Tết xưa - háo hức nhất, đợi chờ nhất, vui nhất là được khoe áo mới - Ảnh: T.S.
Là nỗi nhớ, niềm thương, là hoài niệm vẫn trở về ấm áp bên ta mỗi khi nàng xuân gõ cửa.
Tết xưa, bao cái Tết xưa đến với gia đình tôi bắt đầu bằng việc cắt tỉa hàng chè dọc lối ngõ và "làm mới" từ trong nhà ra đến ngõ. Cái lối ngõ với hai hàng cây chè luôn được cha tôi cắt tỉa cẩn thận, công phu, đặc biệt dịp sắp Tết, với tôi, nó thật đẹp.
Lúc cha tôi tỉa cây, mấy chị em tôi cứ ngó nghiêng, ngắm nghía cho đến khi "công trình" hoàn thành. Đôi mắt của thầy giáo dạy toán đưa hai hàng cây ngay ngắn, vuông góc, uốn lượn. Nơi đây, chị em tôi với lũ trẻ hàng xóm chơi suốt tuổi ấu thơ. Nơi đây, khi hai chị tôi lớn lên, bao nhiêu chàng trai ngấp nghé.
Công việc "làm mới" nhà là vui nhất. Ngôi nhà bằng gỗ xinh xắn, cái sân gạch chở nắng mưa quanh năm, chờ Tết về mới thay màu áo mới. Chúng tôi cọ rửa từng viên gạch, thích thú khi trả về cho nó màu hồng tươi mới. Em tôi nhìn cha "con tháo ngói lau cho nó mới cha nhé".
Cha tôi lắc đầu quầy quậy: không được đâu, và cười khi nhìn cặp mắt lém lỉnh của em tôi. Một cái Tết nữa lại đến, bạn tôi gọi: Lau nhà luôn không, chỉ một triệu thôi, họ làm nhanh và chuyên nghiệp lắm. Chao ôi, cần bao nhiêu để ngược thời gian về được với Tết xưa.
Tết xưa - háo hức nhất, đợi chờ nhất, vui nhất là được khoe áo mới. Tấm áo, manh quần cho con trẻ ngày Tết là dành dụm, chắt chiu, là lo âu suốt những tháng ngày dài. Tôi nhớ, mùa đông năm nào, mẹ tôi mua cho hai chị hai cái áo bông hoa.
Một chiếc màu xanh, một chiếc màu vàng. Không dám thắc mắc, nhưng cứ nghĩ tại sao không có chiếc thứ 3, và mong hoài cho hai chị lớn nhanh để đến lượt mình được mặc luôn cả hai chiếc áo.
Những năm tháng đó, dì tôi đi học ở xa, thương chị đông con, thỉnh thoảng vẫn gửi về cho tấm vải. Thường là vải hoa, may áo, lũ bạn cứ trầm trồ. Vậy mà có năm không có vải may áo mới, mẹ tôi phải tháo tấm riđô - cũng là dì gửi cho - để chị em tôi có trọn vẹn niềm vui ngày Tết.
Tết xưa. Mâm cỗ ngày Tết cũng đạm bạc. Thịt, anh rể tôi hóm hỉnh: là thứ chỉ xuất hiện trong ngày Tết, ngày giỗ. Giò thì bột gạo là chủ yếu. Bắp cải, su hào, nhà nào cũng mua ít cái để dành, treo lủng lẳng trong bếp.
Món mà mẹ tôi thích nhất là riềng nấu với thịt, xương lợn, mà chỉ thấy toàn riềng. Ngày nào mẹ cũng hâm lại nồi riềng, được bổ sung bằng những thứ còn dư lại sau mâm cỗ, tôi thì ngạc nhiên khi mẹ, bà nội cứ khen riềng là ngon nhất.
Khi làm mẹ, tôi mới hiểu. Thương mẹ, thương cái đói nghèo đeo đẳng bao đời nơi ngõ nhỏ, thương cái đức hi sinh ngàn đời của những người mẹ Việt Nam.
Tết xưa. Háo hức đến thầy cô. Quà chỉ là be rượu, quả cam, hay gói bánh. Cũng không ít đứa, đường xa, bụng đói, quà ít nhiều có vơi đi, để rồi khi lớn lên, kể lại, cười mà rưng rưng nhớ. Đến nhà thầy cô, ngượng ngùng từ chối, nhưng rồi bao nhiêu kẹo bánh cũng trở thành ít ỏi.
Tôi nhớ Tết năm nào của thời cấp 1, cùng mấy đứa bạn đi bộ lên nhà cô Nhung, đường lên nhà cô, qua một con sông, hai cánh đồng. Trưa, cô bảo ở lại, cứ đùn đẩy chối từ. Về qua một cánh đồng, lại kêu đói bụng, rồi bàn nhau quay lại.
Tết xưa, nơi đông vui, tấp nập nhất là sân hợp tác xã. Làng tôi, cái sân rộng mênh mông, lát gạch đỏ, là nơi tụ tập với bao nhiêu trò chơi. Nhớ nhất, nhiều nhất là đánh giành, đánh đáo. Những đồng xu may mắn được lũ con gái để dành từ năm này qua năm khác.
Còn con trai thì quý nhất có lẽ là cái trì, dùng để đánh đáo. Đứa nào có cái trì bằng đồng, vàng óng, sắc lẹm, là niềm hãnh diện được giữ gìn theo tháng năm tuổi thơ. Chẳng biết có đứa bạn nào còn giữ được đến bây giờ.
Cũng có vài năm, làng có làm đu. Tôi chưa kịp lớn để dám lên cây đu thì nó đã không còn. Tết xưa, ở ngoài ngõ, là sân kho hợp tác, là rong ruổi cùng bè bạn.
Mười năm trước, cha tôi đi xa, nhẹ nhàng, đột ngột. Thầy giáo dạy toán yêu thơ, thích làm thơ, lúc bị bệnh, nhớ nhớ quên quên, nhưng Truyện Kiều, những vần thơ vẫn nhớ. Cái Tết đầu tiên thiếu vắng người, Tết về như thiếu hương sắc. Đã mười cái Tết, chúng tôi vẫn đi về làng Dao, thăm quê, thăm cha, trở về miền ký ức.
Thuận Lộc - Thuận Lội của ngày xưa, nông thôn mới đã làm đổi thay từng con đường, lối ngõ. Một cái Tết, một mùa xuân nữa đã về gõ cửa, bồi hồi, nôn nao nhớ lắm - Tết xưa.
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: [email protected]
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.
Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận