07/09/2022 08:13 GMT+7

Thách thức 'ngàn cân' với tân thủ tướng Anh

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Ngày 6-9, bà Liz Truss chính thức trở thành tân thủ tướng của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, niềm vui chiến thắng trước đối thủ Rishi Sunak sẽ phải nhanh chóng nhường chỗ cho thực tế khó khăn của những thách thức phía trước.

Thách thức ngàn cân với tân thủ tướng Anh - Ảnh 1.

Nguồn: BBC - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Bà Truss sẽ phải dẫn dắt nước Anh vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và một nền kinh tế đang ở bên bờ vực suy thoái.

Sức ép từ lạm phát

Theo Ngân hàng Trung ương Anh, trong tháng 7-2022, lạm phát ở Anh đã tăng trên 10% - lần đầu tiên sau hơn 40 năm. Dự tính lạm phát sẽ còn tăng lên 13% vào cuối năm nay do chi phí năng lượng, thực phẩm và giá nhiên liệu tăng cao thời gian qua. Ngân hàng trung ương cũng dự đoán nước Anh sẽ bước vào thời kỳ suy thoái trước khi kết thúc năm 2022.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng tại một trung tâm hội nghị ở London, bà Truss nhấn mạnh về niềm tin của Đảng Bảo thủ Anh vào các khái niệm như tự do, thuế suất thấp, chính phủ nhỏ và vai trò của trách nhiệm cá nhân "có tiếng vang với người dân Anh".

Bà Truss cam kết: "Trong chiến dịch lãnh đạo này, tôi đã vận động với tư cách một người Bảo thủ và tôi sẽ cầm quyền với tư cách một người Bảo thủ. Chúng tôi cần chứng tỏ rằng chúng tôi sẽ thực hiện (điều đó) trong hai năm tới".

Điều đó có nghĩa chính phủ của bà Truss có thể sẽ không khác nhiều với chính phủ của người tiền nhiệm Boris Johnson, với các ưu tiên tập trung nhiều hơn vào việc cắt giảm thuế và thu hẹp vai trò nhà nước.

Với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra ở Anh, bà tân thủ tướng đã hứa về một "kế hoạch táo bạo" để cắt giảm thuế mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và cam kết "đối phó" với các hóa đơn năng lượng tăng cao và đảm bảo cung cấp năng lượng dài hạn.

Tuy nhiên, lời hứa về việc cắt giảm thuế của bà Truss đang bị chỉ trích sẽ dẫn đến lạm phát thậm chí còn cao hơn và làm tăng lãi suất tín dụng trước nguy cơ suy thoái kinh tế.

Những người phản đối cho rằng việc giảm thuế sẽ mang lại lợi ích không công bằng cho những người có thu nhập cao, và không cũng hỗ trợ gì nhiều cho những người đang phụ thuộc vào lương hưu hoặc trợ cấp.

Tiếp tục chính sách đối ngoại

Dù sinh trưởng trong một gia đình mà bà Truss mô tả có khuynh hướng theo Công Đảng, nhưng bà được kỳ vọng sẽ hàn gắn sự chia rẽ gay gắt trong nội bộ Đảng Bảo thủ suốt nhiều năm qua vì vấn đề Brexit. Chưa kể những đấu đá nội bộ vốn dẫn đến việc các nghị sĩ Đảng Bảo thủ đồng loạt từ chức nhằm lật đổ ông Boris Johnson vào tháng 7-2022.

Với việc trở thành thủ tướng thứ tư từ Đảng Bảo thủ trong vòng hơn sáu năm qua ở Anh, bà Truss sẽ gặp khó khăn trong việc giúp đảng này duy trì quyền lực và giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024. Nếu thành công, bà Truss sẽ khiến người ta nhớ tới hình ảnh của "bà đầm thép" Margaret Thatcher.

Về chính sách đối ngoại, khó hy vọng chính sách của bà Truss khác với thời ông Boris Johnson, bởi bà từng là ngoại trưởng cho ông Johnson. Do đó, Anh được cho là sẽ tiếp tục tập trung vào các điểm chính như cứng rắn với Nga, Trung Quốc và duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ với Ukraine. Khi còn làm ngoại trưởng, bà Truss cho rằng nước Anh cần phải cứng rắn hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho chính phủ Tổng thống Zelensky, hối thúc Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.

Nước Anh sau Brexit dưới thời Thủ tướng Truss được coi là không êm ả với Liên minh châu Âu (EU) do thái độ cứng rắn của bà Truss đối với các thỏa thuận liên quan Brexit. Bà Truss được coi là "người cải đạo" khi từng phản đối Brexit vào năm 2016, nhưng sau đó lại là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ Brexit và cứng rắn trong các đàm phán với EU về hậu Brexit.

Tuy nhiên, EU cũng sẽ không nhẹ nhàng với bà Truss nếu các cam kết của nước Anh theo hiệp ước Brexit về Bắc Ireland được ký giữa cựu thủ tướng Boris Johnson và EU không được tôn trọng. Các chính sách trả đũa thương mại có thể được áp dụng.

Bà Liz Truss, một phụ nữ cứng rắn và mạnh mẽ, đang có cơ hội để chứng tỏ mình trước nhiều thách thức. Dư luận sẽ chờ xem liệu bà có phải là một Thatcher thứ hai của nước Anh hay không.

Tân thủ tướng Anh có cách tiếp cận mạnh mẽ với Trung Quốc

Quá khứ nóng hổi có thể nói nhiều về điều này. Chỉ trong vài tháng qua, bà Truss đã chỉ trích Trung Quốc về luật an ninh quốc gia áp dụng với Hong Kong. Trong tháng 8, bà đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để thảo luận về điều mà Chính phủ Anh cho là "sự leo thang hung hăng và trên diện rộng" ở đảo Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Trước đây, bà Truss cũng từng thúc đẩy sự hiện diện ngày càng tăng của vai trò "nước Anh toàn cầu" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi liên tục gửi tàu chiến tới khu vực này.

Nữ thủ tướng mới của Anh cam kết ủng hộ Ukraine, bắt tay Mỹ đối phó Nga Nữ thủ tướng mới của Anh cam kết ủng hộ Ukraine, bắt tay Mỹ đối phó Nga

TTO - Tân Thủ tướng Anh Liz Truss điện đàm với lãnh đạo Mỹ và Ukraine ngay trong ngày đầu tiên sau khi được phê chuẩn. Bà cũng nêu ra các ưu tiên mà chính phủ của bà sẽ giải quyết và công bố nội các mới.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp