27/06/2011 07:50 GMT+7

Thái Lan: Đối đầu giữa Yingluck và Abhisit

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Chỉ còn một tuần nữa Thái Lan chính thức bước vào cuộc bầu cử quyết định ai sẽ là thủ tướng. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Abhisit Vejjajiva của Đảng Dân chủ hay bà Yingluck Shinawatra của đảng đối lập Pheu Thai?

3fDN6iL5.jpgPhóng to
v0CPH5Qd.jpg

Hai ứng cử viên chính: đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và bà Yingluck Shinawatra - Ảnh: Reuters

Ngày 26-6, hơn 2,6 triệu cử tri Thái Lan, mà vì nhiều lý do khác nhau không thể tham gia đi bỏ phiếu tại khu vực bầu cử của mình trong ngày tổng tuyển cử, đã đi bỏ phiếu sớm trước ngày bỏ phiếu chính thức 3-7.

Lá phiếu của hơn 5% tổng số cử tri này sẽ được niêm phong tại nơi bỏ phiếu, với camera theo dõi 24/24 giờ và một đội canh gác nghiêm ngặt để chính thức đếm kết quả sau ngày 3-7. Trước đó, từ lúc 18g ngày 25-6 tới nửa đêm 26-6, việc bán các thức uống có cồn bị cấm, ai vi phạm có thể bị tù tới 6 tháng. 35.000 cảnh sát đã có mặt tại 557 điểm ở khắp cả nước.

Nền kinh tế Thái Lan dường như có “mặc áo giáp”. Năm 2010, dù bạo lực chính trị tồi tệ nhất trong gần hai thập niên qua, kinh tế lại phát triển nhanh hơn thời gian 15 năm trước. Nước này cũng đón số du khách kỷ lục. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đến: Ford Motor đã đầu tư 1,3 tỉ USD ở Thái Lan trong ba năm qua.

Có phải là “bản sao”?

Đảng Pheu Thai (Vì người Thái) đưa ra ứng cử viên của mình là nữ doanh nhân Yingluck Shinawatra, 44 tuổi, em gái út của thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Sự xuất hiện của bà (mà phía sau là ông Thaksin) đang khiến Đảng Dân chủ rơi vào tình thế nhiều khó khăn hơn để giành chiến thắng mặc dù kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 9-2006, liên minh chống Thaksin đã cho ra được bản hiến pháp mới, giải tán hai đảng thân Thaksin, cấm nhiều chính trị gia phe Thaksin hoạt động.

Quan sát tình hình hiện nay ở Thái Lan có thể thấy các quy tắc của trận đấu, trọng tài và bảo vệ sân cỏ đều là người của phe Dân chủ. Sau khi Ủy ban Chứng khoán Thái Lan điều tra và khẳng định bà Yingluck không có bất kỳ vi phạm gì trong quá trình kinh doanh, Bộ trưởng Tài chính Korn Chatikavanij hiện lại đề nghị Cơ quan giám sát chứng khoán kiểm tra tình hình tài chính của bà lần nữa.

Cũng thế, ngày 24-6, phát biểu trước 12.000 người tại trung tâm Bangkok, ở bùng binh Ratchaprasong - nơi phe áo đỏ từng chiếm đóng bảy tuần liên tiếp trong tháng 4 và 5-2010, chứng kiến đụng độ giữa phe biểu tình và chính phủ làm 91 người chết, hơn 1.800 người bị thương, ông Abhisit đã kêu gọi cử tri Đảng Dân chủ “giải độc” cho Thái Lan bằng cách ngăn cản ông Thaksin về nước nắm quyền trở lại.

Ông cũng lên tiếng thúc giục ông Thaksin “ngừng làm đau nước Thái”, và nói rằng Đảng Pheu Thai là một loại công cụ để rửa sạch những tội lỗi tham nhũng của nhà tài phiệt hiện đang chỉ đạo Pheu Thai từ dinh thự của mình ở Dubai - nơi ông đang tị nạn để tránh 2 năm tù vì tội tham nhũng.

Somjai Phagaphasvivat, nhà khoa học chính trị tại ĐH Thammasat của Bangkok, cho rằng phe Dân chủ cố gắng khoét sâu vào sự non kém về kinh nghiệm chính trị của bà Yingluck.

Nhưng liệu bà Yingluck có là “bản sao” của ông Thaksin như Đảng Dân chủ mô tả hay không? Ngày 25-6, Pheu Thai đã ra tuyên bố bác bỏ việc đảng này có kế hoạch ân xá cho ông Thaksin hiện đang lưu vong ở Dubai, hoặc trả lại cho ông 46 tỉ baht vốn đã bị tòa án tuyên bố tịch thu.

Pheu Thai cũng cáo buộc Đảng Dân chủ cầm quyền là đã tung tin giả để bôi nhọ đảng và ứng cử viên của họ. Đành rằng không thể chối bỏ đằng sau bà luôn có cái bóng và sự hậu thuẫn của người anh là ông Thaksin, thế nhưng thực tế đến nay cho thấy bà Yingluck không đơn giản chỉ là một “con rối” trên chính trường Thái Lan. Theo các kết quả thăm dò sơ bộ cử tri do báo chí Thái Lan đưa ra, bà Yingluck Shinawatra đang vượt lên trên ông Abhisit.

Quân đội đứng ở đâu?

Tuyên bố trên truyền hình, chỉ huy Prayuth Chan-ocha vẫn khẳng định quân đội sẽ không tham gia tiến trình bầu cử. Thế nhưng ông lại cảnh báo những thế lực đang định đe dọa chống lại hoàng gia, thúc giục người dân đi bỏ phiếu và bầu chọn “những người tốt”, tránh lặp lại các kỳ bỏ phiếu trước. “Nếu chúng ta cho ra kết quả như lần trước thì chúng ta không nhận được cái gì mới hay tiến bộ hơn cả”.

Theo Reuters ngày 25-6, bình luận của ông Prayuth được xem là cú tấn công trực tiếp làm mất uy tín của Đảng Pheu Thai. Lần trước, kết quả bỏ phiếu đều đem lại chiến thắng cho phe ủng hộ Thaksin. Cựu tổng biên tập Veera Prateepchaikul của báo Bangkok Post cho rằng đối với một tướng lĩnh quân đội, kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho các đảng “tốt” và ứng viên “tốt” là điều không phù hợp, và đó là cách mà ông Prayuth đã chọn phe cho mình.

Truyền thông Thái Lan đang theo dõi diễn biến bầu cử như một trận đấu bóng đá, khi tỉ số chỉ được phân định khi có tiếng còi chung cuộc cất lên, và phút bù giờ vẫn có thể đem lại nhiều bất ngờ khi ai đó lật ngược thế cờ. Tờ The Nation lo ngại Thái Lan có nguy cơ rơi vào ngõ cụt mà một chuyên gia chính trị Thái Lan mô tả là “người thắng cử không thể cầm quyền, còn người cầm quyền thì không thể thắng cử”.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp