Ảnh: REUTERS
Vừa qua, cảnh sát Thái Lan đã phát hiện ra 7 xe container vận chuyển khoảng 22 tấn rác thải công nghệ tuồn vào cảng Laem Chabang, phía nam Bangkok.
Trong đó, có rất nhiều thiết bị điện tử bị hư hỏng, các máy chơi game bị nghiền nát, máy tính bảng, linh kiện điện tử… được chuyển từ Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản mà không có giấy phép.
Phó cảnh sát trưởng Wirachai Songmetta cho biết: "Chúng tôi đã đệ đơn kiện 3 công ty tái chế và xử lý chất thải ở Thái Lan đã nhập khẩu hàng tấn chất thải điện tử như thế này. Theo luật pháp hiện hành, người bị kết án có thể bị bỏ tù đến 10 năm."
Năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm, tuyên bố với WTO rằng sẽ ngừng nhận hàng nhập khẩu của trên 24 loại chất thải từ nước ngoài. Điều đó đã khiến nhiều người lo ngại rằng các chất thải có thể sẽ "tìm đến" các nước láng giềng.
Theo ước tính của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, đã có hơn 70% trong số 500 triệu tấn chất thải điện tử trên thế giới đã nhập vào nước này vào năm 2016.
Lệnh cấm đã đẩy mạnh chuỗi cung ứng xử lý chất thải trên toàn thế giới, gây ra đống rác thải khổng lồ từ châu Á đến châu Âu và làm bùng nổ những vụ xuất nhập khẩu bất hợp pháp.
Penchom Saetang, giám đốc trung tâm bảo vệ hệ sinh thái và phục hồi Thái Lan (EARTH), cho biết: "Sau lệnh cấm của Trung Quốc, Thái Lan có thể trở thành một trong những bãi rác công nghệ lớn nhất.
Mặc dù đã thông qua Công ước Basel năm 1997 nhằm kiểm soát chất thải nguy hại tuồn qua biên giới nhưng Thái Lan không hoàn toàn cấm việc xuất nhập khẩu từ các nước phát triển hơn."
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã cam kết sẽ nhanh chóng tăng cường kiểm tra toàn quốc để chống lại chất thải điện tử bất hợp pháp, đồng thời dự tính đến việc sửa đổi các đạo luật nhằm xử lý phù hợp hơn với tình hình đáng báo động hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận