Ông Nguyễn Thượng Hiền - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Ảnh: XUÂN LONG
Khuyến khích phân loại rác để giảm tiền nộp phí xử lý
Ngày 3-6, thông tin về những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt, ông Nguyễn Thượng Hiền, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết: nguyên tắc thu phí xử lý chất thải sẽ theo khối lượng, người xả nhiều rác phải trả nhiều tiền.
"Việc phân loại rác thải tại nguồn dù đã được triển khai ở một số địa phương nhưng việc triển khai trong thực tế chưa thành công" - ông Hiền nêu.
Ông Hiền cho biết dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải sinh hoạt phải thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Hiện nay phân loại rác tại nguồn mới chỉ hô hào về mặt nhận thức, chưa có cơ chế nào khuyến khích hay động lực kinh tế thúc đẩy người dân thực hiện.
"Nếu tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải mà không thực hiện phân loại, gom tất cả rác thải cho vào một túi, khối lượng rác thải phải xử lý sẽ nhiều, tiền phải trả sẽ nhiều. Còn nếu phân loại rác tại nguồn, lượng rác tái chế có thể bán thu lại tiền, chỉ phải trả tiền với lượng rác phải đưa đi xử lý" - ông Hiền nêu.
Dự thảo luật chia thành 5 loại chất thải gồm: chất thải rắn có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT), thực tế việc thu phí xử lý chất thải sinh hoạt ở Hà Nội, TP.HCM hiện nay theo các hình thức hộ gia đình, đầu người, mới chỉ mang tính chất "hỗ trợ", còn kinh phí xử lý rác thải gần như ngân sách vẫn chi là chủ yếu.
"Thu phí xử lý chất thải sinh hoạt dựa trên khối lượng nhiều nước đã áp dụng. Kinh nghiệm quốc tế là theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, ai xả rác nhiều, ai gây ô nhiễm nhiều thì phải trả tiền nhiều.
Vì vậy, dự thảo luật đưa ra nguyên tắc thu phí xử lý chất thải dựa trên khối lượng để khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân giảm thiểu chất thải. Đây cũng là động lực về kinh tế để các hộ gia đình, cá nhân tự giảm chi phí thông qua việc chủ động phân loại rác thải tại gia đình" - ông Hùng nói.
Mức thu phí xử lý chất thải theo khả năng hỗ trợ của từng địa phương
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) giao UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý.
Điều này sẽ giúp chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi.
Vậy phương pháp nào để tính được khối lượng rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình để thu phí?Ông Phan Tuấn Hùng cho biết việc xác định khối lượng rác sẽ thông qua các mẫu túi có kích cỡ 3-5-10kg.
"Chính những loại túi chứa dạng bao bì này sẽ là cân để xác định khối lượng rác, giá từng loại bao bì là đã trả cho khối lượng rác chứa trong bao bì rồi.
Tương tự, mức phí ở Hà Nội có thể cao hơn, mức phí ở Bắc Kạn có thể thấp hơn và mức phí sẽ theo xu hướng tăng dần. "Ví như tại Hàn Quốc mức phí thu ban đầu chỉ bằng 10%, sau 5 năm đến nay tiền thu từ bán bao bì chứa rác đã tương ứng với 60% kinh phí xử lý rác thải" - ông Hùng dẫn chứng.
Theo ông Hùng, mức phí theo khối lượng sẽ do HĐND cấp tỉnh quy định, mức phí cao, thấp sẽ tuỳ theo khả năng hỗ trợ về kinh tế trong xử lý chất thải của từng địa phương.
Ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết nếu luật được thông qua, trước mắt có thể áp dụng thí điểm ở một số thành phố lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận