Cô trò Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong một tiết học tiếng Anh vui nhộn - Ảnh: NHƯ HÙNG
Câu trả lời là: nhà giáo cũng cần được hạnh phúc. Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến từ chính các nhà giáo.
Thất bại trong việc xây dựng hình ảnh người thầy
Thời gian gần đây, ngành giáo dục luôn phải đối diện với những tin tức "động trời" về bạo lực học đường từ phía giáo viên. Thế là người làm giáo dục lao đao, khốn khổ nhưng giới truyền thông, cộng đồng mạng tỏ ra phấn khích, hào hứng tha hồ giật tít câu view; hình ảnh người thầy bỗng chốc trở thành những "tên đao phủ", nhưng...
Nhìn lại, khi có bài viết về tấm gương nhà giáo hi sinh, hết lòng tận tụy với học sinh cũng chẳng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều người dửng dưng, ai đó có thiện chí bấm vào và lướt nhanh. Vì thế, những nội dung này cũng chẳng được "share" hoặc "xào nấu" thêm như các tin tiêu cực. Điều này có tác hại vô cùng lớn với xã hội, mà đặc biệt với lớp trẻ, với những học trò còn ngây thơ trong trắng.
Khi lòng yêu thương, sự tôn trọng không còn, người thầy làm sao có thể rao giảng đạo đức? Làm sao có thể hướng thiện cho học sinh của mình? Và lúc đó mọi sự dạy dỗ đều trở nên vô nghĩa.
Giáo viên có hàng triệu người, sao có thể tránh khỏi một số người làm điều xấu? Nhưng một người xấu được hàng trăm tờ báo quan tâm, hàng chục diễn đàn "bình loạn" sôi nổi, hỏi sao những hình ảnh xấu ấy không được nhân bản gấp nhiều lần?
Chuyện giáo viên làm điều xấu chắc chắn chẳng phải mình xứ ta mới có. Thế nhưng thế giới họ không hành xử để hình ảnh người thầy mất dần vị trí tôn kính trong lòng mọi người. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thất bại trong việc xây dựng hình ảnh người thầy chưa?
Để “lắng nghe và chia sẻ” được cùng với học sinh, nhà giáo cũng rất cần được “lắng nghe và chia sẻ”. Trong ảnh: cô trò Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trò chuyện cùng nhau trong giờ ra chơi - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ai bảo vệ giáo viên?
Ngược với hình ảnh giáo viên gây ra bạo lực, thời gian gần đây liên tục xuất hiện những hình ảnh bạo lực xảy ra trong trường học mà chính phụ huynh dùng vũ lực tấn công giáo viên. Người bị đâm gây thương tích, người bị tát vào mặt, người bị đập mũ bảo hiểm vào đầu đến nhập viện. Và gần đây nhất là phụ huynh nghi con bị cô giáo bạo hành đã xông thẳng vào trường tát 3 cô giáo và bắt cô quỳ ở cửa lớp.
Sự việc xảy ra không chỉ gây nên sự bất bình trong xã hội, gây hoang mang lo sợ cho giáo viên, mà nguy hại nhất là làm vấy đục những tâm hồn ngây thơ trong sáng của chính các em học sinh. Chưa bao giờ giáo viên lại sống trong tâm trạng bất an vì những hành xử thô bạo thiếu văn hóa của phụ huynh đến thế.
Việc này có nguyên nhân từ thực tế trong rất nhiều trường hợp, cứ khi giáo viên bị phụ huynh đưa đơn tố cáo thì ngành giáo dục thường trấn an dư luận bằng cách bắt giáo viên xin lỗi (cái người vừa đánh mình) và nặng hơn là kỷ luật giáo viên. Cứ có nhà giáo trong bất kỳ câu chuyện nào đó là sự việc được đẩy lên khá căng khi báo chí vào cuộc, khi các "anh hùng bàn phím" thi nhau phân tích, trong khi mấy ai biết thực tế thế nào.
Giáo viên cảm thấy bất an, hoang mang với cách hành xử của phụ huynh. Điều đau lòng và buồn tủi nhất là thầy cô luôn đơn độc ngay trong chính ngôi trường của mình. Trước thực trạng đáng buồn đó, nhiều thầy cô bảo vệ mình bằng cách truyền tai nhau "bí kíp mackeno" để dạy. Nhưng những giáo viên chân chính sẽ bị lương tâm cắn rứt. Nhiều giáo viên bị giằng xé giữa lương tâm và trách nhiệm.
Chúng tôi đề nghị ngành giáo dục phải lên tiếng để bảo vệ giáo viên của mình, để họ yên tâm giảng dạy. Đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp nghiêm khắc với những ai xúc phạm, hành hung các nhà giáo.
* Thầy TRƯƠNG MINH ĐỨC (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM):
Giáo viên vui vẻ khi đi dạy là chuyện rất quan trọng!
Tôi cho rằng một trường học hạnh phúc thì trong đó không chỉ có học sinh hạnh phúc, mà giáo viên cũng cảm thấy hạnh phúc. Những nhà giáo hạnh phúc, vui vẻ thì họ sẽ truyền tải tinh thần ấy cho học sinh và ngược lại.
Nhìn ra bên ngoài, tôi thấy nhiều đồng nghiệp của mình hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực. Họ đến trường không chỉ lo giảng dạy mà còn phải đối phó với ban giám hiệu nhà trường, đối phó với đồng nghiệp hay săm soi, bắt bẻ những sơ hở của họ; đối phó với phụ huynh, với những quy định khắt khe của ngành…
Vì vậy, để có trường học hạnh phúc, trước hết lãnh đạo nhà trường cần xây dựng văn hóa làm việc cởi mở, thân thiện, hòa đồng. Ở đó, giáo viên được ban giám hiệu nhà trường ủng hộ, hỗ trợ để sáng tạo trong giảng dạy. Ở đó có những giáo viên không giấu nghề mà sẵn sàng chia sẻ, góp ý những cái hay, cái mới cho đồng nghiệp của mình cùng tiến bộ.
Ở đó đảm bảo được mức thu nhập cho nhà giáo để ổn định cuộc sống mà không phải quay quắt với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Dĩ nhiên mức thu nhập này ở mức tương đối đầy đủ, chứ tôi không dám nói đến mức giàu sang vì tôi hiểu nếu mong muốn một cuộc sống xa hoa phú quý thì không nên theo nghề giáo.
* TS NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG:
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh đều được hạnh phúc
Trước hết, trong nhà trường, thầy cô giáo là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Thời đại 4.0 đem lại nhiều lợi ích cho giáo dục, nhưng điều đó không có nghĩa là robot và Internet có thể thay thế vai trò, vị trí của người thầy.
Có thể nói hiện nay đa số đội ngũ nhà giáo tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, sáng tạo và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Vì thế, xây dựng những tập thể nhà giáo, các cơ sở giáo dục đó đủ năng lực làm thay đổi kết quả giáo dục hành vi, nhân cách của học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, khắc phục những biểu hiện tiêu cực hiện nay trong đội ngũ nhà giáo là vấn đề bức bách, được xã hội hết sức quan tâm. (HOÀNG HƯƠNG ghi)
Chúng tôi cảm thấy mình đơn độc quá...
Cô giáo cũ của tôi vừa chúc sớm "đàn con" đeo đuổi nghề "gõ đầu trẻ" nhân ngày 20-11 rằng luôn bình tĩnh, mạnh mẽ và may mắn trên con đường trồng người đã chọn. Nghề giáo đã trở thành nghề nguy hiểm từ bao giờ?
Đâu phải người thầy nào cũng bạo hành trò mỗi ngày đến trường, sao nỡ xát muối vào lòng người bằng những câu từ phản cảm? Đâu phải người thầy nào cũng phạt trò vì ghét bỏ, bạo hành thể chất lẫn tinh thần người học, sao nỡ quy chụp cả một giáo giới cần "theo dõi", "giám sát" và "đuổi thẳng cổ những người không xứng đáng"?
Tôi, một cô giáo cấp II, lại lo vô cùng khi xoay xở ứng biến với lứa tuổi "ẩm ương". Việc dạy kiến thức không đến mức nhọc nhằn nhưng thú thật để làm tốt nhiệm vụ "dạy người", chúng tôi cảm thấy mình đơn độc quá...
Nếu không phải là nhà giáo, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng được cái cảm giác bất lực khi thấy trò làm sai, nói sai vẫn phải nhắm mắt làm ngơ, tự dằn lòng mình xuống, bởi chỉ "quá tay" chút xíu thôi sẽ biến mình thành "kẻ tội đồ" hứng trọn "đá" của dư luận.
Bao nhiêu lúc "mềm nắn rắn buông", "lạt mềm buột chặt"... chúng tôi phải kể công hết ra sao? Những người thầy quanh tôi cũng dâng trào nhiệt tâm dạy dỗ trò lắm chứ, nhưng rồi dần buông lơi việc dạy người khi đơn thư tố cáo lẫn lời đe dọa, hành động đến trường dằn mặt của phụ huynh diễn ra ngay trước mắt.
Ai sẽ chịu thiệt trong cuộc chiến "săm soi", "dè chừng", "nghi kỵ" lẫn nhau giữa giáo viên và phụ huynh? Học sinh sẽ ngoan hơn và ý thức hơn trong hành động, lời nói của mình ư? Tôi nghĩ hoàn toàn ngược lại. Các con đang dần có thái độ bất hợp tác với thầy cô bởi các con được bố mẹ chống lưng, o bế. Xin đừng khiến người thầy "mất lửa" trên hành trình gieo tri thức, uốn tâm hồn... (THANH NGUYỄN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận