22/01/2025 10:03 GMT+7

Tết về với từng hẻm nhỏ

Không khí Tết đang về với TP.HCM không chỉ ở sự nhộn nhịp của phố phường, ở khu trung tâm mà đặc biệt là trong nhiều khu phố, nhiều con hẻm nhỏ cũng có Tết. Ở đó, không gian Tết được bà con cùng góp tay.

Tết về với từng hẻm nhỏ - Ảnh 1.

Tại hẻm 115 Nguyễn Công Hoan (quận Phú Nhuận, TP.HCM), người dân trang trí nhiều tiểu cảnh bắt mắt đón Tết - Ảnh: TRÍ ĐỨC

Xế chiều 18-1, cổng trường Trường THPT Diên Hồng (phường 14, quận 10) rực rỡ cờ hoa, tấp nập người dân 19 khu phố đến ăn bữa cơm Tết sum vầy.

Bữa cơm Tết đoàn kết

Sân khấu rộn ràng các bài nhạc xuân nhưng cũng không lấn át được tiếng trò chuyện của từng khu phố. Có khu cùng chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc chưa từng có, có khu "1, 2, 3 dô..." như anh em một nhà. Trong bữa cơm Tết đoàn kết, không phân biệt giàu - nghèo, không phân biệt dân thường hay cán bộ công chức, lãnh đạo địa phương. 81 bàn ăn cho hơn 800 người, cùng nhau mong cầu một mùa Tết bình an, đủ đầy.

Bên mâm cơm với những món ăn truyền thống của ngày Tết, bà Lê Thị Lan (73 tuổi, khu phố 3) nói rằng bản thân tuổi cao và sức khỏe không còn tốt như trước, nhưng khi nghe tin phường có một bữa cơm đoàn kết bà đã cố gắng đến dự.

"Mấy mươi năm tuổi đời chưa bao giờ ngồi ăn bữa cơm mà vui vẻ, hạnh phúc như vầy. Xóm giềng quá vui. Tới đây mới có cơ hội trò chuyện cùng người quen chứ làm gì còn dịp khác, bởi tuổi cao chỉ đi quanh quẩn ở nhà thôi", bà Lan tâm tình.

Có mặt từ rất sớm, dạo quanh các khu trưng bày Tết, ông Nguyễn Phan (55 tuổi, khu phố 14) cho biết không khí tại đây rất vui, cứ như ngày Tết thật sự dù Tết còn cả tuần nữa mới đến.

"Bà con ai cũng hân hoan khi phường tổ chức chương trình ý nghĩa thế này. Tôi cảm nhận được sự gần gũi, cầu thị của lãnh đạo địa phương khi họ đến thăm hỏi, trò chuyện với từng người dân, ngồi ăn cùng một bữa cơm với dân. Tôi nghĩ người dân sẽ sẵn sàng, đồng lòng với chính quyền thực hiện những công việc chung", ông Phan nói.

Tết về với từng hẻm nhỏ - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Văn Quang chỉnh lại tiểu cảnh mừng xuân ở con hẻm đường Trần Hưng Đạo (khu phố 3, phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: TRÍ ĐỨC

Góp Tết cho hẻm như cho nhà mình

Trong khi đó, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM) những ngày giáp Tết Ất Tỵ rực rỡ sắc màu từ các đường lớn đến từng con hẻm. Thay vì làm bữa cơm, các khu phố nơi đây thi nhau bài trí góc phố Tết cho không gian sống của mình. Chạy ngang hẻm 153 đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Phạm Ngũ Lão), ai ai cũng phải ngoái nhìn vì sắc xuân đã tràn ngập từ đầu đến cuối hẻm.

Khu phố 6, với hơn 2.000 nhân khẩu, người góp vốn, người góp sức trang hoàng ba tiểu cảnh rực rỡ ngay đầu hẻm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, trưởng ban điều hành khu phố 6, kể rằng hai tuần trước lúc phát động việc bài trí góc Tết, nhà nhà đều ủng hộ, cả xóm cùng nhau quây quần cả ngày để làm, người sắp xếp từng khóm lúa, người gắn từng bao lì xì lên cành đào cành mai. Trong lòng người dân khu phố 6 ai cũng mong "góp Tết" cho hẻm như cho nhà mình.

Nói về việc làm đến ba tiểu cảnh, bà Cẩm tâm tình rằng tiểu cảnh vùng quê thanh bình dành cho những người con xa quê, thỏa được nỗi nhớ mong khi Tết không được về. Tiểu cảnh thứ hai là góc Tết với mai, đào, bánh chưng, bánh giầy để người dân khu phố luôn nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Cuối cùng là tiểu cảnh không gian văn hóa Hồ Chí Minh với vô vàn sách và ảnh về Bác Hồ, bà Cẩm mong muốn tất cả người dân khu phố đều nghĩ đến Bác "vì có được cái Tết ấm no trong hòa bình đều nhờ công ơn Bác", bà Cẩm nói.

Không chỉ riêng hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai rực rỡ sắc xuân, hầu như từng địa phương đều mang Tết về như hẻm 205 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), hẻm 26 phường Bình Trưng Tây (TP Thủ Đức), hẻm 115 Nguyễn Công Hoan (quận Phú Nhuận).

Tết về với từng hẻm nhỏ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Phước Lộc - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - gói bánh chưng cùng người dân khu phố 16, phường Tân Thuận Tây (quận 7) vào tối 21-1- Ảnh: H.L

Chia nhau từng đòn bánh, miếng mứt

Rời các quận nội thành trung tâm với không khí Tết rôm rả, nhộn nhịp khắp phố phường, huyện Củ Chi là địa phương tổ chức ngày hội "Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình" một cách đầm ấm thôn quê.

Khu phố 3, 3A, 3B (thị trấn Củ Chi) tưng bừng với hội diễn văn nghệ, và các nghệ nhân cũng chính là người dân của thị trấn thi nhau biểu diễn kỹ năng gói bánh tét, bánh chưng. Hay ấp 2 (xã Hòa Phú) với hội thi trang trí cây mai ngày Tết, thi làm mứt Tết. Từng đòn bánh, miếng mứt chia nhau trọn vẹn nghĩa tình.

Ông Võ Hoàng Túc, người dân khu dân cư liên ấp 5-5A (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi), cho biết ngày hội "Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình" không chỉ là một hoạt động thiết thực giúp phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ mang lại niềm vui và sự thư giãn, gặp gỡ và sẻ chia cho người dân sau một năm dài mưu sinh, học tập.

"Ngày hội lần này là một động lực mạnh mẽ, khích lệ giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc mà còn là dịp tổ chức các hoạt động để người dân các dân tộc trong ấp tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từ đó cùng nhau phát huy mọi tiềm năng, xây dựng liên ấp 5-5A trở thành một trong những ấp phát triển mạnh mẽ, giàu có của xã", ông Túc chia sẻ.

Từng bữa cơm sum vầy, từng góc phố ngập tràn sắc xuân... là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, sẻ chia của người dân TP.HCM trong mùa xuân mới.

Tết về với từng hẻm nhỏ - Ảnh 4.

Đồ họa: T.ĐẠT

Tôi tin tưởng rằng ngày hội "Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình" là điểm khởi đầu tốt đẹp, báo hiệu những gì vui nhất, năng lượng tích cực nhất để chúng ta cùng chung sức đồng lòng xây dựng khu phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, an toàn; góp phần xây dựng các địa phương trong sạch, vững mạnh. Góp phần đưa các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương và TP.HCM ngày càng phát triển.

Phó bí thư Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc

Bữa cơm chưa từng có tiền lệ

Trong dòng người ngược xuôi đón tiếp người dân, không ai nhận ra bà Hoàng Kim Chi - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 14 (quận 10), "chủ xị" của bữa cơm đoàn kết - khi bà tất bật lo chu toàn từng khâu việc. Bà Chi cho biết địa phương đã vận động xã hội hóa từ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để làm một bữa cơm đoàn kết, bữa cơm chưa từng có tiền lệ. Có lo lắng, có khó khăn nhưng sự phản hồi niềm nở của người dân đều vượt mong đợi của tất cả mọi người.

"Làm chương trình đến tận khuya mới xong, dù rất mệt nhưng nhận được tin nhắn của nhiều cô chú nói hôm nay vui quá con ơi, năm sau làm tiếp nha, là bỗng dưng mọi mệt mỏi xua đi. Hay có những hộ dân thoát nghèo năm trước, phường cũng mời đến dự và tặng quà động viên; họ xúc động nói chưa bao giờ nghĩ được là khách mời cùng với lãnh đạo địa phương, thành phố", bà Chi chia sẻ.

Như một người quen ăn Tết cùng xóm giềng

Là người con của quê hương Củ Chi "đất thép, thành đồng", cũng là lãnh đạo được phân công về dự ngày hội "Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình" ở xã Phước An, bà Nguyễn Thị Lệ, chủ tịch HĐND TP.HCM, mặc chiếc áo bà ba xanh dân dã như một người quen về ăn Tết cùng bà con xóm giềng.

Bà Lệ tâm tình những ngày qua về dự hội nghị ở huyện Củ Chi, bà đã thấy không khí Tết tràn ngập khắp nơi, các góc phố xuân được người dân chung tay trang trí đẹp mắt. "Những nụ cười, sự phấn khởi hiện lên trên gương mặt của mọi người chính là biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần đoàn kết, ấm áp nghĩa tình. Đây thực sự là một khởi đầu tốt đẹp cho năm mới 2025 - năm mở ra nhiều kỳ vọng, cơ hội để chúng ta cùng nhau phát triển và vươn lên", bà Lệ chia sẻ.

Cả chung cư cùng vui Tết

Tết về với từng hẻm nhỏ - Ảnh 4.

Chiều 22 Tết, người dân chung cư Hòa Bình (quận 10) cùng nhau bài trí cho góc Tết thêm rực rỡ - Ảnh: CẨM NƯƠNG

TP.HCM có nhiều chung cư cao tầng và đó cũng chính là nơi thiếu vắng không khí Tết bởi không gian mỗi căn nhà đều kín kẽ, riêng tư. Thế nhưng Tết này nhiều chưng cư đã thay đổi, cùng nhau vui xuân.

Chung tay lo không gian Tết

Chung cư Hòa Bình (quận 10) cũng là một trong số những chung cư là nơi ở của nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư và diện gia đình chính sách. Chính vì mặt bằng chung là người dân lao động bình dân với gánh nặng mưu sinh nên nhu cầu vui chơi của đa số hộ dân đều rất ít.

Nhiều năm liền chung cư không có hoạt động vui xuân, đón Tết chung. Tuy nhiên Tết này, sau khi sắp xếp khu phố ấp, cả chung cư hình thành một khu phố 15 như một sự gắn kết hữu hình và cả khu phố cùng đồng lòng lo ngày hội vui xuân.

Chung cư Hòa Bình vào chiều 22 Tết rộn ràng tiếng cười nói. Chính khuôn viên này trước đây nhếch nhác giờ lại biến thành góc phố đón Tết - nơi mỗi chiều các hộ dân lại tranh thủ xuống cùng nhau bài trí Tết. Bà Văn Thị Bé, trưởng Ban công tác mặt trận khu phố 15, là một trong những hộ dân đầu tiên tại chung cư. Bà cho biết 25 năm qua, đây là năm đón Tết sum vầy, vui tươi nhất của bà và người dân toàn chung cư.

Theo bà Bé, khi chung cư thành lập một khu phố duy nhất, Ban công tác mặt trận đã lập một nhóm Zalo riêng và vận động người dân cùng chung tay lập không gian Tết.

Thi cắm hoa, thi hát

Tiểu cảnh góc phố Tết ngay khuôn viên chung cư được rất nhiều người dân thích thú rủ người nhà cùng xuống chụp ảnh. Không chỉ vậy, khu phố còn tổ chức ngày hội văn hóa trao các phần quà Tết đến các hộ dân khó khăn, tổ chức gói và nấu bánh chưng bánh tét, tổ chức hội thi karaoke.

"Tham gia hội thi cắm hoa chủ yếu là dân lao động, dù những bình hoa thành phẩm không quá chuyên nghiệp nhưng ai cũng vui vẻ, tâm đắc. Hay hội thi karaoke, có những cô chú năm nay đã ngoài 70 nhưng xung phong lên cầm micro hát thấy rất thương. Người này thấy người kia tham gia nên cùng rủ nhau xuống và từ đó mọi người gắn kết với nhau hơn, đúng nghĩa "Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình" bỏ qua những lo toan ngoài cuộc sống", bà Bé chia sẻ.

Là người dân sống ở chung cư Hòa Bình hơn 10 năm qua, bà Hồ Thu Hà cho biết nhiều năm qua chung cư không tổ chức hoạt động gì, cộng với việc mỗi ngày đi làm về mệt mỏi nên người dân càng khép mình hơn trong từng căn nhà. Ngay cả bà ban đầu cũng ngần ngại tham gia, nhưng khi thấy không khí vui tươi nhộn nhịp đã cùng góp sức.

"Các hoạt động vui xuân ở chung cư mang lại không khí vui tươi ấm áp mà nhiều năm qua người dân chúng tôi không có được. Chính những hoạt động này sẽ giúp gắn kết tình nghĩa xóm giềng, cũng là sự khởi đầu trong một năm mới tốt lành, người dân có cuộc sống hạnh phúc hơn", bà Hà chia sẻ.

Chưa năm nào Tết "đậm" như năm nay

Là một trong những người dân tích cực hỗ trợ bài trí góc phố Tết, bà Nguyễn Thị Điệp (74 tuổi, ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 3, TP.HCM) tươi cười nhìn thành quả của cả khu phố được rất nhiều người dân đón nhận. Sống từ nhỏ ở con hẻm này, bà Điệp xúc động nói chưa năm nào Tết "đậm" như năm nay bởi sự chung tay, đoàn kết mang Tết về của khu phố.

"Tết đến người trẻ có thể đi đó đây vui chơi, nhưng những người cao tuổi già yếu hay trẻ em nhỏ chỉ có thể quanh quẩn ở nhà, cùng lắm ra vào trong hẻm. Góc Tết này chính là niềm vui Tết của những người như chúng tôi, để người dân khu phố không một ai thiếu Tết", bà Điệp chia sẻ.

Tết về với từng hẻm nhỏ - Ảnh 6.Ngày Tết có còn thăm nhau?

Ngày nay, những đổi thay của đời sống hiện đại làm những chuyện thăm nhau ngày Tết có vẻ vơi dần. Làm sao ngày xuân chúng ta vẫn thăm nhau như truyền thống đẹp đẽ bao đời?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp