01/02/2014 09:24 GMT+7

Thách thức chưa giàu đã già

GS TRẦN VĂN THỌ (Đại học Waseda, Nhật Bản)
GS TRẦN VĂN THỌ (Đại học Waseda, Nhật Bản)

TTXuân - Cho đến nay vấn đề rút ngắn khoảng cách phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu với các nước xung quanh đã được bàn đến nhiều. Nhưng một vấn đề khác ít được nhận diện, vì tiến hành âm thầm, chậm rãi, là sự thay đổi của cơ cấu dân số theo hướng lão hóa.

goZs325w.jpg
Chấn hưng giáo dục, khoa học, công nghệ là tiền đề để phát triển nhanh, bền vững trong dài hạn - Ảnh: Như Hùng

Vấn đề này diễn ra chậm chạp nhưng khắc nghiệt hơn vì khi đã thành hiện thực thì khó có thể đối phó được nữa. Trước giai đoạn lão hóa là thời đại dân số vàng. Giai đoạn này nếu không có chiến lược, chính sách phát triển nhanh để đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi thì chắc chắn sẽ trực diện với bi kịch chưa giàu đã già. Việt Nam đang đứng trước thách thức này.

Dân số vàng đến và đi như thế nào?

Thông thường sự thay đổi dân số của một nước có bốn giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, tốc độ sinh lớn và tốc độ tử cũng cao nên dân số hầu như không tăng hay tăng rất chậm. Vào giai đoạn 2, tốc độ tử giảm nhưng tốc độ sinh tiếp tục cao nên dân số tăng nhanh. Đặc tính của giai đoạn này là tỉ lệ dân số trẻ (dưới 15 tuổi) rất cao. Do kinh tế chưa phát triển, thu nhập đầu người rất thấp, các nước phải kế hoạch hóa gia đình để dân số không tăng nhanh mới có thể tích lũy để khởi động quá trình phát triển.

Sang giai đoạn 3, tốc độ sinh giảm và dân số tăng ít. Số người sinh trong giai đoạn 2 trước đó nay trở thành lực lượng lao động. Trong giai đoạn này tỉ lệ người trong độ tuổi lao động (15-65 tuổi) rất cao, trong khi tỉ lệ của số người sống phụ thuộc thấp vì tỉ lệ dân số trẻ (0-14 tuổi) thấp và tỉ lệ người già (trên 65 tuổi) cũng chưa cao. Đây là giai đoạn lý tưởng để kinh tế phát triển nên được gọi là quà tặng về dân số (demographic gift hoặc demographic bonus), hoặc có thể gọi đó là cơ cấu dân số vàng. Đến giai đoạn 4, dân số vàng qua đi, bắt đầu giai đoạn dân số ngày càng lão hóa (tỉ lệ người cao tuổi, trên 65, tăng cao). Lúc này tỉ lệ của số người trong độ tuổi lao động giảm dần và số người sống phụ thuộc (nhìn toàn cục) đông, gánh nặng phúc lợi xã hội đè trên vai người trong tuổi lao động.

Do sự thay đổi có tính quy luật của cơ cấu dân số như vậy, con đường phát triển đúng đắn nhất của một nước là từ giai đoạn 2 phải chuẩn bị các tiền đề để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 3, chẳng hạn phải nhanh chóng phổ cập giáo dục cơ bản, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hành lang pháp lý. Sang giai đoạn 3 cần có chính sách toàn dụng lao động, phát huy lợi thế so sánh là những ngành dùng nhiều lao động.

Giai đoạn này khá dài (ở Việt Nam khoảng 50 năm như sẽ thấy dưới đây) nên cần quan tâm đẩy mạnh giáo dục ở các bậc cao hơn để từng bước chuyển dịch cơ cấu lợi thế so sánh từ các ngành dùng nhiều lao động giản đơn sang các ngành mà hàm lượng lao động có kỹ năng cao. Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị các tiền đề để đón giai đoạn 4 một cách hiệu quả, chẳng hạn phải chuẩn bị chế độ phúc lợi cho người cao tuổi, chấn hưng nghiên cứu và phổ cập khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên cao hơn nữa, và như thế kinh tế mới tiếp tục phát triển khi tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm.

Việt Nam đang ở đâu?

Đầu tháng 11-2013, công dân thứ 90 triệu tại Việt Nam ra đời. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu trong nửa sau thập niên 2020, đạt đỉnh cao khoảng 105 triệu vào năm 2040 và giảm sau đó. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 13 trong những nước đông dân nhất thế giới. Trên thế giới hiếm có một nước như Việt Nam vừa đông dân lại vừa có sự thống nhất cao về văn hóa, ngôn ngữ. Nếu có thể chế, chiến lược, chính sách tốt, Việt Nam chắc chắn sẽ thành một nước lớn, giàu và mạnh.

Tỉ lệ của dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động bắt đầu tăng vào khoảng năm 1970 (độ 51%), đạt đỉnh cao (71%) khoảng năm 2020. Tỉ lệ của dân số sống phụ thuộc trên dân số lao động bắt đầu giảm cũng từ khoảng năm 1970 và đến điểm đáy trong khoảng năm 2020, từ khoảng năm 2020 thì tăng trở lại. Do đó có thể nói giai đoạn dân số vàng của Việt Nam là từ khoảng năm 1970 đến khoảng năm 2020 (độ 50 năm).

Nhìn sự thay đổi cơ cấu dân số như thế, nhất là thấy vị trí của giai đoạn dân số vàng trong tiến trình thay đổi đó, ta không thể không giật mình với sự tiếc nuối. Nhìn lại lịch sử Việt Nam trong giai đoạn dân số vàng (1970-2020), ta thấy Việt Nam đã mất phần lớn. Giai đoạn còn chiến tranh (1970-1975) và thời trước đổi mới (1975-1985) xem như ta đã mất hầu như tất cả trong ý nghĩa không tận dụng cơ cấu dân số vàng để phát triển.

Mười năm đầu đổi mới (1986-1995), ngoài việc phục hồi sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng các tiền đề về thể chế kinh tế thị trường, về hội nhập với thế giới. Khoảng 10 năm tiếp theo (1995-2005), kinh tế tương đối phát triển nhưng chưa mạnh mẽ (trung bình mỗi năm cũng chỉ 7-8%, so với 9-10% của nhiều nước châu Á trong giai đoạn dân số vàng) và chất lượng phát triển (về môi trường, phân phối thu nhập...) cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Còn giai đoạn hiện nay (2006-2013), tốc độ phát triển giảm (còn trên dưới 5,5%), kém hiệu suất và kinh tế vĩ mô bất ổn. Việt Nam đang loay hoay đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế nhưng các nỗ lực này đang tiến triển rất chậm.

Khảo sát ở trên cho thấy Việt Nam chỉ còn độ bảy năm nữa là chấm dứt giai đoạn dân số vàng. Dự báo về dân số có thể chưa chính xác nhưng khuynh hướng nói trên có tính quy luật và sự sai biệt các năm không lớn. Tính toán của Oizumi như trong Biểu 1 cho thấy một biên độ thời gian năm năm đánh dấu các giai đoạn thay đổi của cơ cấu dân số. Nhưng so với trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay và so với thời gian đã mất thì dù giai đoạn dân số vàng của Việt Nam chấm dứt trễ hơn thời điểm khảo sát ở Biểu 1 (2020), chẳng hạn năm 2025 hay xa hơn, thì vấn đề cấp bách của Việt Nam cũng không thay đổi. Việt Nam chỉ còn 10 hoặc nhiều lắm là 15 năm trước khi giai đoạn cơ cấu dân số vàng chấm dứt.

Biểu 1 cho thấy thời điểm bắt đầu và chấm dứt giai đoạn dân số vàng giữa các nước châu Á không cách biệt nhiều. Chẳng hạn giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan chỉ cách nhau độ 10 năm. Nhưng trình độ phát triển thì cách xa nhiều. Đây là một thách thức, một vấn nạn của nước đi sau mà phát triển chậm.

Biểu 1: Giai đoạn dân số vàng tại các nước châu Á

<?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Bắt đầu

Kết thúc

Nhật Bản

1930-1935

1990-1995

Hàn Quốc

1965-1970

2010-2015

Trung Quốc

1965-1970

2010-2015

Thái Lan

1965-1970

2010-2015

Việt Nam

1970-1975

2020-2025

Nguồn: K. Oizumi, Oiteiru Ajia (Á châu lão hóa), Chukoshinsho, 2007

Biểu 2: GDP đầu người vào năm chấm dứt giai đoạn dân số vàng

Năm chấm dứt

GDP đầu người

GDP đầu người 2012

Nhật (1990)

31.175

36.938

Hàn Quốc (2010)

20.625

21.562 (22.548)

Trung Quốc (2015)

3.875,7

3.348 (6.082)

Thái Lan (2015)

3.878

3.350 (5.381)

Việt Nam (2020)

-

931 (1.592)

Kịch bản tốt

1.600

-

Kịch bản xấu

1.091

-

Kịch bản trung bình

1.274

-

(Giá gốc 2005, năm 2012 số trong ngoặc là giá thực tế)

* Ghi chú: Trung Quốc năm 2015: Tính theo tiền đề tăng trưởng bình quân 5% từ năm 2012; Thái Lan năm 2015: Tính theo tiền đề tăng trưởng bình quân 4% từ năm 2012; Việt Nam năm 2020: Kịch bản tốt 7%, xấu 2%, trung bình 4%.

* Tư liệu: Trước năm 2012 là thống kê của World Bank, sau đó là tính toán của tác giả.

Biểu 2 cho thấy khi giai đoạn dân số vàng chấm dứt, thu nhập đầu người (tính theo giá cố định năm 2005) của Nhật là 30.000 USD, Hàn Quốc là 20.000 USD, còn Thái Lan và Trung Quốc chỉ có độ 4.000 USD. Nhật và Hàn Quốc phát triển nhanh trong giai đoạn dân số vàng nên khi bước vào giai đoạn dân số lão hóa họ đã giàu. Trung Quốc và Thái Lan mới trung lưu thì đã sắp già. Họ phải cố gắng vượt bậc trong giai đoạn sau mới giải quyết được các vấn đề trong một xã hội lão hóa. Còn Việt Nam? GDP đầu người năm 2012 mới độ 1.600 USD (nếu tính theo giá cố định năm 2005 thì độ 930 USD). Từ mức cơ bản rất thấp này, khi hết giai đoạn dân số vàng, thu nhập đầu người sẽ là bao nhiêu? Nếu chọn năm 2020 làm mốc đánh dấu chấm dứt giai đoạn dân số vàng và thử đưa ra các kịch bản phát triển (Biểu 2) ta thấy dù trong kịch bản tốt (từ nay đến năm 2020 thu nhập đầu người phát triển trung bình mỗi năm 7%, tức kinh tế phát triển độ 8%), GDP đầu người theo giá 2005 vào năm 2020 chỉ có 1.600 USD. Nếu dời mốc đến năm 2025 chẳng hạn, con số đó cũng chỉ tăng lên được độ 2.000 USD, bằng 1/2 mức tương đương của Trung Quốc và Thái Lan.

Nguy cơ

Phân tích ở trên cho thấy Việt Nam đang đứng trước một thách thức vô cùng to lớn, đó là nguy cơ chưa giàu đã già. Để đối phó với thực trạng này đòi hỏi nỗ lực phi thường của những người có trách nhiệm hiện nay. Thời gian không còn bao nhiêu nữa. Con đường duy nhất để làm giảm nguy cơ “chưa giàu đã già” là phải khẩn trương cải cách toàn diện thể chế để động viên các nguồn lực (như tư bản, đất đai, lao động) và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhờ đó sớm bước vào giai đoạn phát triển cao, bền vững. Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc các lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng nhìn chung là đúng hướng nhưng vấn đề là phải được nhanh chóng thực hiện và thực hiện một cách triệt để.

Ngoài ra, còn ba vấn đề nữa. Thứ nhất là vấn đề sở hữu đất đai và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phải có phân tích và kết luận về vấn đề liên quan giữa sở hữu và sử dụng hiệu quả ruộng đất, từ đó đưa ra cải cách phục vụ nhu cầu phát triển nhanh, bền vững. Thứ hai, không chống được tham nhũng thì cũng không động viên được các nguồn lực và sử dụng các nguồn lực một cách hiệu suất. Thứ ba, chấn hưng giáo dục, khoa học, công nghệ là tiền đề để phát triển nhanh, bền vững trong dài hạn.

Những yêu cầu cải cách này hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nhưng sự thay đổi dân số cho thấy không còn thời gian để chờ đợi nữa.

GS TRẦN VĂN THỌ (Đại học Waseda, Nhật Bản)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp