21/03/2013 07:40 GMT+7

Thái Lan chi 56 tỉ USD xây đường sắt cao tốc

ANH DUY
ANH DUY

TT - Khảo sát cho thấy 60% số chuyên gia được hỏi lo ngại khoản vay để làm đường sắt cao tốc đẩy nợ công tăng cao, bên cạnh nỗi lo tham nhũng trong xây dựng.

vo1dx2Fk.jpgPhóng to
Du khách trước apphich quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc tại Bangkok - Ảnh: Bangkok Post

Dự án nâng cấp hệ thống đường sắt hiện hữu và xây đường sắt cao tốc trị giá 56 tỉ USD vừa được Chính phủ Thái Lan thông qua trong phiên họp nội các ngày 19-3.

Khi chính phủ bà Yingluck Shinawatra nêu ý định vay 2.000 tỉ baht (68 tỉ USD) để đại tu cơ sở hạ tầng cho tầm nhìn đến năm 2020, dư luận Thái Lan choáng váng. Theo kế hoạch này, bốn tuyến đường sắt cao tốc tỏa đi từ Bangkok sẽ kết nối các điểm du lịch trên cả nước như Pattaya, Chiang Mai... và tốn kém khoảng 56 tỉ USD. Dự án sẽ được xem xét tại quốc hội vào ngày 27 và 28-3.

Đón đầu sự phát triển khu vực

Báo Bangkok Post cho biết Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên này vào năm 2018, nối Bangkok với Pattaya - bãi tắm nổi tiếng trên vịnh Thái Lan. Tàu chạy với vận tốc 250 km/giờ sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa hai nơi này xuống còn 45 phút. Theo quy hoạch, ba tuyến còn lại sẽ lần lượt đi vào hoạt động sau đó. Một tuyến nối Bangkok với tỉnh Phitsanulok (phía bắc) đi Chiang Mai. Một tuyến nối Bangkok đến Nakhon Ratchasima (vùng đông bắc), từ đó theo hành lang đông - tây qua Lào đến Việt Nam. Tuyến còn lại nối bãi tắm Hua Hin (phía nam), từ đó nối kết với Malaysia và Singapore.

Không thuận lợi như Việt Nam khi các điểm du lịch tập trung dọc quốc lộ 1, chỉ một tuyến cao tốc Bắc - Nam có thể kết nối dễ dàng. Tại Thái Lan, các điểm du lịch phân tán ở nhiều vùng, mỗi vùng đi về một hướng. Vì vậy, để kết nối tất cả các điểm đến này, Thái Lan phải xây dựng nhiều tuyến đường với bốn tuyến chủ đạo trên.

Dù vậy, Chính phủ Thái Lan vẫn quyết tâm thúc đẩy việc thực hiện dự án thế kỷ này. Trả lời báo chí, Bộ trưởng giao thông Sittipunt Chadchat khẳng định dự án này rất cấp bách để Thái Lan đón đầu sự phát triển trong khu vực. Ông Chadchat dẫn chứng: “Singapore và Malaysia đã lên kế hoạch liên kết bằng tàu hỏa tốc độ cao, Trung Quốc dự kiến kết nối với châu Âu cũng bằng hệ thống đường sắt cao tốc”. Bangkok Post dẫn lời ông khẳng định: “Thái Lan sẽ mất khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư nếu không lên kế hoạch ngay bây giờ, vì chi phí hậu cần hiện đã cao hơn các nước”. Ước tính khi mạng lưới đường sắt cao tốc hoàn thành, Thái Lan sẽ tiết kiệm được 100 tỉ baht nhiên liệu mỗi năm.

Dự án này còn nhằm thực hiện ba chiến lược chính: chuyển dịch vụ hậu cần từ đường bộ sang đường sắt, kết nối trung tâm từng khu vực với các nước láng giềng, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế từng địa phương.

Khi dư luận còn phân vân, Chính phủ Thái vẫn đã ráo riết thúc đẩy dự án. Chính phủ nước này cho biết sẽ mời thầu vào tháng 9-2013. Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha nằm trong số các ứng viên “sáng giá” cho dự án khổng lồ này.

znDzMddU.jpgPhóng to
Apphich quảng cáo dự án đường sắt cao tốc - Ảnh: Cơ quan đường sắt Thái Lan

Nghi ngại và trấn an

Dù vẽ ra nhiều “viễn cảnh” tươi đẹp khi dự án đường sắt cao tốc hoàn thành, như kết nối vùng thuận lợi, phát triển du lịch dễ dàng... song dư luận Thái dường như vẫn chưa chấp nhận khoản kinh phí khổng lồ phải bỏ ra. Báo The Nation dẫn thăm dò dư luận của Đại học Bangkok cho thấy chỉ 25% trong số 60 chuyên gia kinh tế được khảo sát là yên tâm với giải pháp vay của chính phủ; 60% lo ngại khoản vay này sẽ khiến nợ công vượt quá 60% GDP nếu chính phủ theo đuổi “cuộc chơi” táo bạo này. Ngoài ra, vấn đề tham nhũng khi xây dựng cũng được mang ra bàn. 88% tỏ ra không tin vào năng lực chống tham nhũng của chính phủ khi thực hiện dự án đường sắt cao tốc (và tổng đại tu cơ sở hạ tầng) với nguồn vốn vay lớn như vậy.

Để trấn an dư luận, Bộ trưởng giao thông Sittipunt Chadchat khẳng định khoản vay xây đường cao tốc không vượt quá 60% GDP. Ông viện dẫn “dự án có tầm nhìn trong bảy năm, tính ra mỗi năm chỉ chi hơn 300 tỉ baht, không gây thiệt hại cho nền kinh tế”. Trong phiên họp nội các ngày 19-3, Bộ trưởng tài chính Kittiratt Na-Ranong còn khẳng định mức vay của chính phủ không vượt quá 50% GDP. Ông Ranong cam kết “chúng tôi đoan chắc đủ khả năng trả hết các khoản vay trong 50 năm”.

Trong khi đó, cựu thủ tướng Abhisit, chủ tịch Đảng Dân chủ, lại chỉ trích quyết định của Đảng Pheu Thai “sẽ khiến đất nước mang thêm gánh nặng nợ nần”.

Dù dư luận vẫn “chín người mười ý”, song chính phủ bà Yingluck đã mở các cuộc tiếp xúc với cư dân vùng quy hoạch. Từ tháng 2, người dân và doanh nghiệp trong vùng xây tuyến cao tốc nối Bangkok với Nakhon Ratchasima đã tham gia các cuộc họp để nghe hiệu quả của dự án và chính sách đền bù đất.

Châu Á chạy đua xây đường sắt cao tốc

Các nước châu Á đang đua nhau xây đường sắt cao tốc để liên kết vùng và phát triển du lịch. Ngày 26-12-2012, Trung Quốc đã đi đầu với việc khánh thành tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới (2.298km) nối Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) với vận tốc tàu đạt 300km/giờ.

Quốc hội Lào vào tháng 10-2012 cũng thông qua dự án xây đường sắt cao tốc dài 420km nối Vientiane với tỉnh Luang Namtha, kết nối vào mạng lưới đường sắt Trung Quốc với vận tốc tàu khách đạt 160km/giờ.

Ngày 19-2-2013, Singapore và Malaysia cũng thông báo xây tuyến đường sắt cao tốc dài 350km nối Singapore với thủ đô Kuala Lumpur.

ANH DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp