Người dân Myanmar tại bang Karen dùng mọi phương tiện có thể, bao gồm cả đi bộ, để chạy nạn sang Thái Lan khi chiến sự nổ ra - Ảnh: REUTERS
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat cho rằng quân đội và lực lượng an ninh Myanmar nên kiềm chế bạo lực, xuống thang căng thẳng.
Đại diện Bộ Ngoại giao Thái Lan kêu gọi chính quyền quân sự thả thêm những người bị bắt giữ, và chấm dứt tình trạng sử dụng bạo lực với dân thường. Cũng theo ông Tanee, Bangkok đang phối hợp với các nước khác trong ASEAN để tìm ra một giải pháp hòa bình cho Myanmar.
Hãng tin Reuters bình luận đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của Thái Lan kể từ khi xảy ra cuộc binh biến ở Myanmar ngày 1-2. Thái Lan, nước láng giềng phía đông của Myanmar, đã chứng kiến làn sóng chạy nạn sang nước này khi quân đội Myanmar mở các chiến dịch quân sự ở biên giới.
Trong một động thái đơn phương ngày 31-3, quân đội Myanmar tuyên bố sẽ đình chiến 1 tháng với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số (EAO) ở biên giới. Tuy nhiên chính quyền quân sự cũng cảnh báo sẽ đáp trả nếu các lực lượng này tấn công chính quyền.
Chiến sự ở bang Karen đã khiến hàng ngàn người Myanmar chạy sang Thái Lan. Theo Hãng thông tấn AFP, lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, các máy bay của quân đội Myanmar không kích các khu vực của Liên minh quốc gia Karen (KNU).
Chính quyền Bangkok tỏ ra miễn cưỡng trong việc tiếp nhận, vì đã có hàng chục ngàn người đang sống tại các trại tị nạn trong nhiều năm qua.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về tình hình Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, cảnh báo "một cuộc tắm máu" có thể xảy ra ở Myanmar nếu thế giới tiếp tục chần chừ.
"Tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét tất cả công cụ hiện có để đồng loạt thực hiện và làm những gì là đúng, những gì người dân Myanmar đáng được hưởng và ngăn chặn thảm họa đa chiều ở trung tâm châu Á", bà Schraner Burgener kêu gọi trong cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an ngày 31-3.
Theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, các hành động vũ lực của quân đội đã ở mức nghiêm trọng và nhiều nhóm vũ trang dân tộc thiểu số "thể hiện quan điểm chống đối rõ ràng". Do đó, nếu thế giới không hành động, khả năng sẽ có nội chiến quy mô chưa từng có tại Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận