Cụ Hùng (người vô gia cư, 94 tuổi) với phần quà vừa nhận được từ một nhóm bạn trẻ trao tặng - Ảnh: KHÁNH TRẦN
Và được theo chân họ, tôi cũng cảm thấy xuân này ý nghĩa hơn.
Ai cũng muốn được sum vầy
Ngót 20 năm trước, tết với tôi và lũ bạn là những lần vượt 1.000 cây số trên chuyến xe đường dài để được sum vầy với gia đình. Nhưng có những đứa phải ở lại làm thuê kiếm ít tiền vì không đủ tiền xe về quê. Đi qua những cái tết như thế, anh bạn tôi (quê Quảng Ngãi) từ khi thành công với công ty xây dựng ở Q.9, TP.HCM đã luôn trích lợi nhuận kinh doanh tổ chức một số chuyến xe miễn phí dành cho anh chị em công nhân, sinh viên có quê ở miền Trung.
Anh nhờ nhân viên gọi điện thoại nhắc nhở anh chị em giờ giấc, chuyến xe để họ không phải lo lắng bị trễ giờ hay lạc đường. Anh sắp xếp cả nước uống, thức ăn trên đường và đi tiền trạm để chọn cả quán cơm, trạm nghỉ chân khang trang cho khách.
Ban đầu chương trình chỉ có vài chuyến xe. Về sau toàn bộ nhân viên công ty trích tiền thưởng tết góp sức. Họ cảm thấy hạnh phúc khi nhìn những gương mặt sinh viên, thợ hồ, người lao động nghèo xa quê ai cũng rạng rỡ hơn trên từng chuyến xe sum vầy. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp lặng lẽ sẻ chia mà không thiết phải làm một chương trình rầm rộ nào cả.
Rồi có nhóm khác lưu tâm đến các cụ già đang phải sống trong viện dưỡng lão, như câu chuyện đang diễn ra ở một trung tâm bảo trợ xã hội tại Hóc Môn
(TP.HCM). Những điều giản dị như tự tay chuẩn bị một ít dưa hành, củ kiệu hay chút bánh mứt bao năm nay kể từ khi không gia đình, các cụ đã chẳng còn được trải qua. Mẹ của bạn tôi đã huy động các cô trong xóm đến nhà tình thương vừa chuyện trò vừa làm dưa hành, cắt tỉa cà rốt, đu đủ với các ông bà ở đó. Cái mùi đặc trưng của những món ấy giúp làm sống lại những kỷ niệm hạnh phúc của các cụ già.
Trao đi và nhận lại
Ở quê tôi (Duy Xuyên, Quảng Nam), những ngày này, vài người gom đơn hàng mứt gừng, mứt dừa. Các cô có thu nhập thấp trong xóm được dịp có việc làm. Người trồng gừng là nông dân chân chất trên núi, được mua với giá cao hơn ngoài chợ. Mứt làm xong được gửi cho trẻ em dân tộc ở huyện miền núi khó khăn kèm mấy đòn bánh tét. Bao năm rồi họ vẫn miệt mài chia sẻ miếng bánh, hộp sữa nhưng không quên tục gói và nấu bánh chưng như để giữ hương vị tết truyền thống cho lũ trẻ.
Có nhóm bạn trẻ nhận được quả quất sạch từ nhà vườn, họ cùng nhau gọt vỏ, tách hạt, ngâm đường rồi sên mứt mang đi tặng các hộ gia đình nghèo ở xóm chài Duy Hải, Duy Xuyên, trao tận tay những chị phụ nữ khuyết tật. Hỏi ra mới biết, nhóm này thường chăm sóc sự học cho trẻ em nghèo ở đây, họ trao không chỉ dăm ba cuốn sách, vài cây bút chì, mà còn thu xếp thời gian chơi đùa cùng lũ trẻ, nhỏ to cùng ba mẹ chúng.
Rồi còn có không ít người dọn nhà lục tủ chọn ra những món đồ hãy còn tốt, vẫn đẹp mang đến chỗ cho nhận đồ miễn phí. Ở Cẩm Thanh, Hội An có một đội tình nguyện viên gồm mấy chị em phụ nữ sống quanh đó, thi thoảng có học sinh - sinh viên từ Đà Nẵng, cả du khách ghé vào cùng nhau phân loại, sắp xếp đồ đợi người cần đến nhận. Cửa hàng được trang trí, trưng bày như một tiệm quần áo bán đồ mới, người đứng quầy cũng phục vụ tận tình. Với họ, trao đi - nhận lại, tức là đang học cách sẻ chia đúng nghĩa.
Mô hình này cũng có ở TP.HCM, Hà Nội thông qua mạng xã hội. Tại đó, nhiều người trao đi món đồ và cả sự quan tâm trìu mến của mình đến người cần nhận. Những mẩu giấy nhắn gửi, lời chúc ngăn ngắn, lời cảm ơn nhiều cảm xúc như thắp lên ngọn lửa ấm áp, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái giữa những người xa lạ, không phân biệt nghề nghiệp, thu nhập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận