Phản chiếu của biểu tượng Tháng tự hào LGBT (Pride Month) trên đường phố Bangkok, Thái Lan hôm 17-6 - Ảnh: AFP
Theo Đài CNN, nếu dự luật này được Quốc hội thông qua, Thái Lan sẽ là nơi thứ 2 của châu Á và quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á chấp nhận các cặp đồng tính về mặt pháp lý.
Năm 2019, chính quyền Đài Loan đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Tuy vậy, giới quan sát nhận định dự luật mới vẫn chỉ dừng lại ở một số quyền cơ bản và vẫn chưa trao quyền cho các cặp đôi đồng tính đầy đủ như các cặp vợ chồng thông thường.
Nội dung dự luật của Thái cho phép các cặp đôi đồng tính đăng ký quan hệ dân sự, nhận con nuôi, đòi quyền thừa kế và cùng đứng tên sở hữu tài sản.
Phó phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan, bà Ratchada Thanadirek, tuyên bố đây là "một cột mốc đối với xã hội Thái trong việc ủng hộ bình đẳng giữa mọi giới tính".
"Dự luật Đối tác dân sự (Civil Partnership Bill) là một bước quan trọng đối với xã hội Thái để đề cao quyền bình đẳng cũng như ủng hộ quyền lợi của các cặp đôi đồng tính trong việc xây dựng gia đình", bà Thanadirek viết trên Facebook.
Dự luật quy định các cặp đôi phải từ 17 tuổi trở lên và ít nhất 1 trong 2 người phải là công dân Thái Lan để đăng ký quan hệ dân sự.
Những người dưới 17 tuổi phải có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Dự luật này cũng bao gồm các điều khoản về ly dị.
Một số người trong cộng đồng LGBTQ cho rằng dự luật này vẫn chưa tiến đủ xa, vì quan hệ đối tác dân sự vẫn chưa phải quan hệ hôn nhân.
"Dự luật Đối tác dân sự không phải là một dấu mốc cho bình đẳng giới tại Thái Lan. Thay vì thế, đây là một rào cản cho tất cả những ai muốn tiến tới hôn nhân", Tattep Ruangprapaikitseree, một nhà hoạt động vì quyền lợi của cộng đồng LGBTQ, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận