Đường phố tại Bangkok chiều 1-9 nhộn nhịp hơn hẳn nhờ chiến lược sống chung an toàn cùng COVID-19 - Video: PHAN THỊ THÙY TIÊN
Đường phố tại Bangkok chiều 1-9, không đông bằng lúc trước dịch nhưng nhộn nhịp hơn hẳn giai đoạn có dịch COVID-19 - Ảnh: PHAN THỊ THÙY TIÊN
Chị Phan Thị Thùy Tiên, người Việt sống và làm việc 10 năm qua ở Thái Lan, cho biết tâm trạng của người dân phấn chấn lên hơn tuần qua khi chính quyền thông báo chính sách sống chung với dịch an toàn, nới lỏng hạn chế.
Sáng nay, 1-9, xe cộ đổ ra đường đông nghẹt ở Bangkok và thành phố lại bị kẹt xe từ sáng.
Một trong những hoạt động sôi nổi nhất của người dân là đặt bàn ăn. Tại 29 tỉnh có nguy cơ cao, khách chỉ được ngồi 50% số ghế ở các quán gắn máy lạnh, quán không gắn máy lạnh thì được sử dụng 75% số ghế... nên ai cũng muốn đặt bàn để có thể đến ăn mà không phải đợi.
Ứng phó, thích nghi
Tiêm vắc xin đầy đủ cho các nhóm dễ bị tổn thương là một trong các biện pháp chính trong chiến lược học sống chung an toàn với COVID-19 của Thái Lan - Ảnh: REUTERS
Ngày 23-8, Ủy ban Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Thái Lan phê duyệt chiến lược "học cách sống chung với COVID-19".
Quyết định này đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 của Thái Lan (CCSA) cho biết các số liệu về ca nhiễm, bệnh nhân nặng và xu hướng lây nhiễm cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch - thời điểm số ca nhiễm mới hằng ngày ở Thái Lan vào khoảng hơn 20.000 người.
Với lộ trình hơn một tuần để các ca nhiễm mới giảm thêm, Thái Lan nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế từ 1-9.
Ông Opas Karnkawinpong, tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, cho biết quyết định trên về bản chất là sự thừa nhận COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Bệnh đặc hữu do virus gây ra quen thuộc nhất với chúng ta là bệnh cúm. Hằng năm, có rất nhiều người bị cúm. Virus cúm liên tục biến đổi và luôn tồn tại trong cộng đồng.
Đa số người mắc bệnh cúm tự khỏi mà không cần nhập viện, không cần dùng thuốc hoặc chỉ điều trị bằng thuốc trị triệu chứng thông thường. Chỉ một số ít không thể chống chọi được.
Theo báo
Bangkok Post, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng đồng ý với các chuyên gia, xác định "
học cách sống chung an toàn với COVID-19" là tất yếu vì bản chất tiến hóa liên tục của virus khiến nó có thể không bao giờ biến mất trong cộng đồng.
Đường phố tại Bangkok chiều 1-9, không đông bằng lúc trước dịch nhưng nhộn nhịp hơn hẳn giai đoạn có dịch COVID-19 - Ảnh: PHAN THỊ THÙY TIÊN
Ý thức mỗi người rất quan trọng
Với chiến lược mới, mục tiêu chính trong tương lai sẽ là không để số ca bệnh cao vượt quá khả năng điều trị của hệ thống y tế công cộng ở Thái Lan.
Các biện pháp chính là tiêm vắc xin đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương, truy tìm ca bệnh nhanh hơn với giả định tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh và lây truyền virus.
CCSA đưa các chính sách cân bằng giữa những biện pháp kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục cuộc sống bình thường cùng các hoạt động kinh tế, sinh kế khác.
Người đi làm trên tàu điện tại Bangkok vài ngày trước ngày Thái Lan mở cửa sống chung với COVID-19 - Ảnh: Phan Thị Thùy Tiên
Do mới có khoảng 11,2% dân số (tương đương gần 8 triệu người) đã tiêm vắc xin đầy đủ, Thái Lan không yêu cầu khách hàng phải tiêm ngừa hay xét nghiệm âm tính với virus mới được vào các quán ăn, kể cả ở vùng kiểm soát nghiêm ngặt nhất. Thay vào đó, hàng quán đảm bảo giãn cách và tiêm vắc xin cho nhân viên.
Các cơ sở như làm đẹp, cắt tóc, massage chỉ hoạt động hạn chế để cung cấp một số dịch vụ như cắt tóc, massage chân.
Việc tụ tập nơi công cộng sẽ bị hạn chế tối đa 25 người ở các vùng đỏ và vẫn phải được chính quyền cho phép. Lệnh giới nghiêm vẫn áp dụng từ 21h đến 4h mỗi ngày. Người dân vẫn được yêu cầu làm việc tại nhà đến ngày 14-9.
"Xương sống" của bình thường mới là vắc xin và các biện pháp y tế công cộng như giữ khoảng cách an toàn, khẩu trang, rửa tay khử khuẩn, kiểm tra nhiệt độ và khai báo y tế - các biện pháp mà Việt Nam ta thường gọi là 5K.
Về vắc xin, thủ tướng Thái Lan cam kết sẽ khuyến khích nghiên cứu và phát triển các loại vắc xin nội địa để tự chủ về vắc xin.
Hiện nay, ngoài vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sản xuất trong nước, nhóm nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn còn đang phát triển một loại vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA và đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người. Dự kiến, vắc xin này có thể đăng ký sử dụng khẩn cấp ở Thái Lan vào tháng 4-2022.
Về các biện pháp phòng dịch, bên cạnh quy định của chính quyền, điều quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của từng người dân để phòng bệnh cho bản thân và gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận