Phóng to |
Thủ tướng Yingluck thông báo về tình trạng khẩn cấp chiều 21-1 - Ảnh: Reuters |
Quyết định có hiệu lực từ hôm nay (22-1) cho phép phía an ninh ban bố lệnh giới nghiêm, kiểm duyệt truyền thông, bắt giữ những người khả nghi không cần trát tòa, đồng thời cấm tụ tập nhóm năm người trở lên vì mục đích chính trị (biểu tình).
Phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul nhấn mạnh: “Chính phủ lâm thời đã quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp nhằm kiểm soát tình hình và thực thi luật pháp”. Bước đi mạnh mẽ này của chính phủ bà Yingluck là kết quả từ phiên họp nội các diễn ra căng thẳng trưa qua, theo BBC.
"Chúng tôi cần làm như thế vì người biểu tình đã đóng cửa các tòa nhà chính phủ, ngân hàng và làm leo thang căng thẳng tình hình, từ đó đã gây ra các vụ thương vong. Chính phủ thấy cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để kiểm soát tình hình" Bộ trưởng Lao động Chalerm Yoobamrung nói qua cuộc họp báo được truyền hình khắp cả nước |
Hôm qua, cảnh sát và quân đội Thái Lan đã thành lập nhiều chốt tuần tra chung nhằm tăng cường bảo vệ trật tự trên các đường phố ở thủ đô. Cảnh sát cho biết các chốt này được thành lập để ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí vào khu vực của người biểu tình và tránh để xảy ra thêm các vụ bạo lực mới. Theo yêu cầu của tư lệnh cảnh sát quốc gia, các lực lượng chức năng cũng sẽ phối hợp với thủ lĩnh biểu tình để tăng cường các biện pháp an ninh.
Quân đội Thái Lan đã nâng cảnh báo về khả năng leo thang bạo lực tại các cuộc biểu tình phản đối chính phủ sau khi thông tin tình báo cho thấy vũ khí và chất nổ đang được di chuyển về Bangkok.
Theo Bangkok Post, quân đội không nói rõ nhóm nào liên quan đến việc tàng trữ vũ khí và mục tiêu của chúng là ai. Giới quan sát nhận định lời cảnh báo này làm gia tăng quan ngại về xung đột chính trị tại Thái Lan vốn đang ngày càng chuyển sang bạo lực.
Lực lượng biểu tình thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) cuối tuần qua đã trở thành mục tiêu của hai vụ tấn công bằng lựu đạn khiến một người thiệt mạng và 67 người bị thương.
PDRC cáo buộc chính phủ và lực lượng áo đỏ đứng sau vụ việc. Tuy nhiên, lực lượng áo đỏ và những người ủng hộ chính phủ cho rằng chính PDRC và các quan chức quân đội dàn dựng vụ việc để thổi bùng tâm lý chống chính phủ.
Trong khi đó, tổng tư lệnh lục quân, tướng Prayuth Chan-ocha hôm 20-1 nói có một nhóm người muốn sử dụng bạo lực để giải quyết xung đột chính trị hiện tại. “Tình hình hiện tại chưa leo thang đến mức để chúng tôi phải can thiệp” - tướng Prayuth nói và kêu gọi dư luận hiểu đúng về nhiệm vụ của quân đội.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan (ECT) cũng đang lên kế hoạch đệ đơn lên Tòa án hiến pháp can thiệp vào tình hình nếu bầu cử không diễn ra suôn sẻ. Theo Bangkok Post, nếu bầu cử sắp tới gặp trục trặc, ECT sẽ yêu cầu Tòa án hiến pháp ra lệnh cho chính phủ lâm thời ban hành một sắc lệnh kêu gọi bầu cử mới.
Hiện có hai điểm yếu có thể khiến bầu cử không thể diễn ra. Một, không một ứng cử viên nào có thể đăng ký tranh cử tại 28 khu vực cử tri do bị người biểu tình chặn lại. Hai, thiếu các nhân viên bầu cử phụ trách các điểm bỏ phiếu. Luật yêu cầu mỗi điểm bỏ phiếu phải có chín nhân viên phụ trách. ECT hôm qua cũng bác bỏ thông tin người biểu tình đốt phiếu bầu khi lực lượng này chiếm nhà in Kurusapa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận