Những tâm tình bạn đọc đã vẽ lên bức tranh Tết đa sắc màu của diễn đàn Hương vị mùa xuân
Tết Nhâm Dần, vẫn còn dịch bệnh nhưng đã bớt nhiều giãn cách và âu lo. 2 năm COVID-19, cái Tết đến dường như chậm hơn, lặng lẽ hơn.
Kinh tế khó khăn, bao mất mát đã xảy ra, nỗi mệt mỏi còn thường trực. Nhưng phải chăng vì thế mà nỗi lòng mỗi con người trước Tết càng da diết hơn?
"Tết nhộn nhịp, Tết bán mua. Người mua kẻ bán dễ tính hơn ngày thường. Hẻm trông thế mà chợ chiều tấp nập. Chợ hàng và chợ người. Chợ kia làm không công. Thợ sửa xe cũng dọn ra mà không lấy tiền. Cậu thợ có hình xăm hình hổ trên tay.
Cũng là xăm thôi, sở thích của một người làm công việc có tính nghệ thuật, nó cũng bình thường như bao người khác thôi. Quan trọng là tấm lòng của cậu khi cắt tóc miễn phí cho mấy ông cụ trước khi Tết đến.
Con người đến khi bước sang năm mới dường như không còn nhìn nhau với đôi mắt hờ hững, với sự bàng quan và vô tình trong đánh giá. Thì thế thôi, cả anh nấu cơm chay với đầy dầu mỡ trên tay cũng cười tươi roi rói". Đó là suy tư của bạn Đ.T.T. trong bài viết "Tết ở một con hẻm bên kênh Nhiêu Lộc".
Bạn An Nguyên trong "Món khổ qua hầm thịt kiêu hãnh của má" thì len lén cười sau những câu chữ: "Nhớ hồi lũ con má còn nhỏ. Tết, nhìn nồi khổ qua đứa nào cũng sợ lè lưỡi. Đến bữa len lén moi cục nhân thịt, chừa đám trái rỗng ruột, lềnh bềnh trong nồi nước. Giờ đám con má đã "sành ăn", Tết chưa cạn mùng chứ nồi khổ qua hầm bự chảng của má sạch sành sanh.
Giữa tứ bề nem, chả trên mâm cúng chiều ba mươi, món khổ qua hầm của má lúc nào cũng "kiêu hãnh". Khách thưởng thức ai cũng tấm tắc. Má cười, khoe: "Khổ qua tui trồng, bao sạch, bao ngon, bao sang năm hết khổ!"".
Ký ức về Tết miên man mà ngập tràn hạnh phúc như bạn Huỳnh Văn Nguyệt kể trong "Tết ngày xưa, ngôi nhà nào cũng thành "lâu đài nho nhỏ": "Mỗi lần Tết chạm đến nhà, tôi nhớ miên man nào mùi áo mới, mùi hoa vạn thọ, hoa huệ, hoa cúc chưng trên bàn thờ, nhớ da diết nồi bánh tét trên bếp lửa hồng nổ lách tách, nhớ từng hũ tương, vịm dưa cải, dưa kiệu, bánh mứt do chính tay mẹ mình làm.
Nhớ nhất là cái chái bếp lúc nào cũng đỏ lửa, phảng phất mùi khói, mùi thịt kho và vang dậy tiếng cười, tiếng nói của ngoại tôi, mẹ tôi và các dì đang chuẩn bị cho mâm cơm đoàn tụ cuối năm...".
Và: "Tôi vẫn nhớ cái khoảnh khắc mẹ khoác gáo nước sóng sáng vàng lên người, mùi thơm thoang thoảng cùng khói hơi nghi ngút, bàn tay gầy gò của mẹ cạ vào da thịt tôi được sạch sẽ hơn bao giờ hết. Trong người cảm giác rất sảng khoái, như được gột sạch hết mọi thứ..." là cảm giác dịu dàng khó tả mà bạn Đào Thanh Tùng kể trong bài "Nhớ nồi nước tắm chiều tất niên của mẹ".
Hay rộn ràng như bạn Huy Gia Phương viết trong "Thanh âm của Tết: Tôi nghe rõ tiếng bước chân uy vũ của ông Lân...": "Rất nhiều năm tôi làm việc xuyên Tết. Dọc đường mưu sinh, một đám múa lân dù lớn hay nhỏ cũng có thể níu chân tôi một lúc.
Dừng lại, không chen chân giành chỗ nữa, không chú tâm nhìn đôi tay điêu luyện của người đánh trống, không hồi hộp theo dõi ông Lân leo lên cột cao ơi là cao để "ăn" bó cải có thắt bao lì xì... Tôi dừng lại đó chỉ để nghe được âm thanh của Tết".
Níu kéo mãi thì xuân cũng phải qua và Tết cũng phải đi. Tâm tình của bạn đọc vẫn còn mênh mang như những email gửi vội nửa đêm khi thời khắc diễn đàn Hương vị mùa xuân đã thông báo kết thúc. Cảm ơn lắm những tình thương mến Tết, để cùng hẹn trở lại tiết xuân này, năm sau.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận