Phóng to |
Chuyến thăm của ông diễn ra chỉ hai ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Báo The Nation đưa tin: người phát ngôn cảnh sát Thái Lan Piya Uthayo khẳng định an ninh dành cho thủ tướng Trung Quốc cũng ngang bằng với Tổng thống Obama. Máy bay cá nhân của ông Ôn Gia Bảo đã đáp xuống sân bay Don Mueang lúc 17g cùng ngày và thủ tướng Trung Quốc được bố trí nghỉ tại khách sạn Bangkok nằm trên bờ sông Chao Phraya với vòng vây an ninh thắt chặt.
Sự có mặt của thủ tướng Trung Quốc, như báo chí Thái Lan nhận định, không chỉ là một đối trọng với tổng thống Mỹ hai ngày trước đó theo ý nghĩa bề ngoài này. Trước đó, ông Obama đã thảo luận với Thủ tướng Yingluck về an ninh, thương mại và đầu tư ở Thái Lan. Ông Ôn Gia Bảo cũng sẽ thảo luận với bà Yingluck về những nội dung này.
Tăng đầu tư vào Thái Lan
Với Thái Lan, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai sau Nhật Bản. Ngay khi đặt chân đến Bangkok, thủ tướng Trung Quốc đã tuyên bố Bắc Kinh có ý định mua nông sản và mở rộng đầu tư hơn nữa vào Thái Lan.
Tại Thái Lan, thủ tướng Trung Quốc đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ, theo đó mỗi năm Bắc Kinh sẽ mua của Bangkok 5 triệu tấn gạo. Ông cũng đã khánh thành trung tâm văn hóa Trung Quốc trên đường Tiem Ruammit, và đây là trung tâm đầu tiên ở Đông Nam Á. “Trung Quốc và Thái Lan sẽ trở thành đối tác kinh tế trong nhiều dự án quan trọng như vận tải, hệ thống tưới tiêu, nông nghiệp và hợp tác kinh tế dọc sông Mekong. Trung Quốc cũng sẽ tăng cường việc đào tạo tiếng Hoa ở Thái Lan” - Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời ông Ôn Gia Bảo khẳng định.
Thủ tướng Yingluck cho biết Bắc Kinh sẽ tăng đầu tư vào Thái Lan khoảng 15% mỗi năm và đang xúc tiến mở đường bay mới giữa hai nước. Thái Lan sẽ trải thảm đỏ mời Trung Quốc đầu tư vào dự án đường xe lửa cao tốc, hệ thống xử lý nước cũng như cảng nước sâu Dawei mà Thái Lan đang đầu tư ở Myanmar.
Hoan nghênh cả hai
Với Trung Quốc, Bangkok được xem là một trong các nước chiến lược lợi hại nhất Đông Nam Á của mình. Dù đã được Washington xem là đồng minh không chính thức của NATO năm 2003, song Thái Lan cũng có quan hệ thân thiết trên mức bình thường với Trung Quốc. Báo Wall Street Journal dẫn lời giới bình luận nhận định sự cân bằng quan hệ Mỹ - Trung của Thái Lan đã đặt ra câu hỏi khó trả lời cho vương quốc này là “đồng minh của họ đang ở đâu?”.
Một số chuyên gia còn quan ngại việc Thái Lan tham gia thảo luận chiến lược đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ trì sẽ khiến Trung Quốc phiền lòng, bởi đến nay Bắc Kinh vẫn chưa được mời tham gia chiến lược này. Các quan chức Thái Lan khẳng định họ không đứng về phe nào. Trả lời báo giới Thái Lan và quốc tế, Thủ tướng Yingluck đã nhấn mạnh Thái Lan trong lúc này chỉ chú tâm nghiên cứu “được và không được của việc tham gia TPP”.
Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc có thể cứ thể hiện tham vọng chiến lược của mình ở Đông Nam Á mà không cần phải kích động những căng thẳng vốn tồn tại ở khu vực này.
“Chúng tôi không cho Trung Quốc là một mối đe dọa. Chúng tôi cũng cho rằng việc Mỹ tái tiếp cận châu Á là tín hiệu đáng hoan nghênh, cho thấy họ đã nhận ra châu Á là động lực tăng trưởng của thế giới” - báo The Nation dẫn lời ông Surapong giải thích về thái độ của Thái Lan.
Giới chuyên gia cho rằng chọn lựa này của Thái Lan rất khôn khéo nhưng cũng có thể sẽ trở thành một yếu tố gây khó khăn cho chính sách “xoay trục châu Á” của Mỹ.
“TPP có thể sẽ làm đảo lộn mối quan hệ của Thái Lan vì Bắc Kinh và Washington đang tranh giành ảnh hưởng thương mại trong khu vực. Nếu Trung Quốc biết Thái Lan đứng về phía Mỹ thì có lẽ họ sẽ không vui” - giáo sư Prapat Thepchatri, Đại học Thammasat ở Bangkok, nhận định trước ý kiến cho rằng Thái chơi với Mỹ về an ninh, còn chơi với Trung Quốc về kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận