Phóng to |
Phạm Minh Duyên cùng bố mẹ nấu ăn bên “nhà bếp” ven đường -Ảnh: Trần Huỳnh |
Khi những người con trở thành tân sinh viên cũng là lúc đôi vai gầy của mẹ, chiếc lưng còng của cha dường như oằn nặng hơn trên mỗi bước đường con đi…
1. Bảy năm trước, cha mẹ bạn Trần Ngọc Huy (xã Xuân Đông, Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đến TP.HCM mưu sinh sau những vụ mùa thất bát. Anh trai lớn phải nghỉ học làm công nhân phụ cha mẹ nuôi em, cuối cùng chỉ đủ nuôi thân. Chị gái học cấp III xa nhà gần 20km phải ở trọ. Huy 10 tuổi, lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ nơi quê nghèo. “Tôi chỉ lo mỗi lúc mưa, sấm sét làm nó sợ, không ngủ được…” - mẹ Huy tâm sự.
Ở TP.HCM, cha Huy làm phụ hồ, mẹ đi bán vé số, chắt chiu từng đồng gửi về quê cho chị em Huy ăn học. Mì gói luôn là thực đơn mỗi bữa của Huy. Thân hình ốm tong teo, vậy mà Huy “tóp”, cách gọi của bà con trong xóm, vẫn học giỏi đáng nể, vào lớp chuyên toán Trường chuyên Lương Thế Vinh (Biên Hòa, Đồng Nai). May mắn, cha mẹ Huy được vào làm công nhân một công ty võng xếp. Trong căn phòng trọ chật chội chưa đầy 10m2, cha mẹ Huy sau giờ ở xưởng còn nhận hàng về nhà cặm cụi làm đến gần nửa đêm. “Khi nào không thể ngồi được nữa mới ngả lưng để rồi hôm sau đi làm... Có lúc đau lưng và bụng quá, đi khám bác sĩ bảo phải nhập viện, nghĩ mãi lại thôi, chỉ xin toa thuốc về uống” - người mẹ lặng lẽ bảo.
Nhận giấy báo Huy đậu với số điểm khá cao vào ngành bác sĩ đa khoa ĐH Y dược TP.HCM (27,5 điểm) và ĐH Ngân hàng TP.HCM (26,5 điểm), ông Du, ba Huy, khuyên: “Học bác sĩ sau này về quê giúp bà con. Người nghèo bệnh khổ lắm, như nhà mình đây”.
Mấy hôm nay, trong căn phòng trọ chật chội cuối con hẻm gần kênh nước đen (Q.8) ấm cúng hẳn khi Huy đến ở chung cha mẹ để chuẩn bị nhập học. Hằng đêm Huy lại phụ cha mẹ ngồi bện những đầu dây võng để kiếm mỗi chiếc 150 đồng. “Ngồi thắt dây liên tục thế này cũng đau lưng lắm, nhưng nghĩ đến việc học của con, cơn đau như dịu hẳn”, người cha gượng cười bảo thế. Còn Huy cúi đầu bảo: “Chỉ mong học xong để ba mẹ sớm về quê!”, rồi nói thêm: đang cố tìm một việc làm ngay khi nhập học để cha mẹ vơi bớt nhọc nhằn…
2. Chiều tối trời chuyển mưa. Một người mẹ, bà Lưu Thị Dung, vẫn vừa lúi húi dọn dẹp hàng nước vừa thổi bếp nấu cơm trong căn chòi ven đường. Cái chòi ọp ẹp như túp lều được dựng bằng hai cây tre với tấm bạt nilông rách tươm là “nhà bếp”, trời mưa phải xắn quần, lội nước nấu ăn. Nhiều hôm đang nấu gặp gió to, mưa hắt, bếp ướt sũng phải ăn cơm sống. Từ “nhà bếp” đó, người mẹ gầy gò ấy lặng lẽ cùng chồng nuôi hai con vào ĐH.
Chập choạng tối, người cha, một người đàn ông gầy nhom gần 50 tuổi, quần áo lấm lem đạp xe tới nhà trọ. Ông vừa đi làm phụ hồ ở Tân Vạn (Đồng Nai) về. Chưa kịp thay đồ, ông xắn tay phụ vợ nấu ăn… Ông Lưu cười ngượng nghịu: “Đi làm, tôi tranh thủ lượm củi về thổi cơm…”.
Rời quê từ miền Bắc vào, cắn răng chịu đựng kham khổ nhưng người cha, người mẹ ấy có được niềm hạnh phúc thật sự vì hai con trai đều học giỏi. Trong khi đó, sau giờ học người con trai biết phận nhà cũng làm thêm đủ “nghề”: bồi bàn, bán vé số và dạy kèm kiếm thêm tiền sách vở. Người anh đầu hiện đang học ĐH Đà Lạt. Người em Phạm Minh Duyên vừa đậu hai trường ĐH Bách khoa TP.HCM (24 điểm) và ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (26,5 điểm). Căn phòng trọ đường 16, ấp Vĩnh Thuận, P.Long Bình, Q.9 đêm đêm vẫn sáng đèn học bài của cậu học sinh giỏi hóa cấp TP. Cùng với những giấc mơ hằng đêm, lời dặn của cha mẹ vẫn bên Duyên: “Cha mẹ khổ, các con phải cố gắng…”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận