Rất đông người dân tập trung quanh sân bay ở Kabul (Afghanistan) vào ngày 17-8 - Ảnh: Reuters
Dù "phiên bản" Taliban 2021 đã thay đổi với những hình ảnh và tuyên bố có vẻ thân thiện hơn những năm 1996 - 2001, cuộc sống người dân không bị đảo lộn hoàn toàn, song những thách thức và lo lắng về tương lai bất định với người dân Afghanistan vẫn còn phía trước.
Thiếu kinh nghiệm quản trị
Chính quyền mới được hưởng lợi từ việc đất nước Afghanistan không bị tàn phá nhiều trong cuộc xung đột giữa Taliban và chính phủ của cựu tổng thống Ashraf Ghani. Nhưng việc quản trị đất nước đòi hỏi các lãnh đạo của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan nhiều kỹ năng hơn là việc vận dụng các chiến thuật chính trị và quân sự từ trong các thung lũng và vùng núi.
Từ góc độ thể chế, chính quyền mới có thể gặp nhiều khó khăn khi Taliban không có kinh nghiệm quản trị đất nước. Họ chủ yếu thiên về các hoạt động tôn giáo và chiến đấu chống quân chính phủ trước đây hơn là điều hành kinh tế.
Lần "gần đây nhất" họ quản trị toàn bộ đất nước cũng đã là 20 năm trước, từ 1996 - 2001. Nếu quá khứ là chỉ dấu đáng kể cho tương lai thì kinh nghiệm quản trị quốc gia của Taliban trong khoảng thời gian đó là một Afghanistan mang đầy đủ đặc trưng của quốc gia Hồi giáo cực đoan. Truyền hình, phim ảnh và âm nhạc bị cấm đoán, nữ sinh không được đến trường, phụ nữ không được đi làm và phải mặc kiểu áo choàng phủ kín từ đầu đến chân gọi là burqa.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian đó, trước khi Mỹ thực hiện chiến dịch "Tự do bền vững" để lật đổ chính quyền Taliban do chứa chấp tổ chức khủng bố Al-Qaeda, nền kinh tế Afghanistan đã xuống mức rất thấp. Thu nhập bình quân đầu người Afghanistan năm 2001 chỉ là 114 USD/năm, đứng hạng chót trong tổng số 195 quốc gia xếp hạng, giảm so với 170 USD của năm 2000.
Sau đó, nền kinh tế Afghanistan từng tăng trưởng nhanh chóng, đạt khoảng gần 10% trong giai đoạn 2003 - 2012. Đó là nhờ vào sự tăng trưởng nhanh của ngành dịch vụ, hưởng lợi từ viện trợ của các nước phương Tây và nhiều tổ chức quốc tế.
Việc triển khai quân đội đa quốc gia tới Afghanistan năm 2011, vào lúc cao điểm lên tới 130.000 quân và sau đó giảm dần, đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia Nam Trung Á này.
Dù bị tham nhũng nhưng viện trợ nước ngoài cũng đã giúp duy trì hệ thống an sinh xã hội cơ bản ở Afghanistan. Khoảng 75% các khoản chi cho dịch vụ công là tiền viện trợ, trong đó chi cho an ninh quốc gia gồm quân đội và cảnh sát chiếm 28% GDP, trong khi mức chi trung bình cho khoản này ở các quốc gia thu nhập thấp khác chỉ chiếm khoảng 3% GDP.
Do đó, một trong những thách thức trước mắt lớn nhất là duy trì nền kinh tế yếu ớt khi hầu hết viện trợ nước ngoài đều đã bị cắt.
Tỉ lệ (%) thay đổi qua các năm từ 2001 - 2021 của những người đồng tình cho rằng việc can thiệp quân sự của Mỹ tại Afghanistan vào tháng 10-2001 là sai lầm - Dữ liệu: ĐỖ DƯƠNG - Nguồn: Gallup - Đồ họa: TUẤN ANH
Thách thức chính danh
Thách thức thứ hai là chính quyền mới không có nhiều tính chính danh sau cuộc lật đổ mang tính bạo lực chính quyền của tổng thống Ashraf Ghani vốn được bầu lên thông qua bầu cử tự do.
Do đó việc thành lập một chính quyền Hồi giáo nhằm mục đích có được tính chính danh từ các lãnh tụ tôn giáo cai trị đất nước sẽ gây nhiều xáo động trong dân chúng.
Những người Afghanistan, nhất là cư dân thành thị và phụ nữ, vốn đã quen với các quyền tự do rộng rãi của một chính phủ thế tục trong 20 năm qua, sẽ không hài lòng. Lịch sử vẫn còn quá mới trong tâm trí họ về thời gian cai trị của chính quyền Taliban từ năm 1996 - 2001 với chính sách Hồi giáo khắc nghiệt.
Thách thức thứ ba là vấn đề xung đột sắc tộc vốn kéo dài hàng thế kỷ ở đất nước đa sắc tộc và đa bộ lạc với nhóm sắc tộc Pashtun đông nhất nhưng chỉ chiếm 42% dân số. Đây cũng là sắc tộc của nhóm Taliban.
Cựu phó tổng thống Amrullah Saleh dưới thời tổng thống Ashraf Ghani và là giám đốc cơ quan an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Hamid Karzai (2001 - 2014) đã tuyên bố thành lập lực lượng kháng chiến để chống lại chính quyền mới.
Ông Saleh là người thuộc sắc tộc Tajik từng tham gia Lực lượng phương Bắc chống Taliban của tướng Ahmad Shah Massoud. Chị gái ông Amrulla Saleh đã bị quân Taliban tra tấn đến chết. Điều đáng nói, ông Saleh mới chỉ là một thành viên trong nhóm các sắc tộc Tajik, Uzbek và Hazara vốn có chiều dài lịch sử xung đột với sắc tộc Pashtun.
Ngoài ra, thách thức đến từ cộng đồng quốc tế trong việc công nhận chính quyền mới và nối lại viện trợ cho Afghanistan. Phản ứng của phương Tây với chính quyền mới của Taliban vẫn là câu hỏi lớn.
Mỹ và đồng minh sẽ hợp tác để hướng chính quyền mới thay đổi theo kỳ vọng, hay phương Tây sẽ áp dụng một chính sách nhất quán là không ủng hộ một chính quyền được lập nên không qua bầu cử và cô lập Taliban? Cuộc rút lui không lấy gì làm đẹp đẽ của Mỹ và đồng minh đã khiến Afghanistan trở thành vùng đất đáng quên với chính giới phương Tây.
Khi các nước phương Tây quay lưng cùng với nguồn viện trợ không còn, chính quyền mới của Afghanistan sẽ phải đối mặt với những vấn đề rất cũ của việc quản trị quốc gia: xung đột sắc tộc, lòng dân không yên, nền kinh tế yếu ớt, bộ máy chính quyền quân phiệt và tôn giáo, cũng như sự cô lập từ Mỹ và các quốc gia đồng minh.
Hỗn loạn tiếp diễn ở sân bay Kabul
Tổng thống Joe Biden tuyên bố quân đội Mỹ có thể tiếp tục ở lại Afghanistan sau hạn chót rút quân ngày 31-8 để bảo vệ quá trình sơ tán, trong khi tình hình ở sân bay Kabul vẫn rất hỗn loạn.
"Nếu vẫn còn công dân Mỹ ở Afghanistan, chúng tôi sẽ tiếp tục ở lại cho đến khi giải quyết xong", ông Biden nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Đài ABC News ngày 18-8. Nói về quyết định rút quân khỏi Afghanistan gây nhiều tranh cãi, tổng thống Mỹ cho rằng không có cách nào để Mỹ rút khỏi Afghanistan mà không gây hỗn loạn.
Tại Kabul, lực lượng Taliban đã yêu cầu các đám đông xung quanh sân bay giải tán. Sau khi Taliban chiếm thủ đô, nhiều người đã dồn về sân bay tìm đường tháo chạy. Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức NATO và Taliban xác nhận 12 người đã thiệt mạng ở sân bay Kabul kể từ ngày 15-8, một số trong đó chết do bị giẫm đạp hoặc bị bắn. Một số nhân chứng nói Taliban đã nổ súng để giải tán đám đông.
Ngày 19-8, Taliban được cho là đã nổ súng vào người biểu tình tại Asadabad, nơi khơi mào phong trào biểu tình phản đối Taliban ở phía đông Afghanistan. Vụ việc khiến một số người thiệt mạng.
TRẦN PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận