Phóng to |
Anh Lê Viết Xuân (bìa phải) chia tay hai thuyền viên khi họ chuẩn bị ra khơi chuyến biển cuối năm - Ảnh: Hồ Văn |
Không khí xuân đã đến với cộng đồng người Việt ở đây, đong đầy nỗi nhớ trên nét mặt những người con xa xứ.
Đón tết qua mạng cộng đồng
Nhóm lao động chúng tôi gặp đầu tiên tại cảng Busan là những thuyền viên Quảng Bình, họ mới từ biển vào cảng Busan sau những ngày làm việc mệt mỏi. Chưa kịp hỏi han nhau, anh Lê Viết Xuân (làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã vội trách: “Nếu biết nhà báo qua Hàn Quốc thì nhờ mua ít bánh chưng, mứt gừng để anh em có chút hương vị tết quê nhà cho đỡ nhớ”.
Nói rồi anh đưa chúng tôi về khu nhà trọ của anh, nơi đây cũng có mấy thuyền viên vừa đi biển về và một số thuyền viên chuẩn bị ra khơi chuyến cuối cùng trước khi nghỉ tết. Thuyền viên Hoàng Duy Lệ vội vã điện thoại về VN nhắc vợ: “Anh chuẩn bị đi biển, ở nhà em cố gắng mua điện thoại có phần mềm chat qua mạng (Viber) để tết này anh được nhìn thấy em và con nghe”. Nói xong anh chia tay chúng tôi để ra khơi. Theo anh Xuân, Lệ và nhiều thuyền viên mới qua được hơn một tháng, chưa quen lắm cuộc sống xa nhà nên nhớ quê lắm, nhất là những ngày cận tết...
Đã từ lâu khu nhà trọ của anh Xuân trở thành điểm tập kết của đồng hương Quảng Bình, nhất là cộng đồng làng Lý Hòa trong những ngày tết đến. “Ở đây vui nhất là đêm giao thừa, anh em kiếm được vài đặc sản VN mua từ các quán Việt tại Busan, có thêm quà bánh được gia đình gửi sang đón tết. Cũng bàn thờ, cũng hương khói để nhớ về tổ tiên. Giao thừa có lẽ là đêm vui nhất và cũng buồn nhất của những người xa xứ. Vui vì được gặp mặt người quen, đồng hương, buồn vì nhớ đến đêm giao thừa quê nhà”- anh Trần Xuân Tứ kể thêm.
Theo lời kể của anh Xuân, tết năm nào cũng vậy, sau cuộc nhậu mừng giao thừa là tất cả tụ tập vào chiếc máy tính xách tay mượn của chủ tàu để lên mạng cộng đồng Lý Hòa (www.lyhoa.vn) đón tết quê qua mạng. Trên mạng, gia đình, bạn bè ở quê thường chụp hình, quay phim lễ đón giao thừa rồi đưa lên cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc xem như thể đang được đón tết quê. Vui nhất là sáng mồng 2 tết, giải đua thuyền truyền thống của làng, giải đá bóng của làng... đều được anh em ở quê quay phim rồi đưa ngay lên mạng để người xa quê được xem. “Dù đón tết qua mạng nhưng ai cũng thấy vui, đầm ấm khi không khí xuân ở quê nhà cũng có mặt ở đây” - anh Xuân tâm sự. Ngoài đón tết qua mạng cộng đồng, những người con xa xứ còn thấy ấm cúng hơn khi được người nhà chia sẻ không khí xuân qua những cuộc điện thoại thường xuyên hay qua phần mềm Viber (điện thoại có hình ảnh).
Quán VN, cờ VN
Chúng tôi theo chân nhóm thuyền viên Quảng Bình đến một quán VN ở Busan với tấm biển in đậm cờ Tổ quốc có tên Hương Việt của cô dâu Việt Nguyễn Thị Hạnh (quê Hải Dương). Tại đây chủ quán đang nhận những thùng hàng VN mới được các đại lý gửi qua theo đường hàng không. Chị Nguyễn Thị Hạnh cho hay đấy là những đặc sản ở VN chị đặt hàng để phục vụ cộng đồng người Việt đón tết tại Hàn Quốc.
Tại quán đang có hàng chục lao động VN tụ tập ăn uống, nghỉ ngơi sau những chuyến đi biển, những ngày làm việc vất vả trong công xưởng. Theo chị Hạnh, những ngày cận tết, nhất là trong đêm giao thừa, quán Hương Việt luôn là điểm đến đón tết của cộng đồng người Việt tại Busan và các khu vực khác. Lao động thuyền viên có, lao động công xưởng có, kể cả cô dâu Việt và lao động bất hợp pháp cũng tìm đến đây đón tết. “Vào đêm giao thừa, cộng đồng người Việt bất kể là miền Trung, miền Bắc hay miền Nam đều hòa vào nhau như anh em ruột thịt. Những lời chúc tết, hỏi thăm động viên nhau râm ran cả đêm như pháo giao thừa”- chị Hạnh kể lại những lần đón tết trước đây.
Cũng theo chị Hạnh, sau những khoảnh khắc giao thừa vang đầy tiếng cười là sự tĩnh lặng ngậm ngùi. “Khi đó mỗi người chọn cho mình một góc quán rồi điện thoại về nhà thăm con, hỏi vợ, chia sẻ cùng gia đình. Đâu đó những tiếng nấc nghẹn ngào của những cô dâu Việt, những lao động nữ hay tiếng thở dài đượm buồn của cánh đàn ông, chị Hạnh nói và cho biết thêm chính chị trong thời khắc đó cũng ngấn lệ dù bên mình có hai đứa con và chồng.
Nhiều lao động như anh Xuân, anh Tứ... hay cả cộng đồng người Việt ở Busan đều ít nhất một lần đến quán Hương Việt trong ba ngày Tết Nguyên đán. Theo các lao động VN, không chỉ ngày tết mà những cuộc vui khác như tết Tây, sinh nhật... anh em đều đến Hương Việt để tìm hương vị quê qua các món ăn, để tìm thấy niềm tự hào hay hồn Việt qua hình ảnh lá cờ Tổ quốc mà chị Hạnh cho in trước cửa quán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận