Thiên hạ thái bình sẽ diễn ra trên sông Hương lúc 20g tối 12-4, hứa hẹn thêm lần tỏa sáng cho một loại hình di sản rất đặc sắc của Huế - di sản tư liệu.
Phóng to |
Chương trình có mạch nguồn và cảm hứng từ thơ. Thơ cũng xuất hiện trên phần lớn đạo cụ, thơ phảng phất trong tất cả hoạt cảnh trên sân khấu... Nhưng tổng đạo diễn Lê Quý Dương cho biết đây không phải là trình diễn thơ, mà thơ đóng vai trò mạch dẫn xuyên suốt.
Sân khấu Thiên hạ thái bình diễn ra trên mặt nước sông Hương trong 90 phút với ba chương chín hồi, từ văn hiến, thái bình cho đến thịnh trị. Đồng tác giả kịch bản văn học Nguyễn Phước Hải Trung (giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế) cho biết chương mở đầu Nước ngàn năm văn hiến với tuyên ngôn độc lập bằng thơ của triều Nguyễn: Nước ngàn năm văn hiến/Thống nhất toàn giang san/Thủa vua Hùng lập nước/Thịnh trị cả trời Nam (dịch từ bài thơ chữ Hán khắc trên điện Thái Hòa). Bài thơ được diễn xướng cùng với các điệu múa, các hoạt cảnh trên sân khấu. Đó là cảnh các cụ đồ khởi thảo thơ xuân, cảnh tiến sĩ vinh quy bái tổ, cảnh cưới xin hòa hợp đôi lứa...
Một bài thơ khác cũng khắc trên điện Thái Hòa mở ra chương Muôn dân hưởng thái bình, được diễn xướng trên nền những con chim phượng hoàng đậu cây ngô đồng, là hình ảnh hòa hợp của đất trời tạo hóa, mở ra một nền thái bình thịnh trị cho muôn dân. Những hoạt cảnh cuộc sống tươi vui ở những làng quê thanh bình, cảnh lao động sản xuất,dựng mới nhà cửa, trong niềm phấn khởi hân hoan với các điệu hò lý vui tươi trên nền sông Hương đan đầy thuyền bè và hoa đăng lấp lánh.
Chương cuối Thịnh vượng cả trời Nam nối tiếp bằng hình ảnh thái bình của trăm họ, những làng mạc trù phú, vạn vật nảy nở sinh sôi, cuộc sống sung túc ấm no... Tất cả đều được dẫn bởi những bài thơ ngũ ngôn trữ tình độc đáo, trong âm hưởng của vũ khúc cung đình và dân ca, dân nhạc lẫn dân vũ, trên nền chín bản nhạc đương đại được sáng tác riêng dựa vào chất liệu nhạc cung đình truyền thống...
Những bài thơ trong Thiên hạ thái bình lấy từ hệ thống hơn 4.000 bài thơ chạm khắc trên các cung điện thuộc quần thể di tích triều Nguyễn tại Huế theo lối “nhất thi nhất họa” (một bài thơ đi liền một bức họa). Theo đuổi nghiên cứu từ năm 1993, ông Hải Trung cho biết đây là một “bảo tàng thơ” không nơi đâu trên thế giới có được. Những bài thơ này không chỉ lưu giữ những tư liệu về thư pháp, mỹ thuật, mà điều độc đáo được phát hiện qua các tài liệu này đó là việc nhà Nguyễn đã dùng thơ làm một trong những phương thức cai trị xã hội. “Minh chứng sống động nhất cho điều này chính là cả hệ thống khẩu hiệu, tuyên ngôn, giáo huấn được “thơ hóa” đăng khắc lên đền đài cung điện, nhằm truyền lại cho hậu thế”, ông Trung nói. Ông Trung đặc biệt chú ý đến những chữ “đế” trong thơ khắc trên điện Thái Hòa (nơi diễn ra các cuộc họp lớn của triều đình). Chứng tỏ các vua Nguyễn luôn coi mình là thiên tử, là hoàng đế của một nước độc lập, khác một số nước khác thường dùng chữ “vương” và xem mình là chư hầu của triều đình Trung Quốc. Một quý giá nhưng chưa được phổ biến sâu rộng. “Chương trình Thiên hạ thái bình mong muốn dẫn dắt mọi người đến với những áng thơ này, giúp khám phá một di sản khác trong kho tàng văn hóa Huế” - tổng đạo diễn Lê Quý Dương bày tỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận