Hơn 1.000 vị trí - bao gồm 15 lãnh đạo bộ, các đại sứ và nhiều chức danh khác - cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Tuy nhiên, một số nhân sự do ông Trump đề cử cho chính quyền sắp tới đang vấp phải sự phản đối từ chính các thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện.
Chông gai
Theo báo Financial Times, những lựa chọn gây tranh cãi nhất của ông Trump - từ dân biểu Matt Gaetz cho vị trí bộ trưởng Bộ Tư pháp đến chính trị gia Robert F. Kennedy Jr. cho vị trí bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ - sẽ phải trải qua một quá trình phê chuẩn chông gai bao gồm nhiều tuần quan sát của công chúng, các phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ và các cuộc bỏ phiếu quyết định ở Đồi Capitol.
Hiến pháp Mỹ quy định Thượng viện có quyền phê chuẩn các vị trí trong Chính phủ. Quá trình thẩm định và phê chuẩn thường kéo dài nhằm loại bỏ các ứng viên không đủ tiêu chuẩn hoặc dính líu tham nhũng. Theo Trung tâm Chuyển giao quyền lực tổng thống, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, quá trình phê chuẩn này đã kéo dài khoảng 115 ngày.
Hiện nay, các đồng minh của ông Trump đang tìm cách bảo vệ các đề cử gây tranh cãi. Một số người đề xuất sử dụng điều khoản "recess appointment" (bổ nhiệm trong lúc ngừng họp) trong Hiến pháp Mỹ - cho phép tổng thống bổ nhiệm mà không cần Thượng viện phê chuẩn.
Quy định này cho phép tổng thống "lấp đầy các chỗ trống xảy ra trong thời gian Thượng viện ngừng họp", vốn xuất phát từ bối cảnh lịch sử khi Quốc hội không họp thường xuyên như hiện nay.
Ông Trump đã gợi ý sử dụng điều khoản này để bỏ qua quy trình phê chuẩn của Thượng viện. Tuy nhiên điều đó đòi hỏi đa số thượng nghị sĩ phải đồng ý ngừng họp, cho phép ông thực hiện quyền này theo Hiến pháp. Dù vậy, những người được bổ nhiệm theo cách này chỉ có thể tại vị tối đa 2 năm.
Chưa rõ các nhà lập pháp có chấp thuận ý tưởng này không. Nếu Thượng viện chấp thuận, họ sẽ trông "cực kỳ yếu đuối", theo GS Saikrishna Prakash thuộc Trường luật Đại học Virginia.
Ông nói: "Nếu họ cúi đầu trước ông ấy về vấn đề này thì đó sẽ là một quốc hội rất dễ bảo". Cũng chưa rõ ông Trump có thử chiến thuật pháp lý mới lạ nào hoặc khai thác một điều khoản khác trong Hiến pháp để buộc Quốc hội ngừng họp hay không.
Gây tranh cãi
Mặc dù Đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Thượng viện từ tháng 1-2025 với 53 ghế so với 47 ghế của Đảng Dân chủ, nhưng những đề cử gây tranh cãi nhất của Trump vẫn có thể đối mặt thách thức trong việc giành được sự ủng hộ từ nhiều thượng nghị sĩ.
Việc ông Trump chọn dân biểu Gaetz làm bộ trưởng tư pháp đã làm gióng lên hồi chuông cảnh báo lớn nhất, chủ yếu do ông này từng bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra về cáo buộc buôn bán tình dục một bé gái 17 tuổi. Ông Gaetz phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định cuộc điều tra đã kết thúc.
Một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bày tỏ lo ngại về việc đề cử ông Gaetz. Thượng nghị sĩ Susan Collins từ bang Maine cho biết bà "sốc" trước đề cử này, trong khi thượng nghị sĩ Lisa Murkowski từ bang Alaska nhận định ông Gaetz không phải là một "đề cử nghiêm túc" cho vị trí bộ trưởng tư pháp.
Ủy ban Đạo đức Hạ viện Mỹ từng điều tra ông Gaetz về các cáo buộc vi phạm đạo đức như hành vi tình dục sai trái, sử dụng ma túy và nhận quà tặng. Tuy nhiên cuộc điều tra đã khép lại sau khi ông Gaetz từ chức vào ngày 13-11, do ủy ban không còn thẩm quyền đối với ông. Dư luận vẫn gây áp lực đòi công bố kết quả điều tra, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, đồng minh thân cận của ông Trump, đã phản đối do lo ngại tạo ra "tiền lệ khủng khiếp".
Ông Gaetz không phải là người duy nhất đối mặt quá trình phê chuẩn khó khăn. Một nhân vật khác gây chú ý là ông Robert F. Kennedy Jr. (cháu cố tổng thống John F. Kennedy) - người được ông Trump chọn làm bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS).
Cựu phó tổng thống Mike Pence đã ra tuyên bố hiếm hoi vào ngày 15-11, kêu gọi các thượng nghị sĩ bác đề cử ông Kennedy. Ông Pence chỉ trích ông Kennedy là "bộ trưởng HHS ủng hộ phá thai nhất trong lịch sử hiện đại từng được Đảng Cộng hòa đề cử", cho rằng điều này đi ngược lại quan điểm chống phá thai trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và gây lo ngại cho hàng triệu người Mỹ ủng hộ Đảng Cộng hòa.
Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra xung quanh một số lựa chọn của ông Trump về chính sách đối ngoại, bao gồm đề cử người dẫn chương trình Pete Hegseth của Đài Fox News làm bộ trưởng quốc phòng và cựu dân biểu Tulsi Gabbard làm giám đốc tình báo quốc gia.
Từng lên tới Tòa án tối cao
Điều khoản "bổ nhiệm trong lúc ngừng họp" đã được nhiều tổng thống Mỹ, gồm cả Dân chủ và Cộng hòa, sử dụng trong vài chục năm qua. Theo Cơ quan Nghiên cứu quốc hội, tổng thống George W. Bush từng 171 lần bổ nhiệm thông qua điều khoản này, trong khi tổng thống Bill Clinton thực hiện 139 lần và tổng thống Barack Obama có 32 lần áp dụng.
Tuy nhiên quy trình này đã bị thách thức tại Tòa án tối cao Mỹ vào năm 2014, khi các thẩm phán ra phán quyết chống lại ông Obama sau khi nhiều lần dùng công cụ này. Tòa án nói rõ "bổ nhiệm trong lúc ngừng họp" chỉ có thể được thực hiện trong thời gian ngừng họp kéo dài 10 ngày hoặc lâu hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận