11/02/2018 16:53 GMT+7

Tết vùng cao: Phiên chợ San Thàng

NGUYỄN TRIỀU - QUANG THẾ
NGUYỄN TRIỀU - QUANG THẾ

TTO - Chúng tôi đến San Thàng vào trưa ngày thứ năm, chuyến viếng thăm không hẹn trước hóa ra lại rất thú vị vì được trải nghiệm không khí của chợ phiên, được rảo bước trong cảnh yên bình giữa "ma trận" hàng rào đá và sự hồn hậu của người dân bản.

Tết vùng cao: Phiên chợ San Thàng - Ảnh 1.

Vừa bán hàng vừa khâu váy mặc tết tại chợ phiên San Thàng - Ảnh: QUANG THẾ

Là một bản nhỏ nằm ven ngoại ô TP Lai Châu (Lai Châu), bản San Thàng của người Giáy từ lâu đã thu hút khá nhiều du khách khắp nơi tìm tới. 

Phiên chợ San Thàng ngày cận tết sôi động bởi có đông người mua kẻ bán.

Chợ phiên ngày giáp tết

Chợ phiên San Thàng diễn ra hai buổi trong tuần, thứ năm và chủ nhật. Chợ chủ yếu bán các sản vật do chính người dân bản địa nơi đây làm ra. Rau, củ quả được lấy từ rừng cũng được bày bán như: rau má, hoa chuối, rau dại...

Phiên chợ được tổ chức từ lúc trời còn chưa sáng rõ mặt người đến đầu giờ chiều mới tan. Người đến mua bán ở chợ chủ yếu là người Giáy, người Mông. Ngoài những sản vật như mía, đậu tương, khoai, ngô thì nhiều gian hàng còn bày bán cả quần áo thổ cẩm tạo nên không gian sặc sỡ ngày tết.

Bà Giàng Thị Già (50 tuổi, xã San Thàng) mang ít hoa chuối và mấy bó rau cải đi ra chợ. Bà bảo bán từ sáng tới trưa chỉ được hơn 20.000 đồng. 

"Chợ phiên ngày thường có thể vắng chứ những ngày giáp tết đông lắm. Người Mông, người Giáy ăn tết dài ngày nên đi chợ chủ yếu là mua thêm thứ gì cần cho ngày tết, ngoài ra còn bán thứ mình làm ra được" - bà Già chia sẻ.

Đứng cách bà Già không xa là bà Giàng Thị Mỹ (68 tuổi) cũng đang bán hương ngày tết. Một bó 30 cây hương nhưng bà chỉ bán 7.000 đồng rẻ bèo. Hương bà Mỹ bán ở chợ là hương tự nhiên do chính vợ chồng bà làm, nguyên liệu lấy trên rừng già.

Bà Mỹ bảo ngày tết bán đắt hàng hơn ngày thường, tuy nhiên bao năm rồi giá hương vẫn không tăng. 

"Mình bán rẻ cho họ thì họ có cái gì mới bán rẻ cho mình. Mình bán đắt chỉ được một lần thôi, sau này họ không mua nữa đâu" - bà Mỹ cười. 

Để xuống chợ bà Mỹ phải đi bộ từ nhà hơn ba giờ. Tan phiên chợ bà mua thêm cây mía, nhánh gừng, gạo về dùng.

Để đỡ mất thời gian, bà Vàng Thị Do (78 tuổi) cùng cô con gái là Thò Thị Nắng (30 tuổi) đứng thêu thêm vài miếng vải thổ cẩm. Hàng của mẹ con bà Do là rau má hái tự nhiên và râu ngô từ vụ trước... 

Chị Nắng cho biết: "Mình và mẹ khâu váy mặc tết cho cả gia đình. Bao năm nay nhà mình chỉ mua quần và áo ấm, còn váy vẫn tự khâu bằng thổ cẩm...".

Cứ đến phiên chợ bà Do và con gái phải xuống "núi" từ lúc 3h sáng. Trên đường đi bà mang theo đèn pin, nước lọc và bán đến tận 4h-5h chiều mới về đến nhà. Cả buổi sáng nhưng hai mẹ con bà Do cũng chỉ bán được vài túi râu ngô. 

Chị Nắng cho biết: "Râu ngô túi lớn bán 20.000 đồng, túi nhỏ 10.000 đồng nhưng ít khách hỏi. Hôm nay ít người mua phải cố bán thêm chút nữa. Mang về cũng không được vì đường xa...".

Tết vùng cao: Phiên chợ San Thàng - Ảnh 2.

Sắm quần áo mới mặc tết - Ảnh: QUANG THẾ

Tết vùng cao: Phiên chợ San Thàng - Ảnh 3.

Bán hương ngày tết - Ảnh: QUANG THẾ

Tết vùng cao: Phiên chợ San Thàng - Ảnh 4.

Mua sắm dao ngày tết - Ảnh: QUANG THẾ

Tết vùng cao: Phiên chợ San Thàng - Ảnh 5.

Một góc chợ phiên San Thàng chuyên bán mía - Ảnh: QUANG THẾ

Lễ cúng thần cây

Từ chợ phiên, khách chỉ cần rảo bước qua chiếc cầu, bên kia suối là bản San Thàng 1. Vừa qua khỏi cầu, chúng tôi đã ấn tượng ngay với những dãy hàng rào xếp bằng đá chạy dọc hai bên đường và quây quanh từng khu vườn như những ô bàn cờ.

Những hòn đá to nhỏ, dài ngắn, hình thù khác nhau được bàn tay con người khéo léo chồng xếp cạnh nhau tạo thành những bức tường thành, có chỗ cao ngang thắt lưng, có chỗ cao bằng vai nhìn thật thích mắt.

Gần giữa con đường chạy xuyên qua bản là nhà của anh Lù Văn Nguyễn. Hàng rào đá trước nhà anh được xếp rất đẹp, dày và điểm xuyết trên thành rào là những khóm hoa hồng lắc lư trong gió. 

Anh Nguyễn kể cả bản có 67 hộ thì tất cả đều là người Giáy và nhà nào cũng dựng hàng rào đá như thế. Riêng hàng rào đá nhà anh đã có từ nhiều thế hệ, qua thời gian được gia cố và sửa sang cho chắc chắn và đẹp hơn.

Để làm hàng rào bằng đá, người dân San Thàng phải khuân đá từ các bãi ven suối, có nơi cách hàng trăm mét. 

"Những hòn nhỏ thì mình tự ra suối chọn rồi mang về, nhiều hòn to quá, vài người mới khiêng nổi thì nhờ người giúp, khi nhà họ làm thì mình giúp lại" - anh Nguyễn nói.

Tết vùng cao: Phiên chợ San Thàng - Ảnh 6.

Thầy cúng bày đồ lễ để cúng thần cây - Ảnh: ĐỨC PHONG

Tết vùng cao: Phiên chợ San Thàng - Ảnh 7.

Lễ vật cúng xong, mọi người chia nhau ăn tại chỗ - Ảnh: ĐỨC PHONG

Đối diện nhà anh Nguyễn cũng có một dãy hàng rào đá bao quanh khu đất 1.000m2. Trong khu đất ấy không có nhà mà chỉ có cỏ và một cây rừng cao lớn, uy nghi.

Ông Mùng A Xó, một người dân trong bản, bảo đó là cây thần. Lúc nhỏ ông đã trông thấy và đến nay ông 60 tuổi cây cổ thụ vẫn sừng sững. Người dân San Thàng gọi đây là cây thiêng. 

Khuôn viên dành riêng cho cây thiêng là đất kiêng, ngày thường không ai được vào, trừ vài dịp cúng lễ trong năm.

Hằng năm khi ăn tết xong, đúng ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch người dân trong bản lại tề tựu về đây dâng lễ cúng thần cây, gọi là lễ hội Tú Tỉ. Lễ vật cúng gồm một con lợn trắng, hai con gà và các loại bánh, rượu do người dân tự làm.

Phụ nữ không được dự lễ cúng, chỉ có đàn ông (mặc đồ đen, không được mặc đồ trắng) vào bái lễ.

Lễ vật cúng xong chia cho mọi người ăn uống ngay tại chỗ. Người Giáy ở San Thàng tin rằng thần cây có quyền năng bảo vệ sức khỏe cho người dân trong bản và bảo vệ mùa màng khỏi sâu bọ, bệnh dịch nên ai cũng phải tôn kính, không được mạo phạm.

san thang 9 3(read-only)

Ông Mùa A Páo (xã Giang Ma, huyện Tam Đường, Lai Châu) bán dao, liềm - Ảnh: QUANG THẾ

Bán được hàng có tiền ăn tết

Chị Quảng Thị Hằng (bản Nà Cơ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, Lai Châu) bảo trồng mía phải chăm bón nhiều lắm nhưng đến lúc bán cũng chẳng được bao nhiêu, 20 cây cả một bó to nhưng bán chỉ 100.000 đồng.

Nhà chị còn 2.000 cây, sẽ cố bán hết trước tết để mua quần áo mới cho cả gia đình.

Ông Mùa A Páo (xã Giang Ma, huyện Tam Đường, cách chợ San Thàng 15km) cùng vợ đi chợ bán dao đi rừng, liềm cắt cỏ, gặt lúa. Ông Páo cho biết một ngày rèn được tám cái liềm, bốn con dao. Nếu bán hết trừ chi phí lời được 200.000 đồng.

"Ngày giáp tết nhiều người mua nên dễ bán hơn ngày thường. Hôm nay vợ chồng tôi bán cũng được tương đối, vậy là có thêm được chút tiền mua mắm muối cho ngày tết..." - ông Páo khoe.

Truyền thuyết chó thần và tục nhảy lửa Lễ hóa vàng của người Giáy ở vùng cao Tết vùng cao: Giao thừa đoán vận
Tết vùng cao: Gội đầu ngày 30 tết Lễ cúng Tết vùng cao: Tết sớm của người Mông

_________

Kỳ cuối: Ăn tết với dân bản, tại sao không?

NGUYỄN TRIỀU - QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp