ông thủy tổ của thị trấn là Cudjo Lewis và những người sống sót từ chuyến tàu, họ luôn truyền miệng về việc tàu Clotilda đã đưa họ tới đây.

Nhưng vì nạn phân biệt chủng tộc và vấn đề dân quyền thời đó, nhiều thông tin của họ không được nhà cầm quyền ghi nhận. Những kẻ đã ép họ, buôn bán thân xác nô lệ của họ, cũng như đã sở hữu họ, vẫn sống sờ sờ trước mắt và giàu có.

Chuyện sẽ dừng lại ở đây nếu như không có một phụ nữ xuất hiện. Zora Neale Hurston (1891 - 1960) là một tác giả, đạo diễn phim tài liệu và nhà nhân chủng học người Mỹ. Bà đã làm một dự án trong sáu tháng ở miền nam nước Mỹ để thu thập văn hóa dân gian từ những người da đen sống ở đó.

Và bà tìm ra trường hợp Cudjo Lewis. Ông đã kể và bà ghi lại câu chuyện cụ thể về cuộc đời ông bằng phim, dòng tộc tổ tiên và những gì đã xảy ra trước khi ông thành nô lệ tại Mỹ, và sau đó là lịch sử bi thương của 110 người nô lệ trên tàu Clotilda.

Thị trưởng TP Mobile trò chuyện với hậu duệ của nô lệ trên tàu Clotilda - Ảnh FB của TP Mobile

Thị trưởng TP Mobile trò chuyện với hậu duệ của nô lệ trên tàu Clotilda - Ảnh FB của TP Mobile

3. Báo chí những năm 1935 đã viết bài về cộng đồng này, nhưng phải chờ tận tháng 4-2018, khi một loạt nhà báo và nhà khoa học Mỹ quyết tìm sự thật để chứng minh chuyện những người nô lệ trên tàu Clotilda kể không phải là bịa đặt.

Nhà báo kiêm sử gia Ben Raines và một nhóm chuyên gia khảo cổ dưới nước đã tìm thấy xác tàu Clotilda ở khu vực Đảo 12 Mile của sông Mobile. Việc phát hiện này không được công bố cho đến năm sau để việc xác minh có thể được hoàn tất.

Vào ngày 22-5-2019, Ủy ban Lịch sử Alabama đã chính thức công bố phát hiện gây chấn động này. Năm 2021, địa điểm xác tàu đã được liệt kê trong Sổ đăng ký địa điểm lịch sử quốc gia.

Giờ đây, khi tôi đến thì cộng đồng con cháu các nô lệ da đen đã kêu gọi xây dựng được một bảo tàng nhỏ ngay địa phương để có thể tiếp đón du khách tới thăm.

Trong không gian này, chúng tôi lại một lần nữa ôn câu chuyện bi thương về những người nô lệ. Những đau đớn của con người bị bức ép lìa khỏi gia đình, dòng tộc, quê hương mình để tới một nơi xa lạ thật không bút mực nào tả xiết.

Sự đứt gãy đó, sự bị ép buộc đó đã tạo cho họ và cả con cháu họ những tổn thương sâu sắc, mà cần làm rất nhiều điều tốt đẹp và tử tế trong lâu dài mới có thể xóa bỏ được.

Giờ đây, khi tôi tới thăm Africatown thì bảo tàng đã được mở cửa để tiếp đón du khách.

Chúng tôi một lần nữa ôn lại câu chuyện bi thương về những người nô lệ qua các vật dụng, những hình ảnh và phim tài liệu. Có rất nhiều cuốn sách, bài báo và cả phim ảnh của các tác giả tại Mỹ đã viết về những con người này.

Và khi rời bảo tàng để đi bộ vòng quanh vài con đường nhỏ tại Africa Town, tôi bắt gặp những hậu duệ của người nô lệ ngồi trước hiên nhà uống trà. Họ mặc trang phục dân tộc tổ tiên tại Phi châu.

Họ trò chuyện để cho du khách hiểu những gì mà cha ông họ từng trải qua và vì sao họ vẫn kiên cường ở lại khu dân cư bé nhỏ này như những chứng nhân lịch sử.

Họ hy vọng rằng câu chuyện đời của 110 con người Phi châu này mãi mãi là một bài học để các thế hệ sau học hỏi và tránh được những sai lầm bi thảm.

Cudjo Lewis không may bị tai nạn đường sắt, và khi kiện công ty đường sắt, ông đã thua. Ông có sáu con nhưng tất cả chết non.

Vợ ông là Abile, một nô lệ cùng tàu với ông, chết từ 1908. Lewis sống phần đời còn lại với sự cô đơn, nỗi buồn và niềm nhớ nhung khôn nguôi quê hương. Nhiều đêm ông đi ra nghĩa trang, nơi mộ người thân để khóc.

Ông nói ông nhớ nhà ở châu Phi và rất nhớ mẹ của ông. Ông mất khi 94 tuổi. Và 5 năm sau, người cuối cùng trong 110 nô lệ, là một phụ nữ, đã chết.

Vào tháng 3-1984, chín hậu duệ nhũng người nô lệ đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Africatown Direct Descendants of the Clotilda, Inc. để bảo tồn di sản về những người bị bắt cóc đưa đến Alabama.

Năm 2021, nhóm cùng các nhà lãnh đạo Mobile đã động thổ địa điểm của bảo tàng và trung tâm chào đón Ngôi nhà di sản châu Phi trong tương lai. Chính quyền quận sở tại đã phê duyệt 1,3 triệu USD để hỗ trợ xây dựng bảo tàng. Ngoài ra, thành phố Mobile cũng dành 250.000 USD cho Ngôi nhà di sản châu Phi.

Thăm chiến hạm lịch sử AlabamaThăm chiến hạm lịch sử Alabama

USS Alabama và Drum là hai con tàu đã được Mỹ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp