Phóng to |
Du khách nước ngoài chờ làm thủ tục tại sân bay ở Thái Lan - Ảnh: Thanh Liêm |
Độ hai tuần trở lại đây, trên diễn đàn ThaiVisa dành cho người nước ngoài ở Thái Lan râm ran chuyện sắp tới chính quyền nước này sẽ siết chặt quản lý người nước ngoài lạm dụng visa du lịch ngắn hạn. Điều này được sự quan tâm của không ít người nước ngoài đang sống tại Thái Lan.
Với chính sách khuyến khích du lịch, Thái Lan miễn visa cho du khách đến từ 42 quốc gia với thời hạn được lưu trú tối đa cho một lần là 15 hoặc 30 ngày tùy nước. Tuy nhiên nhiều người nước ngoài, bất kể là châu Á hay phương Tây, đã lợi dụng chính sách này để ở lại Thái Lan làm ăn chui, lao động bất hợp pháp hoặc nghỉ dưỡng mà không xin visa du lịch dài hạn.
Cứ ở hết 15 hay 30 ngày được phép theo luật, họ lại lên cửa khẩu “xuất cảnh” sang các nước láng giềng như Myanmar, Lào, Campuchia rồi quay trở lại nhập cảnh vào Thái Lan trong cùng ngày. Hành động này được gọi nôm na là “chạy visa”. Giới chức Thái Lan đã quyết định trám lại lỗ hổng này bằng các quy định chặt chẽ hơn.
Phải xin loại visa phù hợp
Từ ngày 12-8, những người nước ngoài “chạy visa” có thể bị nhân viên xuất nhập cảnh từ chối cho vào Thái Lan. Tuy nhiên, báo Bangkok Post cho biết quy định này không ảnh hưởng đến khách du lịch thông thường, những người có visa không di trú hoặc những người có visa du lịch dài hạn nhưng chưa dùng hết số lần được nhập cảnh vào Thái Lan.
Những người nước ngoài muốn xuất cảnh và nhập cảnh ngay trong ngày kiểu “chạy visa” kể trên được thông báo rằng họ sẽ phải xin visa du lịch dài hạn phù hợp hoặc visa không di trú. Bangkok Post cho biết nhân viên xuất nhập cảnh sẽ dùng sự suy xét của mình để đưa ra quyết định trong từng trường hợp. Báo Phuket Gazette dẫn lời một nhân viên xuất nhập cảnh ở cửa khẩu Ranong quả quyết rằng người nước ngoài sẽ được phép “chạy visa” tối đa là ba lần liên tiếp cho tới thời hạn 12-8.
Giới chức Thái Lan cho biết không rõ có bao nhiêu người nước ngoài ở chui tại Thái Lan dưới hình thức “chạy visa” sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định mới này. Tuy nhiên, thông qua các cuộc thảo luận trên mạng xã hội, diễn đàn có thể thấy số lượng người trong diện này không nhỏ. Theo Bangkok Post, có thể họ ở lại Thái Lan để nghỉ hưu hoặc làm việc, nhưng tất cả đều là bất hợp pháp nếu không có visa phù hợp.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan, tướng cảnh sát Chatichai Iam-saeng cho rằng họ phải siết chặt việc “chạy visa” vì có đến 90% người nước ngoài trong diện này ở lại Thái làm việc, chủ yếu là dạy ngoại ngữ. Quy định mới cũng nhằm ngăn chặn các nhân viên xuất nhập cảnh nhận tiền để giúp những người nước ngoài “chạy visa”.
Ông Chatichai dẫn trường hợp một người Hàn Quốc bị phát hiện “chạy visa” bảy lần. Hóa ra ông ta cưới một phụ nữ Thái ở vùng đông bắc. Trong trường hợp này, giới chức xuất nhập cảnh xác định ông này không phải là du khách nên không thể cho phép ông ta nhập cảnh theo diện du lịch.
Siết chặt sau vụ MH370
Tờ Phuket News cho biết mặc dù theo quy định, đến ngày 12-8 giới chức Thái mới áp dụng chính sách mới về “chạy visa” nhưng hiện nhiều cửa khẩu trên bộ đã thực hiện ngay quy định này.
Phuket News dẫn lời một quan chức cấp cao trong Cục Xuất nhập cảnh khẳng định rằng một trong những lý do siết chặt việc “chạy visa” là sau vụ máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích. Trên chuyến bay MH370 có hai hành khách sử dụng hộ chiếu ăn cắp trước đó ở Phuket.
Một quan chức khác nói với Phuket News rằng các cửa khẩu đường bộ có thể sẽ áp dụng việc quét vân tay. Trên thực tế, nhiều đối tượng trong danh sách đen bị cấm nhập cảnh vào Thái Lan chỉ được xác định bằng tên gọi. Trong trường hợp họ đổi tên trên giấy tờ, rất khó để kiểm tra.
Một quan chức xuất nhập cảnh khác là Phanu Kerdlaphon nói việc quét vân tay sẽ được thực hiện ở tất cả cửa khẩu một khi ngân sách được thông qua. Ban đầu, việc quét vân tay sẽ được thực hiện trước tại các sân bay quốc tế.
Chương trình tốn kém Báo The Nation cho biết dự án cung cấp trang thiết bị quét vân tay cho các cửa khẩu sẽ tốn khoảng 342 triệu baht (khoảng 10,5 triệu USD). Có thể đến cuối năm nay, các cửa khẩu sẽ được trang bị thiết bị này. Giới chức Thái Lan thừa nhận việc thực hiện quét vân tay người nước ngoài khi nhập cảnh sẽ khiến hàng người tại các cửa khẩu dài hơn nhưng đây là việc cần thiết, như một số nước đang thực hiện, trong đó có Nhật. Giới chức Thái cũng tỏ ra không lo lắng lắm về bệnh truyền nhiễm khi vô số con người sờ tay lên cùng một thiết bị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận