Chính trị gia Morten Messerschmidt - Ảnh: Reuters |
Sự khác biệt giữa Đan Mạch với nhiều nước khác là con số và tính nghiêm trọng của các vụ tham nhũng, biện pháp xử phạt, cách hành xử của những người liên quan cùng thái độ của công chúng trước nạn tham nhũng. Hiện dư luận Đan Mạch đang sôi sục vì một chính trị gia tên tuổi là ông Morten Messerschmidt - nghị sĩ Quốc hội châu Âu - bị phát hiện “không minh bạch về tiền bạc”. Đây cũng là vụ bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử vương quốc này từ trước tới nay.
“Thái tử” cũng phải chịu phép
Ông Messerschmidt - 35 tuổi, có biệt danh “Thái tử”, là một chính trị gia trẻ đầy tiềm năng, cũng là một đảng viên trụ cột của Đảng Nhân dân Đan Mạch (DF) - bị phát hiện đã chi tiêu sai mục đích số tiền 2,5 triệu kroner Đan Mạch (DKK, khoảng 333.300 euro). Đây là số tiền mà Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ nhóm MELD (Phong trào cho một châu Âu tự do dân chủ, quy tụ một số nghị sĩ châu Âu) mà ông làm chủ tịch.
Từ năm 2013 tới 2015, nghị sĩ Messerschmidt đã dùng số tiền này vào những việc như tổ chức khóa họp mùa hè trên du thuyền và khóa đào tạo về truyền thông cho các đảng viên trụ cột của DF, đăng quảng cáo trên báo cho đảng này, tổ chức tiệc tối, tổ chức chuyến đi bằng xe buýt tới Brussels (Bỉ)... mà theo nguyên tắc phải được sử dụng vào những hoạt động có liên quan tới EU.
Khi có dư luận về chuyện này, tháng 6-2016 DF đã xin nộp lại 1,6 triệu DKK cho EU, nhưng báo chí Đan Mạch cương quyết làm rõ và mọi chuyện được phơi bày trước công chúng vào giữa tháng 10. Nghị sĩ Messerschmidt khẳng định mình không cố ý làm sai, chỉ là có thiếu sót trong việc giải trình với EU nhưng cũng xin nộp lại 650.000 DKK từ tiền túi. Khoản 250.000 DKK còn lại trong tổng số 2,5 triệu DKK được xem là chi đúng mục đích.
Chủ tịch DF Kristian Thulesen Dahl tuy một mực cho rằng chuyện này là do “bất cẩn” nhưng ngày 29-10, ông tuyên bố ông Messerschmidt đã tự rút lui khỏi hàng ngũ lãnh đạo của đảng này. Tới nay chuyện vẫn chưa kết thúc vì người phụ trách tài chính của DF Anders Vistisen phải rà soát toàn bộ sự việc để báo cáo lên Ủy ban chống gian lận của EU (OLAF). Và khi OLAF chưa đưa ra kết luận chính thức thì DF chưa thể hoàn trả các khoản chi sai mục đích.
Vụ bê bối này khiến uy tín của DF bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ tác động mạnh đến lá phiếu của cử tri trong kỳ bầu cử quốc hội tới.
Không có chỗ cho kẻ tham nhũng
DF còn chịu một tổn thất lớn nữa cũng vì cú ngã của Morten Messerschmidt. Bởi ông này nổi tiếng là một chính trị gia thông minh, sắc sảo, có tài biện luận, thuyết phục công chúng, ngoại hình thì như một diễn viên điện ảnh.
Năm 2009, ông Messerschmidt đại diện DF ứng cử vào Nghị viện châu Âu và đắc cử với số phiếu cao ngất ngưởng: 284.500 phiếu. Năm 2014, ông tái đắc cử với số phiếu kỷ lục 465.758 phiếu, góp phần giúp DF giành được tới 26,6% tổng số phiếu bầu của cử tri Đan Mạch.
Khách quan mà nói, nếu một sự việc tương tự xảy ra tại một quốc gia khác trong khối EU như Pháp, Ý hay Tây Ban Nha thì chuyện sẽ không ầm ĩ như thế, nhưng ở Đan Mạch cũng như các nước trong khối Scandinavia thì mọi chuyện lại khác. Người dân các nước Scandinavia vẫn còn nhớ vụ lùm xùm bị gọi là “Vụ bê bối Toblerone”. Tháng 10-1995, một phó thủ tướng của Thụy Điển lúc bấy giờ, bà Mona Sahlin, bị báo Expressen tố cáo đã chi dùng hơn 50.000 kronor Thụy Điển (SEK), tức khoảng 5.078 euro, trong thẻ tín dụng dành cho công tác để mua sắm riêng, trong đó có kẹo sôcôla Toblerone. Bà Sahlin đã nhận sai sót và thú nhận thêm là chưa thanh toán 19 vé đậu xe và một số hóa đơn tiền giữ trẻ.
Tuy bà Sahlin xin lỗi và hoàn trả tiền cùng với việc thanh toán toàn bộ hóa đơn, nhưng chuyện này đã ảnh hưởng nặng nề đến sự nghiệp chính trị của bà. Bà mất cơ hội trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Ingvar Carlsson và phải rút khỏi chính trường một thời gian. Sau đó, bà Sahlin trở lại chính trường và giữ chức chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển từ năm 2007-2011. Tới tháng 5-2016, bà Sahlin lại phải từ chức điều phối viên quốc gia chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực vì bị tờ Expressen tố cáo đã gian lận để giúp vệ sĩ của bà bảo đảm một vụ thế chấp. Người này nhận mức lương 43.000 SEK, nhưng bà Sahlin đã viết thư xác nhận mức lương anh này là 120.000 SEK. Bà Sahlin giải thích là đã trả phần tiền chênh lệch từ tiền túi của mình, nhưng lại bị Expressen phát hiện nói dối. Dư luận Thụy Điển nêu lại “Vụ bê bối Toblerone” và tới giờ thì sự nghiệp chính trị của bà Sahlin coi như chấm dứt.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Đan Mạch hay Thụy Điển có thể trở thành những quốc gia minh bạch nhất nhì thế giới là thái độ kiên quyết trước những biểu hiện không minh bạch trong xã hội của người dân. Từ các doanh nghiệp lớn nhỏ, các chính trị gia tới các thành viên hoàng gia đều không tránh khỏi sự xét nét nghiêm khắc của báo chí và dư luận.
Có thể tóm lại là không phải các nước này không có nạn tham nhũng, mà là những kẻ tham nhũng không có đất sống nơi đây!
Đảng Nhân dân Đan Mạch (DF) mới được thành lập năm 1995, nhưng đã nhanh chóng vươn lên thành một trong những thế lực chính trị quan trọng trong khối các nước Scandinavia. Với chủ trương siết chặt các quy chế về nhập cư và tị nạn, DF là chính đảng duy nhất tại Đan Mạch mà số ghế giành được tăng đều qua các kỳ bầu cử. Năm 1998 DF chỉ có 13/179 ghế, nhưng tới năm 2015 đã giành được 21,1% số phiếu, được 37/179 ghế, trở thành đảng lớn thứ hai trong Quốc hội Đan Mạch. Nhưng theo kết quả thăm dò gần đây thì số cử tri ủng hộ đảng này nay chỉ còn 16,2%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận