Bên trong quán chay Bangkok City Diner không một bóng người giữa lệnh giới hạn - Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA
Theo tờ Bangkok Post, Bộ Y tế Thái Lan ngày 29-6 ghi nhận thêm 4.662 ca nhiễm và 36 trường hợp tử vong vì COVID-19. Ngoài 10 tù nhân, tất cả số ca COVID-19 mới còn lại đều là lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong đợt bùng dịch thứ 3 từ ngày 1-4, Thái Lan đã ghi nhận thêm 225.652 bệnh nhân COVID-19, trong đó 177.638 người đã khỏi bệnh. 1.876 trong số 1.970 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận trong đợt bùng dịch thứ 3.
Lệnh cấm dùng bữa tại chỗ (dining-in) được áp đặt lại từ tối 26-6, sau khi số ca nhiễm tại Thái Lan đã vượt 2.000 ca mỗi ngày trong vài tuần vừa qua, và trên 4.000 ca mỗi 24 giờ những ngày gần đây.
Theo thông tin đăng tải trên kênh Channel News Asia (Singapore) ngày 29-6, các giới hạn phòng dịch mới tiếp tục gây áp lực lên các quán ăn và nhà hàng ở Bangkok và nhiều nơi khác.
“Tôi cảm thấy thế nào khi nghe về các giới hạn mới nhất ư? Bực tức” - bà Mika Apichatsakol, chủ quán chay Bangkok City Diner, nói với Channel News Asia.
Quán của bà Apichatsakol đã phải ngừng phục vụ tại chỗ từ ngày 1-5 theo quy định. Kể từ đó, Bangkok City Diner chỉ có thể bán mang về.
“Chúng tôi thực sự đã lên kế hoạch mở cửa phục vụ tại chỗ từ ngày 1-7. Chúng tôi đã công bố điều này từ khoảng 1 tuần trước, và nay chúng tôi chỉ có thể quay lại với việc giao hàng”, bà Apichatsakol nói thêm.
Một nhà hàng trong trung tâm thương mại tại Bangkok, Thái Lan, đóng cửa vì lệnh giới hạn - Ảnh: AFP
Đối với nhiều chủ nhà hàng, sự trở lại của lệnh cấm dùng bữa tại chỗ sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh và nhân viên của họ. Mỗi đợt bùng dịch lại xén bớt một phần thu nhập của các quán ăn này, làm họ hao vốn thêm trong khi gần như không nhận được hỗ trợ từ chính quyền.
“Tôi theo dõi tin tức tới 1h sáng và tôi cảm thấy rối loạn. Tôi cho rằng tất cả các nhà hàng khác đều cảm thấy giống như tôi. Đột ngột, vào buổi sáng, chúng tôi phải hủy mọi đơn đặt hàng của mình” - ông Thavalsak Grajangpho, chủ nhà hàng Ruean Rim Nam tại Bangkok, than phiền.
Các chủ nhà hàng như ông Grajangphoi vẫn phải trả tiền thuê nhân công và đang đối diện tương lai mờ mịt.
“Đợt bùng dịch này tồi tệ hơn đợt đầu tiên và không có điều gì đảm bảo sau 1 tháng đóng cửa, dịch bệnh sẽ thật sự chấm dứt. Đương nhiên là tôi tức giận. Tôi cảm thấy như họ (chính quyền) không thông cảm với doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi một chút nào”, ông Grajangpho nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận