Nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá tra ở ĐBSCL cho biết năm 2019 là năm giá cá tra sụt mạnh nhất - Ảnh: BỬU ĐẤU
Đây là điều hoàn toàn trái ngược với cái tết năm ngoái khi giá cá tra tăng cao kỷ lục, người nuôi lời to và có cái tết hoành tráng.
Ông Nguyễn Văn Bê (xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang) được xem là người đi đầu phong trào nuôi cá tra hàng chục năm qua, nhưng chưa bao giờ ông lại rơi vào tình cảnh giá cá tra lại "bèo" đến mức không ai mua như những ngày cuối năm này. Cả 5 người con của ông Bê nối nghiệp cha nuôi được 20 hầm cá tra với diện tích trên 15ha thì đã bỏ trống hết 5 hầm không nuôi nữa do thua lỗ.
Hiện gia đình ông Bê còn lại hơn 300 tấn cá quá lứa có trọng lượng hơn 2kg/con nhưng không ai mua. Theo ông Bê, mấy hôm trước ông bán được 300 tấn cá tra thịt với giá 17.600đ/kg thì lỗ hết 1,3 tỉ đồng rồi. Số cá còn lại trên 300 tấn này cũng không biết tính làm sao vì đã quá lứa hơn 2kg nhưng không ai mua.
Ông Nguyễn Văn Bê bên ao cá quá lứa mà không bán ra được khiến nợ nầng chồng chất - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trong khi đó tại Đồng Tháp - một "thủ phủ" khác của con cá tra tại ĐBSCL, tình trạng cũng không khá nổi khi nhiều hộ nuôi cá tra đang rất phập phồng đáng âu lo. Ông Hồ Công Trí (xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc) có khoảng 6 ao nuôi cá tra tại cồn Đông Giang. Hiện ông vẫn còn 2 ao, trọng lượng cá trong ao khoảng 750g/con và có thể xuất bán vào thời điểm cận tết. "Vùng này liên kết với doanh nghiệp, mấy năm rồi giá cá tra xuống "đáy" nên người cá tra cũng lâm cảnh lao đao. Hôm rồi nghe đâu giá có 18.000 đồng/kg, thiệt rầu hết sức", ông Trí chia sẻ.
Cạnh đó, ao nuôi của ông Nguyễn Công Điền đã thu hoạch cá nhưng khi được hỏi về sự chuẩn bị tết, ông tặc lưỡi rồi lắc đầu ngao ngán: "Tết gì chú ơi, người nuôi cá cứ nuôi hi vọng giá cá lên nhưng chẳng thấy đâu. Ai nuôi cá cũng lỗ".
Không chỉ hộ nuôi lẻ, ngay cả hợp tác xã hay doanh nghiệp cũng lao đao vì giá cá xuống quá thấp. Ông Nguyễn Thanh Bình - giám đốc HTX thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) - cho biết năm qua diện tích nuôi cá tra của HTX khoảng 15ha, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 3.000 đến 4.000 tấn cá/năm. Hiện giá cá tra bán ra dao động khoảng từ 18.000 đến 18.500 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng khoảng 2.000 đến 3.000 đồng/kg.
Còn ông Trần Văn Lật, đại diện Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú - cho biết vùng nuôi cá tra của ông có diện tích trên 350ha được xem là một trong số vùng nuôi cá tra lớn nhất tỉnh An Giang. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay giá cá tra xuống thấp nên đơn vị không bán. Hiện tại còn tồn đọng trên 54.000 tấn cá tra, trọng lượng cá hiện tại đã đạt từ 1,2kg đến 1,8kg/con nhưng giá thấp không bán được.
"Bây giờ bán ra cũng lỗ nên tôi quyết định giữ lại đàn cá này. Đợi khi nào nhà máy chế biến thủy sản và kho đông lạnh của chúng tôi hoàn thành mới tiến hành làm xuất khẩu hoặc trữ lại chờ được giá cao sẽ bán", ông Lật nói.
Người làm công cho cá ăn cũng đang lo lắng vì cá tra rớt giá thê thảm ảnh hưởng đến đời sống của họ - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tuy nhiên, theo ông Doãn Tới, tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt, cho rằng giá cá tra rớt thê thảm như hiện nay là do cung vượt cầu. Người nuôi cá tra lỗ nặng và đón một cái tết không vui là dĩ nhiên. Ngay từ cuối 2018, giá cá tra lên cao nên nhiều người đổ xô đào hầm nuôi cá.
Nhiều địa phương gần như buông lỏng quản lý nên dẫn đến tình trạng cá tra dội chợ. "Bây giờ nhiều người lấp hầm cá lại cũng đã muộn, Nhà nước cần siết chặt quản lý mới mong tránh khỏi điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa này", ông Tới đề xuất.
TS Trần Hữu Hiệp: "Bệnh ngành cá tra đã có thuốc, nhưng dùng chưa đủ liều"
Những yếu kém, thiếu bền vững của chuỗi giá trị cá tra khi người nuôi chạy theo giá, quên bài học căn bản của mối quan hệ cung - cầu đã được nhận diện nhiều năm qua. Thực tế đã có nhiều giải pháp đã được thực thi từ tăng cường quản lý nhà nước, qui hoạch vùng nuôi, nhà máy chế biến đến tiếp cận cho vay theo chuỗi, thành lập Hiệp hội cá tra, nhưng xem ra, "căn bệnh" của ngành cá tra đã được chẩn đoán, bốc thuốc, nhưng dùng thuốc chưa đủ liều. Thực tế hiện nay, 80-90% giá thành cá tra là chi phí thức ăn.
Thu hoạch cá tra ở vùng Đồng bằng - Ảnh: TTO
Trong khi đó, khoảng 80% các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ quyền cung cấp thức ăn thủy sản, quyết định giá nguyên liệu. Và cũng vào khoảng 70-80% nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản như bắp, cám gạo và các nguyên, phụ liệu khác cũng được nhập khẩu.
Sản xuất cá tra, từ "đầu vào" đến "đầu ra", người nuôi - với tư cách "nhà sản xuất" nhưng không có quyền quyết định đối với sản phẩm của mình làm ra. Khi cá tra được giá, người nuôi chỉ lãi 10-20%, còn lại 80-90% thuộc phân ngành thức ăn. Thua lỗ thì người nuôi mất trắng.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần tăng cường liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị thực chất, thương hiệu hóa và tái cấu trúc toàn diện ngành hàng nông, thủy sản gắn với ngành công nghiệp thức ăn, đa dạng hóa sản phẩm.
Nhưng trước mắt là cần rà soát, loại các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, quản trị yếu kém để đảm bảo sự lành mạnh, sức cạnh tranh của các tác nhân, tăng cường liên kết lại để các ngành hàng nông sản chủ lực của vùng đủ sức đương dầu trước thách thức và hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều khắc nghiệt của cuộc chơi "mạnh được, yếu thua".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận