Ông Rishi Sunak (phải) diện kiến Vua Charles III tại Điện Buckingham ngày 25-10 - Ảnh: Reuters
Cựu bộ trưởng tài chính Sunak sẽ là vị thủ tướng thứ ba của Anh chỉ trong bảy tuần qua. Đây cũng là vị lãnh đạo thứ tư của Đảng Bảo thủ cầm quyền kể từ khi Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - sự kiện Brexit.
Nhiều thách thức chờ đón
Truyền thông đã chào đón ông Sunak với hàng loạt bài viết về sự trẻ trung, tài năng, giàu có và học vấn ấn tượng của tân thủ tướng. Sự có mặt của ông tại số 10 phố Downing kèm theo một bản lý lịch nhiều sắc màu được xem là làn gió mới cho chính trường đầy biến động của Vương quốc Anh.
Nhưng trong bối cảnh người tiền nhiệm Liz Truss phải sớm rời văn phòng vì không cho thấy khả năng giải quyết bài toán kinh tế, có thể nói "tuần trăng mật" của ông Sunak chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Bản thân ông trong phát biểu đầu tiên trước Quốc hội hôm 24-10 sau khi biết mình sắp thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ, đã lập tức thừa nhận: "Chúng ta đang đối mặt với một thách thức kinh tế sâu sắc".
Thật trớ trêu khi ông Sunak, vị thủ tướng gốc Ấn đầu tiên trong lịch sử Anh, sẽ lãnh đạo một nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới nhưng vừa bị chính Ấn Độ vượt mặt. Vương quốc Anh đang hứng chịu rất nhiều áp lực kinh tế cùng lúc, từ khó khăn khi rời khỏi EU, tác động của đại dịch COVID-19, cho tới áp lực lạm phát và giá năng lượng tăng cao.
Khi còn là bộ trưởng tài chính từ tháng 2-2020 tới tháng 7-2022, ông Sunak đã "bơm" rất nhiều tiền nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Nhưng theo thời gian, giờ đây các chính sách cũ đã góp phần khiến lạm phát hiện ở mức trên dưới 10% - cao nhất trong 40 năm qua.
Như nhiều nơi khác, kinh tế Anh đang ì ạch và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Một vòng xoáy khủng hoảng được tạo ra khi Ngân hàng Anh giờ không thể mua nợ chính phủ, đồng thời phải tăng lãi suất để giảm lạm phát.
Tờ New York Times cho rằng hiện ông Sunak phải gấp rút xử lý áp lực giá năng lượng cho các hộ gia đình trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, đồng thời ưu tiên khôi phục uy tín tài chính khi xếp hạng tín dụng của Anh bị đánh giá thấp.
Theo Telegraph, lạm phát và hóa đơn vay nợ ngày càng tăng đồng nghĩa với nhu cầu phải đánh thuế nhiều hơn và chi tiêu ít hơn, ngay cả khi Anh rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, chính sách kinh tế của Sunak - từng được gọi là Rishinomics, chắc chắn phải kéo theo "những lựa chọn kinh tế đau đớn" bất kể ông tự nhận mình là một người chuộng thuế thấp bên Đảng Bảo thủ.
Dữ liệu: Nhật đăng - Đồ họa: T.ĐẠT
Chạy đua với thời gian
Thủ tướng Truss đã phải rời ghế sau khi kế hoạch giảm thuế bị phản đối. Điều này đặt ra một câu hỏi: liệu Đảng Bảo thủ và người dân Anh có thể tin tưởng vào ông Sunak, người từng... bị bà Truss đánh bại chỉ cách đó vài tuần?
Đa số giới quan sát chính trường Anh nhận định Đảng Bảo thủ dồn ủng hộ cho ông Sunak lúc này chủ yếu nhằm ổn định chính trị trước mắt, thay vì xem ông là một nhân vật có khả năng định hình tương lai cho nước Anh.
Nói cách khác, nhiều người chọn ông Sunak vì họ không muốn triển khai kế hoạch của bà Truss, không muốn chọn bà Penny Mordaunt, càng không muốn thấy cựu thủ tướng Boris Johnson quay lại.
Đối với Đảng Bảo thủ, ngoài những yếu tố phức tạp của chính sách kinh tế, về tổng quan ông Sunak cũng từng không được ủng hộ vì ông không có một chính sách "Brexit" thực sự thuyết phục.
Như vậy ông Sunak phải đảm đương nhiệm vụ kép, vừa phải ổn định chính trị, thương thuyết với EU, vừa phải chứng minh mình là người Đảng Bảo thủ có thể tin tưởng.
Hiện nay các cuộc thăm dò cho thấy Công Đảng đang dẫn trước Đảng Bảo thủ, trong khi trước đây ông Sunak từng bị nghi ngờ không phải là người có thể giúp phe Bảo thủ đảm bảo vị thế trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối năm 2024 đầu năm 2025.
Hôm 25-10, tờ Guardian đăng bài bình luận rằng ông Sunak sẽ đẩy nền kinh tế vào một viễn cảnh khó khăn, và đây là lúc Công Đảng có thể khai thác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận