21/10/2015 16:20 GMT+7

Số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam giảm dần

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố Báo cáo thực trạng toàn cầu về an toàn đường bộ năm 2015, theo đó mỗi năm có khoảng 1,25 triệu người chết vì tai nạn giao thông.

Năm người bị thương khi chiếc xe tải lao vào các ôtô đang dừng chờ đèn đỏ trong vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 5 tại Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

Nhìn về tổng quan, tin vui là số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ không tăng như một số dự đoán trước đó ngay cả khi số ôtô đã tăng dần thời gian qua. Báo cáo cho biết đã có 79 nước thậm chí còn kiểm soát và giảm được tỉ lệ người chết vì tai nạn.

Trong báo cáo này, dẫn đầu danh sách quốc gia có tỉ lệ người chết vì tai nạn giao thông đường bộ cao nhất thế giới là Libya. Tại đây, cứ 100.000 người lại có 73,4 người chết. Ở vị trí thứ hai là Thái Lan với tỉ lệ cứ 100.000 người lại có 36,2 người chết.

Tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với những người trong độ tuổi từ 15-29 trên toàn thế giới. Nó cũng gây thiệt hại cho chính phủ các nước trung bình khoảng 3% GDP mỗi năm.

Theo WHO, dù nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp cải thiện vấn đề giao thông như điều chỉnh luật pháp, thiết kế phương tiện và làm đường sá an toàn hơn, nhưng các nước có thu nhập thấp và trung bình như Thái Lan vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giao thông.

Trên thực tế các nước có thu nhập thấp và trung bình chỉ chiếm 54% tổng số ôtô toàn cầu nhưng có tới 90% trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông lại xảy ra tại những nước này.

Theo ước tính của WHO trong báo cáo này, tỉ lệ người chết vì tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam là 24,5/100.000 dân và ước tính GDP thiệt hại khoảng 2,9% vì tai nạn giao thông. Báo cáo cũng ghi nhận xu hướng giảm dần số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam căn cứ theo số liệu từ năm 2004-2013.

Châu Phi là châu lục có tỉ lệ tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới, châu Âu có tỉ lệ này thấp nhất.

Tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan nói: “Số trường hợp tử vong vì tai nạn đường bộ chiếm tỉ lệ cao tới mức không thể chấp nhận được, đặc biệt ở những người nghèo tại các quốc gia nghèo”.

Cũng theo báo cáo của WHO, trên toàn thế giới, gần một nửa số người chết vì tai nạn giao thông hoặc đi bộ hoặc sử dụng phương tiện hai bánh. Người đi bộ chiếm 22% số người tử vong, đi môtô/xe máy chiếm 23% và đi xe đạp chiếm 4%.

Về việc sử dụng mũ bảo hiểm, WHO mong muốn các nước áp dụng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với tất cả những người đi môtô hai bánh (gồm cả trẻ em), nhưng chỉ có 44 quốc gia với khoảng 1,2 tỉ dân hiện đang áp dụng quy định này.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp