Phóng to |
Binh sĩ Thái Lan tham gia dọn sạch dầu loang trên bãi biển Ao Phrao ngày 31-7 - Ảnh: Reuters |
Du khách đã rút dần khỏi hòn đảo du lịch Koh Samet (tỉnh Rayong) ở Thái Lan và nhiều đoàn khách hủy bỏ chuyến đi đến đây sau khi hòn đảo bị ảnh hưởng bởi đám dầu loang từ vụ rò rỉ dầu hôm 27-7. Theo báo The Nation, Hiệp hội Du lịch tỉnh Rayong nói thảm họa có thể gây thiệt hại cho ngành du lịch địa phương tới 2,3 tỉ baht (khoảng 73,4 triệu USD) vì mỗi năm có khoảng 5,5 triệu du khách đến Koh Samet.
Trong khi đó, Hiệp hội Tàu cá nhỏ ở Rayong nói rằng vụ tràn dầu ảnh hưởng nặng nề đến đời sống ngư dân. Mỗi tàu cá nhỏ ở đây bình thường kiếm được 2.000-3.000 baht (63,8-95,7 USD) tiền bán mực sau mỗi chuyến đánh bắt, nhưng giờ các loài động vật biển bơi đi nơi khác hoặc bị chết. Ước tính ở Rayong có khoảng 1.300 tàu cá nhỏ và thiệt hại mà họ phải chịu từ vụ tràn dầu khoảng 5,4 triệu baht (172.000 USD).
Phản ứng chậm chạp
PTTGC - trực thuộc Tập đoàn dầu khí Thái Lan PTT - cho biết vụ tràn dầu phát sinh từ số dầu thô trên một tàu chở dầu quốc tịch Oman neo đậu ngoài khơi và được truyền vào đường ống để tinh lọc. Ước tính khoảng 50.000 lít dầu thô bị rò rỉ khỏi đường ống cách đất liền khoảng 20km. Koh Samet (nằm trong vịnh Thái Lan) là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng. Đám dầu loang ngày càng tiến gần đất liền.
Bangkok Post cho biết Phó thủ tướng Plodprasop Suraswadi đã thừa nhận nước này thiếu các thiết bị cần thiết để đối phó với tình huống dầu loang cũng như ngăn chặn dầu tiến vào các bờ biển. Ông Plodprasop nói Thái Lan có thể phải nhờ đến Singapore, nước có đủ trang thiết bị, để khống chế dầu loang.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, đang công du ở Mozambique, tuyên bố PTTGC sẽ phải đền bù mọi thiệt hại do vụ tràn dầu gây ra, trong khi chính phủ sẽ làm mọi cách để đảm bảo an toàn cho dân địa phương và du khách.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Pongsak Raktapongpaisal kêu gọi những người dân bị ảnh hưởng bởi vụ tràn dầu nên thương lượng với PTTGC về tiền đền bù hơn là đi kiện bởi kiện tụng sẽ mất hơn ba năm. PTTGC cũng được nói đã nhận hoàn toàn trách nhiệm trong vụ này.
Mặc dù PTTGC nói công việc dọn dẹp bãi biển Ao Phrao ở đảo Koh Samet sắp hoàn thành nhưng Tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cho rằng tuyên bố này không đúng với thực tế vì vẫn còn rất nhiều dầu trên bãi biển. Nhà hoạt động Ply Piron của Greenpeace phàn nàn: “Thật thất vọng khi một công ty toàn cầu như PTTGC lại không có một kế hoạch khẩn cấp đối phó với vụ khủng hoảng này”.
Tổng thư ký Hiệp hội Sức khỏe môi trường Thái Lan Sonthi Kotchawat nói chính quyền và PTTGC phản ứng quá chậm chạp. “PTTGC đã đầu tư hàng chục triệu baht để mua các trang thiết bị xử lý tràn dầu và đào tạo nhân lực. Vậy câu hỏi được đặt ra là tại sao họ lại phản ứng quá chậm chạp khi đám dầu loang tới Koh Samet?” - ông Sonthi chất vấn.
Nhiều quan ngại về môi trường
Ngoài ra, ông Sonthi cũng nêu lên câu hỏi về tác động của loại hóa chất dùng để xử lý dầu tràn trên biển đối với môi trường. Một số chuyên gia môi trường yêu cầu PTTGC công bố loại hóa chất dùng để xử lý dầu. Các nhà hoạt động môi trường nghi ngờ công ty này sử dụng Corexit để xử lý dầu tràn bởi loại này dùng thông dụng trên thế giới.
Một nghiên cứu năm 2012 cho biết Corexit làm tăng độ độc hại trong dầu lên 52 lần. Nó có thể duy trì trong chuỗi thức ăn sinh thái trong vòng nhiều năm, tác động đến sức khỏe lâu dài và rộng khắp. Thành phần chính của Corexit bao gồm 2-butoxyethanol, có thể gây hại cho máu, gan, thận và hệ thần kinh trung ương. Theo Bangkok Post, các chuyên gia còn nói loại hóa chất này có thể gây ung thư, quái thai và đột biến gen.
Chuyên gia Pisut Painmanakul thuộc Trường đại học Chulalongkorn nói vụ tràn dầu ở Thái Lan có thể dẫn đến vấn đề tương tự vụ tràn dầu trên vịnh Mexico năm 2010. Khi đó Corexit cũng được sử dụng. Người ta đã mất ba tháng để xử lý dầu tràn nhưng các nhà khoa học nói hóa chất độc hại vẫn lưu lại trong hệ sinh thái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận